Thời điểm tiêm mũi vắc-xin AstraZeneca cuối cùng ở Việt Nam là khi nào?

Nguy cơ đông máu cơ bản chỉ xảy ra trong vòng 28 ngày sau tiêm và thường gặp ở mũi vắc-xin đầu tiên. Có một số rất nhỏ gặp hiện tượng này sau tiêm vắc-xin AstraZeneca và đã được điều trị ổn

Thông tin AstraZeneca mới đây thừa nhận vắc-xin COVID-19 có thể gây cục máu đông (còn gọi là huyết khối) kèm hội chứng giảm tiểu cầu khiến nhiều người dân hoang mang và lo lắng, dù hãng dược này khẳng định đây là trường hợp "rất hiếm gặp".

Vắc-xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca.

Phản ứng phụ của vắc-xin AstraZeneca từng được cảnh báo

PGS-TS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết thực tế trong thời gian đầu loại vắc-xin này được triển khai tiêm chủng ở các nước châu Âu, người ta đã nhận thấy một tỉ lệ nhất định người sau tiêm có hiện tượng xuất hiện cục máu đông.

Do đó, Ủy ban Dược phẩm châu Âu (EMA) đã ngừng tiêm chủng để tiến hành kiểm tra. Tuy nhiên, sau kiểm tra nhận thấy tỉ lệ này rất thấp và gần như không có khác biệt có ý nghĩa thống kê khi so với tỉ lệ mắc trước khi tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 (số liệu 2019 trở về trước).

Cũng theo PGS Thái, vấn đề huyết khối ghi nhận cơ bản chỉ xảy ra trong vòng 1 tháng sau khi tiêm và hầu hết sau mũi vắc-xin đầu tiên.

"Đến nay, phần lớn người dân đã tiêm vắc-xin AstraZeneca COVID-19 cách đây 2-3 năm, chỉ một số rất nhỏ gặp hiện tượng huyết khối và cũng được điều trị ổn. Do đó, cũng không cần lo ngại bị tác dụng phụ dẫn đến hình thành cục máu đông và không nên tự ý làm các xét nghiệm đông máu"- PGS Thái nói.

PGS Thái cho biết thuyên tắc huyết khối kèm theo giảm tiểu cầu hay hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối là bệnh lý hiếm gặp với tỉ lệ trung bình khoảng 5,6-10,7 trường hợp/1 triệu dân (cứ mỗi 21 ngày - số liệu trước 2019) và có tỉ lệ cao hơn ở các nước Châu Âu.

Sau khi vắc-xin COVID-19 AstraZeneca được triển khai tại châu Âu, trường hợp đầu tiên được phát hiện vào tháng 3-2021. Một số trường hợp tiếp theo sau đó được báo cáo và Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của WHO đã nghiên cứu, đánh giá.

Tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cho người dân

Trên cơ sở đó, ngày 21-4-2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến cáo đây là phản ứng hiếm gặp sau tiêm vắc-xin AstraZeneca. Cụ thể, tình trạng giảm tiểu cầu, huyết khối miễn dịch, đông máu rải rác trong lòng mạch xuất hiện từ 3 - 21 ngày sau tiêm vắc-xin và thường sau liều vắc-xin đầu tiên. Phần lớn các trường hợp gặp ở khu vực châu Âu.

Vì vậy, WHO khuyến cáo tại các quốc gia xuất hiện sự lây truyền của virus SARS-CoV-2, lợi ích của việc tiêm chủng vắc-xin COVID-19 trong phòng chống các biến chứng nghiêm trọng của bệnh là vượt trội hơn rủi ro phản ứng sau tiêm, trong đó có hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối liên quan đến vắc-xin.

PGS Thái cho biết ngay sau khi nhận được các thông tin về trường hợp thuyên tắc huyết khối kèm theo giảm tiểu cầu sau khi tiêm vắc-xin COVID-19 AstraZeneca, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vắc-xin COVID-19. Bộ Y tế cũng nêu trong hướng dẫn là biểu hiện lâm sàng này thường xảy ra 4 đến 28 ngày sau khi tiêm.

Vắc-xin AstraZeneca là một trong những vắc-xin COVID-19 được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam và nhiều quốc gia. Đến nay, Việt Nam đã triển khai an toàn 74,3 triệu mũi tiêm vắc-xin AstraZeneca trên toàn quốc cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên. Các mũi tiêm vắc-xin AstraZeneca cuối cùng tiêm cho người dân được thực hiện trước tháng 7-2023.

N.Dung

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-diem-tiem-mui-vac-xin-astrazeneca-cuoi-cung-o-viet-nam-la-khi-nao-19624050411503613.htm