Xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Hằng năm, thường xảy ra các đợt dịch bệnh trên động vật, ảnh hưởng kinh tế của người chăn nuôi, đe dọa sức khỏe cộng đồng. Vì vậy, xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, đang là giải pháp hữu hiệu, giúp người chăn nuôi giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Tỉnh Sơn La có điều kiện thuận lợi phát triển chăn nuôi, với tổng số hơn 505.800 con trâu, bò; 6.500 con ngựa; 171.000 con dê; 686.240 con lợn và gần 8 triệu con gia cầm; phát triển 6.772 lồng cá các loại, sản lượng đạt trên 9.400 tấn mỗi năm. Các cơ sở chăn nuôi quy mô không ngừng phát triển, với 718 cơ sở chăn nuôi các loại.

Theo Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật, cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh động vật phải đáp ứng khu vực chăn nuôi phù hợp theo quy định pháp luật về thú ý, chăn nuôi, thủy sản, như: Tách biệt với cơ sở khác cùng loài động vật, nguồn lây nhiễm bệnh; có khu xử lý xác, chất thải đáp ứng quy định môi trường và thú y; hệ thống xử lý nước thải đảm bảo kỹ thuật, giảm thiểu nguy cơ mang tác nhân gây bệnh. Có các biện pháp ngăn chặn động vật hoang dã, vật chủ trung gian xâm nhập vào khu vực chăn nuôi. Hệ thống khử trùng người, phương tiện, dụng cụ, trang thiết bị, vật tư tại lối ra vào, khu vực chăn nuôi. Đặc biệt, xây dựng kế hoạch an toàn sinh học; giám sát dịch bệnh động vật, không xảy ra dịch bệnh động vật.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều trang trại, doanh nghiệp đưa công nghệ tự động hóa và áp dụng các biện pháp kỹ thuật, vệ sinh thú y, an toàn sinh học, phòng, chống dịch bệnh vào quy trình chăn nuôi khép kín, góp phần đảm bảo chất lượng sản phẩm và sức khỏe đàn vật nuôi.

Cán bộ khuyến nông tỉnh hướng dẫn hộ nuôi thủy sản xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai phòng tránh dịch bệnh cho cá.

Cán bộ khuyến nông tỉnh hướng dẫn hộ nuôi thủy sản xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai phòng tránh dịch bệnh cho cá.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, cho biết: Chi cục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích các cơ sở chăn nuôi xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Tổ chức giám sát, thẩm định, kiểm tra, đánh giá và công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh khi đủ điều kiện theo quy định; công bố danh sách cơ sở an toàn dịch bệnh được cấp; cấp lại giấy chứng nhận cho các cơ sở có giấy chứng nhận hết hiệu lực theo quy định.

Công ty cổ phần chăn nuôi Lộc Phát BLLT giám sát, quản lý đàn lợn qua hệ thống camera

Công ty cổ phần chăn nuôi Lộc Phát BLLT giám sát, quản lý đàn lợn qua hệ thống camera

Công ty cổ phần chăn nuôi Lộc Phát BLLT, ở phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La, có 14 năm kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh lợn giống, lợn thương phẩm. Ông Nguyễn Công Bắc, Giám đốc công ty cho biết: Công ty đang có 2 cơ sở lợn giống và chăn nuôi lợn nái sinh sản, lợn thịt thương phẩm, với tổng số hơn 600 con lợn nái, khoảng 4.000 con lợn thương phẩm. Thực hiện nuôi lợn an toàn về dịch bệnh, Công ty đã áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học ở các trang trại, cơ sở chăn nuôi; có cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi đàn vật nuôi, hạn chế thấp nhất rủi ro, thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Sản phẩm của Công ty luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hằng năm, được Công ty cổ phần Tập đoàn MaSan thu mua.

Công nhân Công ty cổ phần chăn nuôi Lộc Phát BLLT khử trùng chuồng trại, đảm bảo an toàn dịch bệnh

Công nhân Công ty cổ phần chăn nuôi Lộc Phát BLLT khử trùng chuồng trại, đảm bảo an toàn dịch bệnh

Không chỉ doanh nghiệp lớn, các cơ sở chăn nuôi cũng đã chú ý đến việc chăn nuôi an toàn. Tiêu biểu, hộ gia đình ông Bùi Khắc Tuấn, bản 428, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn nuôi 900 con lợn/năm. Ông Tuấn chia sẻ: Gia đình đã đầu tư chuồng nuôi lợn đúng chuẩn, thoáng mát, áp dụng đúng quy trình chăm sóc, đảm bảo khử trùng và giám sát bệnh dịch chặt chẽ. Đàn lợn giống trước khi bán ra thị trường, luôn được tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh. Từ năm 2022 đến nay, cơ sở chăn nuôi của gia đình được công nhận an toàn dịch bệnh, đem lại nguồn thu nhập ổn định.

Đến nay, toàn tỉnh có 26 cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận an toàn với các bệnh lở mồm long móng, dịch tả lợn cổ điển, bệnh cúm gia cầm H5N1, bệnh Niu-cát-xơn. Trong năm 2023, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh đã cấp mới, cấp lại 3 giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh

Năm 2024, tại tỉnh Sơn La đang xây dựng thêm 3 cơ sở trang trại chăn nuôi tập trung, được chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật; 1 vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh lở mồm long móng trâu, bò cấp xã thuộc huyện Mộc Châu; 1 vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại động vật cấp phường thuộc thành phố Sơn La. Phấn đấu, đến năm 2025, toàn tỉnh được công nhận 2 vùng an toàn dịch bệnh cấp xã đối với bệnh lở mồm long móng trâu, bò; 2 vùng an toàn dịch bệnh cấp xã đối với bệnh dại động vật.

Trên cơ sở triển khai thực hiện các chương trình quốc gia về phòng, chống các dịch bệnh động vật đối với cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trâu, bò, phòng, chống bệnh dại và Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch xây dựng, duy trì cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

Nông dân xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai khử trùng chuồng trại đảm bảo an toàn dịch bệnh

Nông dân xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai khử trùng chuồng trại đảm bảo an toàn dịch bệnh

Ông Nguyễn Ngọc Toàn cho biết thêm: Năm 2024, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí tổ chức, triển khai lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm mẫu và các chi phí khác liên quan đến xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh. Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh còn tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2024 và hội thảo chuyên đề về vắc xin dịch tả lợn châu Phi, vắc xin viêm da nổi cục, đưa ra những giải pháp, mục tiêu thực hiện việc phòng, chống dịch bệnh động vật, giải pháp xây dựng cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh trên địa bàn.

Bà Bùi Thị Ngọc Mai, Phó Tổng Giám đốc, Công ty cổ phần AVAC Việt Nam, cho biết: Công ty chuyên sản xuất, cung cấp các loại vắc xin phòng bệnh ở động vật. Từ đầu năm đến nay, đã phối hợp huyện Phù Yên triển khai tiêm phòng 600 liều vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục trâu, bò hiệu quả, giúp các chủ trang trại, doanh nghiệp kiểm soát tốt dịch bệnh, duy trì là cơ sở an toàn dịch bệnh.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra dịch tả lợn châu Phi tại 8 lượt xã, của 3 huyện, thành phố, làm chết, tiêu hủy 590 con lợn, tổng trọng lượng gần 23.000 kg. Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh đã hướng dẫn việc lấy mẫu bệnh phẩm, xử lý động vật mắc bệnh, vệ sinh, phun khử trùng, tiêu độc bằng hóa chất, vôi bột tại địa bàn các xã xảy ra ổ dịch, khống chế, không phát sinh ca bệnh mới. Đồng thời, tiêm gần 4.300 liều vắc xin phòng bệnh dại, lở mồm long móng, tụ huyết trùng trâu, bò và dịch tả lợn châu Phi. Hiện nay, đang tuyên truyền, vận động nhân dân tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò bằng hình thức xã hội hóa.

Chăn nuôi an toàn đang là giải pháp hữu hiệu giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả chăn nuôi, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh, đảm bảo sức khỏe đàn vật nuôi, an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, số cơ sở được cấp chứng nhận chăn nuôi an toàn trên địa bàn tỉnh còn rất thấp. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc hỗ trợ của các cơ quan chức năng, thì các hộ chăn nuôi, doanh nghiệp, hợp tác xã cần chú trọng đầu tư, nhân rộng mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững và hiệu quả.

Phan Trang

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/nong-nghiep/xay-dung-co-so-vung-chan-nuoi-an-toan-dich-benh-QO7TAMESg.html