Sự đồng cảm, ấm áp tình người trong tập sách 'Nơi có khung trời đẹp'

'Nơi có khung trời đẹp' là tập bút ký của hai tác giả Trần Duy Lý và Trần Quốc Ái, được nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 7 năm 2023. Cả hai tuy không sinh ra trên mảnh đất Bình Thuận nhưng lại có thời gian gắn bó sâu đậm với nơi đây như là quê hương thứ hai.

Tôi có cơ duyên được quen biết với các tác giả suốt mấy mươi năm qua, đặc biệt là với nhà báo - nhà văn Trần Duy Lý (1939-2019). Tháng 6/1979, từ Trường Lý luận Nghiệp vụ Văn hóa Thông tin của tỉnh, tôi được rút về công tác tại Phòng Văn hóa Văn nghệ (trực thuộc Ty VHTT Thuận Hải). Khoảng 2 tháng sau, nhà báo - nhà văn Trần Duy Lý cũng chuyển từ miền Bắc vào và công tác chung bộ phận với tôi. Chúng tôi thân thiết với nhau bắt đầu từ những câu chuyện văn chương mà cụ thể là những sáng tác đầu tay của mỗi người. Đến tháng 3/1982, khi tỉnh có chủ trương hình thành Ban vận động thành lập Hội Văn nghệ Thuận Hải, nhà văn Trần Duy Lý được điều động sang Hội Văn nghệ. Tuy nhiên, việc chuyển công tác của ông không gây ảnh hưởng gì đến mối quan hệ giữa chúng tôi, nếu không muốn nói là môi trường mới của ông càng thắt chặt tình đồng nghiệp giữa ông và tôi, vì tôi tham gia Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh liên tiếp 4 nhiệm kỳ, kéo dài từ năm 1986 đến năm 2010.

Xin trở lại với nội dung tập sách “Nơi có khung trời đẹp” vừa nêu trên. Đó là ấn phẩm bao gồm 14 bút ký, chuyển tải những vấn đề gần gũi, thiết thân với đất và người Bình Thuận. Người đọc có thể gặp lại ở đây những trang viết sinh động về làng nghề truyền thống nước mắm Phan Thiết nổi tiếng, chuyện trồng bông trên mảnh đất cực Nam Trung bộ khô cằn; vấn đề thủy lợi, giải quyết một cách đột phá nước tưới tiêu cho nông nghiệp Bình Thuận; chuyện trồng cây phủ xanh đất trống, đồi trọc trên mảnh đất Hàm Thuận giàu truyền thống đấu tranh cách mạng qua hai mùa kháng chiến…

Với Trần Duy Lý, Bình Thuận còn là nơi ông bộc lộ sự trân trọng, sẻ chia với những con người cụ thể trong cuộc sống đời thường về sự cống hiến hy sinh, về đối nhân xử thế; qua đó, toát lên cách nhìn lạc quan, yêu đời và trách nhiệm công dân sâu sắc. Đó là những trang viết nồng ấm tình người của ông về Thầy thuốc Ưu tú - Bs Đỗ Quang Mạch - Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh, Lương y Trần Sỹ - người dành tâm huyết cả đời để xây dựng Phòng Chẩn trị Y học Dân tộc Phan Thiết, Đại tá Nguyễn Thành Tâm - Chủ tịch Hội Nạn nhân Chất độc da cam tỉnh Bình Thuận với những cống hiến quên mình, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong thời bình…

Là phóng viên rồi biên tập viên kỳ cựu của Đài PT-TH tỉnh hơn 30 năm, là nhà báo xông xáo trong suốt quá trình tác nghiệp, tác giả Trần Quốc Ái đã kịp ghi lại những lắt cắt bề bộn chất liệu tươi ròng của thực tế đời sống ở Bình Thuận. Có thể đọc thấy sự trăn trở, đồng cảm của tác giả trên từng trang bút ký: Từ một dự án trồng rau xanh an toàn, phục vụ tốt nhu cầu dân sinh đến ấn tượng khó quên về những ngày đầu tiên đầy gian khó trên công trình thủy lợi hồ Cà Giây; từ những trực cảm thẩm mỹ khá tinh tế về Nét cọ sông Mường trong triển lãm mỹ thuật ở Phan Thiết đến khối lượng tri thức đáng nể trọng của lão nông tri điền ở một vùng quê lúa khi đập Đồng Mới vào mùa ở Bắc Bình… Dù viết về đề tài gì, dung lượng dài hay ngắn - tác giả cũng luôn bộc lộ rõ nét cái tâm trong sáng của người cầm bút.

Tập sách ra đời khi nhiều vấn đề bức xúc đặt ra trước đây, nay đã được giải quyết một cách cơ bản và trở thành hiện thực; đặc biệt là vấn đề thủy lợi - nút thắt quan trọng mở ra một bước ngoặt cho sự phát triển vượt bậc của nông nghiệp Bình Thuận. Diễn đạt cách khác, diện mạo mới trên quê hương Bình Thuận hôm nay có thể xem như là tấm gương phản chiếu trung thực về những đổi thay kỳ diệu khi soi vào những trang bút ký hôm qua của hai tác giả.

Với tình cảm chân thành và sự trân trọng của một người đồng điệu, xin giới thiệu tập bút ký “Nơi có khung trời đẹp” của Trần Duy Lý và Trần Quốc Ái với bạn đọc gần xa.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/su-dong-cam-am-ap-tinh-nguoi-trong-tap-sach-noi-co-khung-troi-dep-118746.html