Người cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vinh dự 2 lần được gặp Bác Hồ

Đã hàng chục năm nay, mỗi khi tháng Năm về, cụ Nguyễn Vĩnh Cù (92 tuổi, trú đường Phan Chu Trinh, phường An Cựu, TP Huế, Thừa Thiên Huế) thường tập hợp các con, cháu trong gia đình để kể về những ngày cụ và đồng đội tham gia kháng chiến, đặc biệt là trận đánh đồi A1 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Qua đó, cụ muốn nhắn gửi các thế hệ con cháu phải luôn sống có ý nghĩa đừng phụ lòng lớp lớp cha, anh đã ngã xuống cho nền hòa bình của đất nước. Cụ rất vinh dự khi 2 lần được gặp Bác Hồ…

Sáng 3/5, PV Báo CAND tìm đến căn nhà nơi cựu chiến binh Nguyễn Vĩnh Cù đang sinh sống. Căn nhà cụ đang ở là nhà thờ Hoàng tộc (ông cố cụ Cù là con thứ 31 của Vua Minh Mạng - PV) - nằm nép mình bên dòng sông An Cựu. Thật không ngờ, đã bước qua tuổi 92, với 70 năm tuổi Đảng nhưng khi biết có người đến thăm, cụ Cù tự mình đẩy xe đi từ trong nhà ra trước sân.

Cụ Nguyễn Vĩnh Cù kể về trận đánh Đồi A1 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Kéo ghế ngồi, hướng mắt về bờ sông, cụ Cù đưa chúng tôi ngược dòng lịch sử. “Từ khi mới sinh ra, anh em tôi luôn có cuộc sống sung túc trong một gia đình Hoàng tộc. Năm vừa tròn 14 tuổi, tôi cùng anh trai là Nguyễn Vĩnh Sắt đã quyết định từ bỏ “cung vàng điện ngọc” để trốn gia đình theo cách mạng. Tháng 12/1946, anh em tôi xin vào làm liên lạc tại Tiểu đoàn 16 Trường Quân chính Quảng - Thừa đóng tại khu vực Trường Bia (TP Huế). Tại đây, sau hơn 3 tháng ổn định với công việc, anh em tôi chạy về nhà báo với gia đình đã tình nguyện đi lính. Lúc này, bố mẹ cùng người thân trong gia đình rất ngỡ ngàng nhưng rồi họ đồng tình ủng hộ. Ngay lập tức, anh em chúng tôi quay lại Tiểu đoàn để làm nhiệm vụ”, cụ Cù nhớ lại.

Thời điểm đó, anh em Vĩnh Cù và Vĩnh Sắt cùng đồng đội đã trực tiếp tham gia các trận đánh oanh liệt của Trung đoàn 101 Trần Cao Vân như: Khách sạn Morin, Đồn ông Sáu, Nhà đèn, Miếu đại càng... ở địa bàn TP Huế. Khói lửa của chiến tranh khốc liệt đã trui rèn cho chàng thiếu niên Vĩnh Cù ngày càng cứng rắn và trường thành hơn. Ít lâu sau, Vĩnh Cù theo đơn vị hành quân ra Quảng Trị, rồi Quảng Bình hoạt động cách mạng. Sau khi tình hình ổn định, Vĩnh Cù được chuyển vào hoạt động tại chiến khu Hòa Mỹ làm việc ở Ty Công an Thừa Thiên (nay là Công an tỉnh Thừa Thiên Huế).

Năm 1948, trong một trận chống càn ác liệt ở chiến khu Hòa Mỹ ở xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế), anh trai Vĩnh Cù là Vĩnh Sắt đã anh dũng hy sinh. “Hôm đó, chứng kiến anh ruột mình hy sinh vì trúng phải bom đạn, tôi đau đớn lắm nhưng không thể đưa anh mình về nhà để làm đám mà phải vội vàng đưa xác anh đến chôn ở một góc vườn của dân gần đó để tiếp tục cầm súng đánh địch. Sau nhiều năm được công nhận là Liệt sĩ CAND thì đến năm 2005, gia đình tôi mới tìm được hài cốt của anh trai tôi để đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP Huế”, cụ Cù giọng nghèn nghẹn khi nhắc đến người anh trai cùng tham gia kháng chiến với mình.

Sau lần chứng kiến anh trai và nhiều đồng đội ngã xuống ở chiến trường đầy đạn bom, Vĩnh Cù càng nung nấu lòng căm thù giặc, nêu cao ý chí cách mạng. Cuối năm 1948, ông được cấp trên cử đi học ở Trường Trung học tại Hà Tĩnh. Sau khi học xong,ông tình nguyện xin gia nhập quân đội và được biên chế về Đại đoàn 308 (nay là Sư đoàn 308). Đến cuối 1950, ông là một trong những chiến sĩ được cấp trên tin tưởng, tuyển chọn đi học Sỹ quan Lục quân tại Vân Nam (Trung Quốc). Sau 2 năm miệt mài chăm chỉ học tập, năm 1953, ông trở về Việt Nam chiến đấu ở chiến trường Tây Bắc với chức vụ Trung đội trưởng, cấp bậc Thiếu tá. Tại đây, ông cùng các đồng chí, đồng đội đã trực tiếp chiến đấu giải phóng “Tập đoàn cứ điểm Nà Sản”, phối hợp, giúp đỡ cùng các đơn vị F312, 316, 324… hành quân tập kết vào vị trí tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

“Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 102 của Đại đoàn 308 rất tự hào khi cùng các Đại đoàn khác đã đóng góp công sức của mình, trực tiếp chiến đấu trận đánh Đồi A1- là trận đánh quyết chiến chiến lược. Lúc này, tôi được cấp trên giao chỉ huy 1 Tiểu đội gồm 120 quân thuộc Trung đoàn 102. Hôm đó, được lệnh của Bộ Chỉ huy mặt trận, Đại đoàn 308 lập tức điều Trung đoàn 102 cơ động theo đường hào trục Tây sang Đông Mường Thanh. Tuy gặp rất nhiều khó khăn vì không có sự chuẩn bị, nhưng tình hình hết sức khẩn trương nên vừa cơ động tới, Trung đoàn 102 lập tức nổ súng đánh cứ điểm Đồi A1. Đồi A1 là vị trí sống còn đối với địch ở trung tâm Mường Thanh. Khi Trung đoàn 102 của ta tiến công, địch đã chống trả quyết liệt dưới sự chi viện của hỏa lực không quân và pháo binh. Ta và địch giành đi giật lại từng đoạn hào, từng ụ súng. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 102 hy sinh và bị thương trong các trận đánh, nhưng cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 102 vẫn anh dũng chiến đấu, giữ vững trận địa. Trận đánh Đồi A1 diễn ra gay go, ác liệt suốt 38 ngày đêm, góp phần vào thắng lợi chung của Chiến dịch Điện Biên Phủ…”, cụ Nguyễn Vĩnh Cù xúc động kể lại.

Cụ Nguyễn Vĩnh Cù cùng lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ Công an TP Huế đưa hài cốt của anh trai là Liệt sĩ CAND Nguyễn Vĩnh Sắt về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP Huế.

Kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, với những thành tích đạt được, chàng thanh niên Vĩnh Cù vinh dự được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam ngay tại chiến trường Tây Bắc. Sau đó, Vĩnh Cù được cấp trên tiếp tục cử đi học ở Trường Sỹ quan Lục quân và sau khi tốt nghiệp đồng chí được giữ lại trường làm giáo viên giảng dạy khoa chiến thuật. “Trong thời gian dạy học tại Trường Sỹ quan Lục quân, tôi đã 2 lần được vinh dự được gặp Bác Hồ. Lần thứ nhất là ngày 5/4/1958, Bác Hồ đến thăm trường tại khu Sân bay Bạch Mai, Hà Nội và lần thứ hai là vào ngày 15/4/1964, Bác đến thăm trường tại Công trường 50 Sơn Tây và trao tặng Nhà trường danh hiệu “Trung dũng, Quyết thắng”. Những lời dạy dỗ ân cần, sâu sắc của Bác đã truyền thêm sức lực và nhiệt huyết cho tôi trong quá trình hoạt động cách mạng”, cụ Nguyễn Vĩnh Cù tự hào kể lại.

Đến cuối năm 1970, đồng chí Nguyễn Vĩnh Cù được cấp trên điều động về làm Trung đoàn phó Trung đoàn 102, thuộc sư đoàn 308 trở vào Nam chiến đấu. Tại chiến trường khốc liệt đầy máu và lửa Quảng Trị, đồng chí Cù cùng đồng đội đã chiến đấu anh dũng và giành được những thắng lợi vang dội tại chiến trường đường 9 Nam Lào góp phần vào thắng lợi hoàn toàn của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc 30/4/1975. Cuối năm 1978, đồng chí Cù được phục viên và về nhận công tác tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.

Tại quê hương Thừa Thiên Huế, người cựu chiến binh Nguyễn Vĩnh Cụ đã được đoàn tụ cùng vợ và 5 người con sau nhiều năm xa cách. “Tuy tuổi cao sức yếu nhưng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào mình vẫn luôn giữ vững khí phách trung kiên, phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, niềm tin và ý chí kiên cường của người Đảng viên cộng sản cho con cháu và các thế hệ sau noi theo”, cụ Nguyễn Vĩnh Cù chia sẻ trước khi chia tay chúng tôi.

Hải Lan

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/nguoi-cuu-chien-binh-tham-gia-chien-dich-dien-bien-phu-vinh-du-2-lan-duoc-gap-bac-ho-i730162/