Nghẽn 'cơ chế' khiến thiết chế văn hóa thể thao khó phát huy hiệu quả

Một trong những vấn đề nổi cộm khi bàn về hiệu quả khai thác các thiết chế văn hóa thể thao hiện nay chính là sự hợp tác công tư.

Trên thực tế, Nghị định 151/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có một số điều khoản đề cập tới nội dung liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp và đơn vị quản lý tài sản công. Tuy nhiên cho tới nay, phần lớn các đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê theo Nghị định 151 tại nhiều địa phương chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bất cập này đã khiến nhiều thiết chế văn hóa thể thao rơi vào tình cảnh lãng phí dù được đầu tư nguồn vốn lớn.

Bảo tàng Hà Nội là một trong những công trình thành phố Hà Nội tập trung đầu tư hơn 2.000 tỷ để kịp khánh thành nhân dịp kỉ niệm 1000 năm Thăng Long. Tuy nhiên, 13 năm trôi qua, nơi đây không có nổi một chỗ ăn uống, nghỉ ngơi cho du khách, do vướng mắc trong thực hiện Nghị định 151/2017 về quản lý, sử dụng tài sản công của Chính phủ. Điều này làm giảm sức hút của Bảo tàng Hà Nội và công trình cũng bị đánh giá là sự đầu tư lãng phí.

Câu chuyện tương tự như Bảo tàng Hà Nội cũng đã được các đại biểu chia sẻ trong phần bàn tròn tại Hội thảo Văn hóa 2024. Như trường hợp sân vận động Mỹ Đình với khoản nợ thuế lên tới hơn 1.000 tỉ và mất hoàn toàn khả năng thanh khoản. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà Đề án cho thuê tài sản công theo Nghị định 151/2017 của Chính phủ của thiết chế này đã được phê duyệt. Tuy nhiên, sau khi đề án được phê duyệt thì cũng không có nghĩa là hết khó khăn.

Trên thực tế, có một số đơn vị được thông qua đề án cho thuê tài sản công theo Nghị định 151/2017 của Chính phủ và đã có sự khởi sắc trong hoạt động như câu chuyện tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với không gian cà phê được đánh giá rất cao.

Tuy nhiên, thực tế chỉ có dưới 10% các thiết chế văn hóa thể thao được phê duyệt đề án cho thuê tài sản công theo Nghị định 151/2017 của Chính phủ, còn lại là chờ đợi. Điểm nghẽn cơ chế trong liên doanh, liên kết quản lý, sử dụng tài sản công đã buộc nhiều thiết chế văn hóa từ tự chủ tài chính 100% phải xin về tự chủ một phần, bởi không tạo được nguồn thu.

Trước những băn khoăn của các đại biểu tham dự Hội thảo Văn hóa 2024, ông Lê Quang Minh - người điều phối chương trình bàn tròn - đã đặt ra câu hỏi mà rất nhiều đơn vị quản lý thiết chế văn hóa thể thao đang mong chờ.

Câu trả lời của Đại diện Bộ Tài chính có lẽ phần nào đã giải tỏa được sự chờ đợi của nhiều thiết chế văn hóa thể thao hiện nay. Tuy nhiên, để phát huy được hiệu quả của các thiết chế văn hóa thể thao, có lẽ không chỉ gỡ điểm nghẽn trong Nghị định 151/2017 của Chính phủ là đủ mà còn cần nhiều sự gỡ vướng khác như cơ chế phối hợp đối tác công tư PPP đang rất được quan tâm hiện nay.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nghen-co-che-khien-thiet-che-van-hoa-the-thao-kho-phat-huy-hieu-qua-221764.htm