Số bệnh nhân nghi ngộ độc sau ăn bánh mì ở Đồng Nai đã lên 555, đoàn bác sĩ BV Nhi đồng 1 TPHCM hỗ trợ khẩn

Tính tới 10 giờ ngày 4/5, tổng số trường hợp nhập viện nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì ở Đồng Nai đã tăng lên 555 trường hợp. Đoàn bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tới hỗ trợ khẩn Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.

Theo số liệu cập nhật của Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, đến 10 giờ ngày 4/5, tổng số trường hợp nhập viện nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì ở Tiệm bánh mì Cô Băng (đường Trần Quang Diệu, khu phố 2, phường Xuân Bình, Thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) đã tăng lên 555 trường hợp; trong đó có 399 người đang điều trị tại các Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Cao Su. Đến nay đã có 36 người điều trị khỏi và xuất viện.

Hiện Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai có 13 ca bệnh nhi đang được điều trị; trong đó có 2 ca tiên lượng rất nặng, đang lọc máu và điều trị tích cực. Bệnh viện đã mời đoàn bác sĩ từ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) trực tiếp xuống hội chẩn cùng các bác sĩ của đơn vị để cứu các bệnh nhi nghi ngộ độc nặng sau khi ăn bánh mì thịt tại cơ sở bánh mì Cô Băng.

PGS.TS.BS Phạm Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc thăm khám cho bệnh nhi nghi ngộ độc sau ăn bánh mì tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Được biết, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã cử PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng – Giám đốc bệnh viện và PGS.TS.BS Phạm Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc xuống hỗ trợ trực tiếp cho Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.

Trực tiếp hội chẩn, điều trị cho 2 bệnh nhi nặng tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, PGS.TS.BS Phạm Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Nhi đồng 1 - TPHCM) cho biết, 2 trường hợp này rất nặng, 1 bệnh nhi 6 tuổi nhập viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, sốc nhiễm trùng nặng và đang nguy kịch và 1 cháu bị sốc nặng.

Tiệm bánh mì Cô Băng (đường Trần Quang Diệu, khu phố 2, phường Xuân Bình, Thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai).

"Hiện, huyết động học của 2 bệnh nhi này tạm ổn định nhưng 1 cháu 6 tuổi vẫn trong tình trạng nguy kịch. Chúng tôi đã tiến hành hội chẩn, lọc máu để kiểm soát tình trạng nhiễm trùng cho các bệnh nhi. Bên cạnh việc lọc máu, các bệnh nhi cũng đang được điều trị chống sốc, truyền dịch, vận mạch để loại bỏ các độc tố", bác sĩ Phạm Văn Quang cho biết.

Các bác sĩ chẩn đoán, các bệnh nhi bị sốc nhiễm trùng do nhiễm trùng huyết từ đường tiêu hóa, nghi ngộ độc thực phẩm. Tác nhân gây ngộ độc chính xác phải đợi kết quả phân lập vi sinh của cơ quan an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, những trường hợp nặng như vậy thường do 2 tác nhân chính là tụ cầu hoặc Salmonella.

Nam Thương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/so-benh-nhan-nghi-ngo-doc-sau-an-banh-mi-o-dong-nai-da-len-555-doan-bac-si-bv-nhi-dong-1-tphcm-ho-tro-khan-169240504153337801.htm