Người đưa con ong ý vào đất Việt

Đầu xuân năm 1964, không ít người dân và công nhân cạo mủ ở vùng Long Khánh, Định Quán, Tân Phú, Bảo Lộc tỏ ra rất ngạc nhiên khi nhìn thấy hơn chục thanh niên bê hàng trăm thùng gỗ đặt rải rác khắp lô cao su và các vườn chôm chôm, nhãn...

Chân dung kỹ sư Quách Đại Cương.

Hoạt cảnh nuôi ong công nghiệp này lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam nên đã gây ra phản ứng trái chiều trong giới nhà vườn do lo ngại đàn ong sẽ phá hoại hoa lá, gây hư hại, thất bát cho cây trái...

Từ một chuyến khảo sát thực địa

Cơ sở nuôi ong công nghiệp đầu tiên ở Việt Nam thành công này có tên là Trại ong Đại Cương văn phòng ở Sài Gòn nhưng toàn bộ cơ sở vật chất hậu cần, phương tiện chế biến đặt tại Túc Trưng (nay là xã Phú Túc, huyện Định Quán). Trại chủ là người đàn ông nói tiếng Hoa có tên là Quách Đại Cương, thường được anh chị em nuôi ong gọi là… thầy Quách.

Sinh năm 1917 tại tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc), năm 25 tuổi, Quách Đại Cương tìm đường sang Hong Kong. Với tấm bằng đại học chuyên ngành nuôi ong, kỹ sư họ Quách được nhận vào làm việc cho công ty ong mật lớn nhất Hong Kong và nhanh chóng trở thành chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nuôi ong công nghiệp.

Năm 1961, kỹ sư Đại Cương đề xuất và được giám đốc công ty đồng ý để ông đi một vòng các nước Đông Nam Á để khảo sát tình hình nuôi ong. Ngày 18-8-1961, kỹ sư Quách Đại Cương đến Sài Gòn. Vào Bộ Cải tiến nông thôn Việt Nam, ông được Trưởng phòng Côn trùng tiếp và cho biết: “Bộ đã 7 lần nhập giống ong Ý từ Pháp, Mỹ và Đài Loan về nuôi thử nghiệm nhưng đều thất bại. Có lẽ là do nhiều kiến và chim xứ nhiệt đới đã gây tổn thương cho loài ong mật hiền lành này!”.

Rời Việt Nam với suy nghĩ không tán đồng nhận định của ông trưởng phòng côn trùng người Việt, bằng kinh nghiệm cá nhân, kỹ sư Đại Cương cho rằng: “Do những trục trặc kỹ thuật không sao tránh khỏi với bất cứ nước nào lần đầu bước chân vào lĩnh vực nuôi ong công nghiệp”.

Giám đốc TẠ THÀNH CẤU thay mặt Hội Nuôi ong Việt Nam chi nhánh phía Nam nêu trong Văn bản số 30/CV-HO ngày 2-2-1985: “Ông Quách Đại Cương là một trong những người đầu tiên đề xướng đưa đàn ong nhập ngoại và các vật tư kỹ thuật vào miền Nam trước ngày giải phóng. Và chính ông là người tích cực tham gia đào tạo, bồi dưỡng một đội ngũ kỹ thuật khá phong phú…”.

Đến đây thì hãy ở đây

Kiểm nghiệm lại những điều thu hoạch được trong chuyến đi khảo sát, chuyên gia nuôi ong Quách Đại Cương rất ấn tượng với hành trình 13 ngày ông đi từ miền Nam ra tận miền Trung của Việt Nam - nơi có điều kiện khí hậu và nguồn mật, phấn vô cùng phong phú, là môi trường ưu việt cho việc phát triển ngành nuôi ong mật. Sau nhiều tháng suy tư, trăn trở ông quyết định sang Việt Nam “khởi nghiệp”.

Ngày 18-7-1962, kỹ sư Đại Cương trở lại Sài Gòn với 2 đàn ong Ý cùng 21 thùng nuôi ong và các phụ kiện liên quan được ông đặt mua từ bên Nhật. Ông được mời tham gia hỗ trợ thành lập Công ty nuôi ong Hương Nam, đặt mua 50 đàn ong Ý cho công ty làm vốn ban đầu, biên soạn tài liệu Kỹ thuật nuôi ong theo phương pháp khoa học để làm giáo trình hướng dẫn cho việc đào tạo nhân viên; đặc biệt là tư vấn tổ chức cuộc triển lãm đầu tiên ở Việt Nam về nghề nuôi ong mật.

Khi Sài Gòn ra đời thêm 2 trại nuôi ong, kỹ sư Quách Đại Cương lại hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nhân đàn, tách đàn, khai thác mật, sữa ong chúa…

Nhận thấy để có thể phát triển bền vững nghề nuôi ong mật, nhất thiết phải có một đội ngũ kỹ thuật viên lành nghề, nên chủ 3 cơ sở nuôi ong đã đứng ra tài trợ cho “Thầy Quách” lập Trại ong Đại Cương nhằm đào tạo nhân lực.

Thầy Quách đã chọn hơn 20 thanh niên có triển vọng trong số hàng trăm công nhân của 3 cơ sở nuôi ong do ông làm cố vấn để qua Trại ong Đại Cương học nghề. Công việc đang tiến triển, thì trại ong Đại Cương gặp rắc rối vì chuyện: “ngoại kiều làm trại chủ”, bị cho rằng trại ong Đại Cương là “ổ trốn quân dịch”...

Tại cuộc triển lãm nghề ong và thiết bị nuôi ong được tổ chức lần đầu tiên ở Sài Gòn vào năm 1962.

Khi đưa đàn ong đi lấy mật thì bị chủ vườn xua đuổi. Đến khi bà con thấy được lợi ích của ong trong việc làm tăng năng suất cây trồng, trại ong bắt đầu ăn nên làm ra, thì trên địa bàn khai thác mật, tập trung ở các vùng Long Khánh, Định Quán, Tân Phú, chiến tranh trở nên khốc liệt. Nhiều lần trại ong bị hứng bom rơi, đạn lạc, thùng ong văng tứ tán, mật, đường đổ ngổn ngang. Trại ong phải dời ra cách mặt đường trong phạm vi 100m, nhưng tình trạng an ninh vẫn không đảm bảo. Đến trận Mậu Thân, trại ong Đại Cương thực sự tan tành. Vợ ông Quách quyết liệt bắt chồng phải quay về Hong Kong.

Dù vậy, chỉ khi ở Việt Nam, mà cụ thể là tại vùng Long Khánh - Định Quán - Tân Phú với những cánh rừng cao su bạt ngàn, vườn trái cây rộng lớn, cùng hàng trăm loài hoa đua nở quanh năm cung cấp dồi dào nguồn mật, phấn; mới chính là nơi ông có thể phát huy được niềm đam mê của mình. Ông Quách Đại Cương quyết định ở lại Việt Nam. Bà vợ dắt cả 5 cô con gái quay về Hong Kong.

Ngày 15-4-1995, kỹ sư Quách Đại Cương yên nghỉ vĩnh hằng trên mảnh đất Phú Túc, nơi cụ đã gắn bó phần lớn cuộc đời bên những cánh rừng cao su, vườn cây hoa trái cùng những đàn ong cần mẫn, chắt chiu từng giọt mật.

22 năm gắn bó, phát triển nghề nuôi ong công nghiệp

Gom góp mớ đồ nghề còn sót lại, cùng với số công nhân thiết tha với công việc nuôi ong, thầy Quách kéo về Túc Trưng nơi đặt “bản doanh” của Trại ong Đại Cương để phục hồi hoạt động. Mùa mật năm 1969 thắng lớn. Cuối năm đó, Quách trại chủ cưới cô công nhân Trần Thị Tràng, 22 tuổi; còn Vồng Hối Tống 22 tuổi vừa là trợ lý và là người phiên dịch đã cưới em gái của Tràng là Trề 20 tuổi.

Sau đó, thầy Quách cùng người vợ trẻ dời trại ong về Suối Nho và hỗ trợ cho cặp Tống - Trề mở trại ong ở Dốc Đá - Tam Bung.

Những ngày cuối tháng 4-1975, trại ong của ông Quách Đại Cương một lần nửa tan hoang khi đang lấy mật tại khu rừng cao su Dầu Giây sát bên “cánh cửa thép Xuân Lộc”. Đàn ong tan tác, tiền bạc cháy rụi, vợ chồng chủ trại với 4 đứa con nhỏ rơi vào tình cảnh bi đát. Thầy Quách cố gom nhặt lại được 37 đàn ong trong tình trạng quặt quẹo.

Vợ chồng kỹ sư Quách Đại Cương tại trại ong Đại Cương ở Sài Gòn vào năm 1963.

Thật may, sau ngày Việt Nam thống nhất, kỹ sư Tạ Thành Cấu, người vừa được bố trí làm Giám đốc Công ty Nuôi ong Thành phố Hồ Chí Minh tìm đến gặp ông Quách Đại Cương mời hợp tác. Qua trao đổi, bàn bạc, giám đốc Cấu đã đứng ra bảo lãnh để ông Quách Đại Cương vay ngân hàng 1 triệu đồng làm chi phí đầu tư chuyển trại ong lên Bảo Lộc phục dưỡng, nhân đàn.

Ông cũng được mời mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi ong mật và phương thức quản lý cho Công ty Nuôi ong Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Quân sự Quân khu 7, Tổng cục Nông nghiệp miền Nam…; đồng thời, điều hành một trại ong tự quản.

Sau gần 10 năm gầy dựng lại, đến năm 1985, luôn duy trì ở mức 220 đàn với 2.300 cầu ong chỉ đặt trên địa bàn Đồng Nai, trại ong của thầy Quách khai thác giao cho Công ty Ong mật Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Ong mật Đồng Nai được 25 tấn mật, 568kg sữa ong chúa. Đặc biệt là đã nhân đàn và chuyển giao cho 11 trại ong quốc doanh của các tỉnh, thành trong nước được 620 đàn ong Ý. Tính ra trong 22 năm gắn bó với công việc truyền bá và phát triển nghề nuôi ong công nghiệp, ông Quách Đại Cương đã du nhập vào Việt Nam tất cả 102 đàn ong Ý, qua đó đã nhân lên được 30 ngàn đàn tiếp tục phát triển ra rất nhiều nơi trong nước...

Bùi Thuận

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202405/nguoi-dua-con-ong-y-vao-dat-viet-6da73e8/