Kỹ sư hóa học bỏ nghề, làm 'nghệ nhân' tranh nghệ thuật từ rác thải nhựa

Từ bỏ công việc kỹ sư hóa học để chuyển sang làm tranh từ rác thải nhựa, Quý Thành sáng chế ra nhiều tranh nghệ thuật mang thông điệp bảo vệ môi trường.

Sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ hóa học tại trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, Nguyễn Phước Quý Thành (SN 1993) làm kỹ sư tại một công ty sản xuất lụa. Tuy nhiên sau nửa năm làm việc, chàng kỹ sư nhận thấy bản thân không phù hợp với môi trường doanh nghiệp, càng không thể thích nghi với sự rập khuôn trôi qua mỗi ngày.

Trong một lần gặp gỡ người bạn thân, Quý Thành vô tình phát hiện các ý tưởng làm đồ tái chế từ nút áo, hạt nhựa rất thú vị. Suốt những năm tháng theo học ngành Công nghệ hóa học, 9X luôn nhận thức rõ các nguy hại của rác thải nhựa với môi trường và cuộc sống con người.

“Khi ấy, tôi tự hỏi bản thân có nên làm điều gì đó bứt phá, có ích cho xã hội không”, Quý Thành bày tỏ suy nghĩ và cho biết, chỉ ngay hôm sau, anh đã xin nghỉ việc để bắt tay vào thực hiện ý tưởng biến rác thải nhựa thành tranh nghệ thuật.

Quý Thành từ bỏ công việc kỹ sư hóa học sang làm tranh từ thải nhựa. (Ảnh: NVCC)

Quý Thành từ bỏ công việc kỹ sư hóa học sang làm tranh từ thải nhựa. (Ảnh: NVCC)

Từ bỏ công việc của kỹ sư hóa học, Quý Thành đi nhặt rác nhựa làm tranh trước sự ngỡ ngàng của người thân, bạn bè. Anh phải tìm đến những khu vực bán quần áo cũ để tìm mua, nhặt từng nút áo, hạt nhựa, mảnh dây điện bị bỏ… để làm chất liệu cho tác phẩm của bản thân. Sau đó, Quý Thành lên mạng tự học, tìm hiểu các bước thực hiện.

Theo chàng kỹ sư, may mắn là khi học ngành hóa, anh được đào tạo kỹ năng phối màu cùng nền tảng kiến thức về vật liệu nên dễ dàng làm quen với dòng tranh có một không hai tại Việt Nam.

Gia đình ngăn cấm, bạn bè bàn tán ra vào, tranh không ai quan tâm… là những áp lực mà Quý Thành nhận về trong suốt thời gian đầu theo đuổi đam mê. “Người thân chê trách, nói tôi đang làm những điều vô bổ, không có tương lai. Nhưng với tôi, khi đã đưa ra quyết định thì nhất định sẽ dốc hết sức lực, gạt bỏ tất cả để thực hiện đam mê”, chàng trai trẻ nhớ lại.

Để hình thành bức tranh đính kết từ những chiếc nút áo, hạt nhựa, việc khó nhất với Quý Thành là tìm ý tưởng và thông điệp. Khi có ý tưởng, anh dễ dàng phác thảo đường nét trên giấy. Sau đó chọn những chiếc nút, hạt nhựa có màu sắc, kích cỡ, hình dáng phù hợp, dùng keo sữa đính lên. Công đoạn này đòi hỏi sự tỉ mỉ đảm bảo tính thẩm mỹ và nghệ thuật cho tranh.

Dù chưa từng tham gia lớp hội họa hay mỹ thuật nào, thậm chí còn chưa từng cầm cọ vẽ, nhưng Quý Thành chỉ mất thời gian ngắn để biến những nút áo cũ thành các bức tranh độc đáo.

Đặc biệt trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, với mong muốn cổ vũ, động viên mọi người cùng nhau chống lại đại dịch, Thành nghiên cứu, sáng tạo ra những bức tranh mang thông điệp “Chung tay phòng chống dịch COVID-19” để trao tặng Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

Chàng trai trẻ biết ơn các y bác sĩ đã nỗ lực giữ lại sinh mạng cho người bệnh và những bức tranh của anh được xem như món quà động viên tinh thần.

Quý Thành từng bị gia đình ngăn cản khi theo đuổi con đường làm tranh từ rác thải nhựa. (Ảnh: NVCC)

Hơn 4 năm qua, chàng trai gốc TP.HCM sáng tạo ra hơn 100 bức tranh với nhiều từ rác thải nhựa, truyền tải thông điệp đến cộng đồng ý thức hơn trong việc hạn chế sử dụng đồ nhựa và xả rác thải nhựa ra môi trường.

Các bức tranh dần được công chúng biết tới và đón nhận rộng rãi, nhiều người ngưỡng mộ ý tưởng sáng tạo đã đặt mua tranh. Giá trung bình cho mỗi bức từ 500 nghìn đồng đến 5 triệu đồng.

Ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề đáng lo ngại, gây nhiều tác hại nghiêm trọng cho môi trường. Bằng việc thu gom và tận dụng các loại rác thải nhựa, chúng ta không chỉ cùng nhau tạo ra những bức tranh nghệ thuật đầy ý nghĩa mà còn góp phần làm giảm thiểu rác thải nhựa tại Việt Nam”, Quý Thành bày tỏ.

Nguyễn Phước Quý Thành cho biết, trong tương lai vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi dòng tranh làm từ rác thải nhựa. Ngoài các đề tài thường nhật của cuộc sống, Quý Thành đang nghiên cứu, bước đầu thực hiện các nội dung về chiến tranh, lịch sử Việt Nam… nhằm truyền tải tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc đến mọi người.

Chàng trai 9X dự định trong thời gian tới, sau khi hoàn thiện các tác phẩm sẽ đưa vào triển lãm trong cộng đồng và môi trường giáo dục với tâm niệm, khi tạo ra được sản phẩm từ vật dụng tưởng chừng bỏ đi như rác thải nhựa sẽ được lan tỏa mạnh mẽ nhất đến cộng đồng.

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/ky-su-hoa-hoc-bo-nghe-lam-nghe-nhan-tranh-nghe-thuat-tu-rac-thai-nhua-ar871305.html