Tăng gần 3.000 tỷ đồng tiền thuế qua xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử

Thông tin trên được nêu tại báo cáo mới phát hành của Bộ Tài chính về việc thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15, Nghị quyết số 109/2023/QH15 của Quốc hội về chất vấn, các vấn đề đã hứa tại kỳ họp trước.

Ảnh miinh họa.

Ảnh miinh họa.

Tổng cục Thuế đã triển khai trong toàn ngành công tác thanh tra kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử chưa tuân thủ nghĩa vụ thuế theo quy định.

Kết quả lũy kế trong 3 năm: 2021, 2022 và 2023, tổng số các tổ chức, cá nhân đưa vào diện rà soát là 31.570 cơ sở kinh doanh, đã xử lý kê khai, nộp thuế, truy thu thuế, xử lý vi phạm đối với 22.159 cơ sở kinh doanh với số thuế tăng thêm là 2.917,9 tỷ đồng.

Thông tin trên được nêu tại báo cáo mới phát hành của Bộ Tài chính về việc thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15, Nghị quyết số 109/2023/QH15 của Quốc hội về chất vấn, các vấn đề đã hứa tại kỳ họp trước.

Rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử là một trong những nội dung đáng chú ý tại báo cáo này.

Theo đó, Tổng cục Thuế đã khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (Etaxvn.gdt.gov.vn) nhằm hỗ trợ các nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) đăng ký, kê khai, nộp thuế tại Việt Nam; đã chính thức vận hành Cổng Dữ liệu thông tin thương mại điện tử từ ngày 15/12/2022 để tiếp nhận thông tin các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; đã triển khai ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile) hỗ trợ người nộp thuế là cá nhân tra cứu nghĩa vụ và nộp thuế điện tử.

Đến nay, đã có 96 NCCNN đăng ký (trong năm 2024 có 21 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký mới). Kể từ thời điểm chính thức vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN (21/3/2022). Tổng số thu ngân sách nhà nước từ các NCCNN là 15.603 tỷ đồng, trong đó: tổng số thu ngân sách nhà nước từ các NCCNN năm 2022 là 3.478 tỷ đồng (trong đó 1.850 tỷ đồng khai - nộp trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử và 1.628 tỷ đồng do các bên Việt Nam khấu trừ, nộp thay).

Tổng số thu ngân sách nhà nước từ các NCCNN trong năm 2023 là 8.096 tỷ đồng (trong đó 6.896 tỷ đồng khai - nộp trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử và 1.200 tỷ đồng do các bên Việt Nam khấu trừ nộp thay).

Tổng số thuế đã nộp vào ngân sách nhà nước trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN trong năm 2024 là 4.029 tỷ đồng.

Về công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, Tổng cục thuế đã triển khai công tác kiểm tra, đối chiếu theo chuyên đề đối với người nộp thuế bao gồm: 18 doanh nghiệp trong nước và 6 NCCNN không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam. Đến nay, đã tiến hành kiểm tra tại 15/18 doanh nghiệp trong nước, thông qua đó đã xử lý, phạt, truy thu thuế, lệ phí 128,6 tỷ đồng, giảm lỗ 986 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế GTGT 113,9 tỷ đồng, đồng thời đã thành công yêu cầu cả 6/6 NCCNN thực hiện đăng ký thuế tại Việt Nam.

Qua công tác kiểm tra cũng thu thập được thông tin của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử phục vụ công tác quản lý thuế toàn ngành.

Ngoài công tác kiểm tra, đối chiếu theo chuyên đề, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan thuế các cấp tập trung, chú trọng tăng cường công tác kiểm tra đối với các tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số như: doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử, đơn vị vận chuyển, trung gian thanh toán, đơn vị truyền thông quảng cáo ngay từ khâu lập kế hoạch kiểm tra đến triển khai thực hiện công tác kiểm tra.

Số liệu quản lý thuế trong 2 năm gần nhất đã ghi nhận kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử: năm 2022 doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng (khoảng 130,57 tỷ USD) với số thuế đã nộp là 83.000 tỷ đồng. Năm 2023 doanh thu quản lý thuế là 3,5 triệu tỷ đồng (khoảng 146,28 tỷ USD), số thuế đã nộp là 97.000 tỷ đồng.

Tổng cục Thuế đã triển khai trong toàn ngành công tác thanh tra kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử chưa tuân thủ nghĩa vụ thuế theo quy định. Kết quả lũy kế trong 3 năm: 2021, 2022 và 2023, tổng số các tổ chức, cá nhân đưa vào diện rà soát là 31.570 cơ sở kinh doanh, đã xử lý kê khai, nộp thuế, truy thu thuế, xử lý vi phạm đối với 22.159 cơ sở kinh doanh với số thuế tăng thêm là 2.917,9 tỷ đồng.

Trong đó, xử lý kê khai, truy thu, xử lý vi phạm là 1.818 tỷ đồng, giảm lỗ là 986 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế GTGT là 113,9 tỷ đồng.

Thời gian tới, theo Bộ Tài chính, cần có cơ chế quản lý đặc thù, toàn diện hệ sinh thái hoạt động của thương mại điện tử, bao gồm các chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử như: chủ sở hữu nền tảng hoạt động thương mại điện tử, các đơn vị logistic, vận chuyển, các đơn vị trung gian thanh toán, các đơn vị cung cấp các dịch vụ về quản lý tài chính, quản lý hệ thống công nghệ thông tin, các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử.

Bộ sẽ tiếp tục rà soát và làm giàu cơ sở dữ liệu thương mại điện tử từ các nguồn thông tin của các bộ, ngành, các tổ chức kinh doanh trong hệ sinh thái thương mại điện tử như: các chủ sở hữu nền tảng trong nước và ngoài nước, các đơn vị vận chuyển, trung gian thanh toán, ngân hàng thương mại...

Trên cơ sở dữ liệu thu thập được, ngành thuế sẽ tổ chức dữ liệu, phân tích rủi ro, trong đó có sử dụng phương pháp học máy - áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo và triển khai các biện pháp quản lý thuế phù hợp theo từng đối tượng có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử theo nguyên tắc quản lý rủi ro.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tang-gan-3000-ty-dong-tien-thue-qua-xu-ly-vi-pham-trong-hoat-dong-thuong-mai-dien-tu-d215454.html