Giải pháp nào để Việt Nam tham gia chuỗi giá trị ngàn tỷ USD của ngành công nghiệp bán dẫn?

Sáng ngày 04.5, tại Trường Đại học Phenikaa đã diễn ra Hội thảo quốc tế 'Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu'. Tham dự và chỉ đạo Hội thảo có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.

Hội thảo quốc tế “Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu” do Tập đoàn Phenikaa, Trường Đại học Phenikaa phối hợp với Tập đoàn Synopsys và Đại học Bang Arizona (Hoa Kỳ) tổ chức đã thu hút sự quan tâm và tham gia của giới chuyên gia, các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn trong và ngoài nước.

Tham dự hội thảo có đại lãnh đạo các Bộ/Ban ngành (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, Đại diện Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, các doanh nghiệp lớn thuộc lĩnh vực công nghệ, công nghiệp bán dẫn như: Synopsys, Qualcomn, Panasonic, CoAsia, Qorvo, …, cùng các chuyên gia, kĩ sư hàng đầu trong ngành vi mạch, đến từ các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục trong nước và quốc tế: Chang Gung University (CGU) – Đài Loan, Trường Đào tạo bán dẫn SiCADA (Synopsys), Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành Phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Hà Nội…

Các đại biểu tham dự Hội thảo Quốc tế “Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu”

Các đại biểu tham dự hội thảo đã cùng thảo luận những nội dung quan trọng xung quanh vấn đề nhân lực cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam như: tính khả thi của việc đào tạo 50.000 kĩ sư vi mạch Việt Nam đến năm 2030; các chính sách hỗ trợ của Chính phủ với các trường đại học đào tạo lao động ngành bán dẫn; kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn của các công ty và trường đại học hàng đầu thế giới…

Cũng tại sự kiện, các chuyên gia đã thảo luận và chia sẻ về những phương tiện và phòng lab dùng chung cho đào tạo và thiết kế chip bán dẫn, và đặc biệt là cách thức để có thể hình thành một tháp nhân lực bán dẫn Việt Nam từ nguồn nhân lực đầy tiềm năng của Việt Nam...

Việt Nam đang chạy đua với thời gian

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Ngành Công nghiệp vi mạch bán dẫn chính là ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng, nền tảng định hình sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế toàn cầu, là tiền đề, là động lực thúc đẩy xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển dựa vào tri thức của toàn cầu. Ở chiều ngược lại chuyển đổi xanh, chuyển đổi số sẽ thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp này”.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, thế giới đã chứng kiến thị trường chip bán dẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định trong suốt 20 năm qua được dự báo sẽ trở thành ngành công nghiệp với quy mô hàng nghìn tỷ USD vào năm 2030.

Ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn có tính toàn cầu hóa. Với các đặc thù là sự phức tạp của sản phẩm, đòi hỏi sự đầu tư lớn về sản xuất và yêu cầu cao về trình độ lao động, kích thước, hiệu năng xử lý quyết định năng lực canh tranh của sản phẩm và ưu thế của các nhà sản xuất.

Trong xu thế chuyển dịch chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu, Việt Nam có lợi thế về địa kinh tế; môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi, với các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn; nguồn nhân lực trẻ, có trình độ cơ bản và khả năng tiếp cận công nghệ mới; nguồn nguyên-vật liệu thuận lợi…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại hội thảo

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, một điểm mạnh, làm nên sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư hàng đầu, là vị thế và uy tín quốc tế ngày càng quan trọng trong khu vực và quốc tế. Việt Nam hiện có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển. Việt Nam nhận thức rõ về vai trò, tầm quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn và hiện đang đứng trước thời cơ to lớn để trở thành một điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn.

Phó Thủ tướng cho rằng, sức nóng của thị trường toàn cầu về nhu cầu vi mạch, bán dẫn cho các ngành công nghiệp điện tử, viễn thông, điện toán, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa,…đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tri thức, các ứng dụng thông minh… đang đặt ra thách thức to lớn về mặt thời gian, tính sẵn sàng và quan trọng nhất là chất lượng nguồn nhân lực nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội phát triển ngành công nghiệp quan trọng này.

Việt Nam đang chạy đua với thời gian và đã có những bước đi cụ thể, bài bản, mang tính nền tảng nhằm tạo tiền đề và môi trường thuận lợi cho phát triển ngành công nghiệp quan trọng này; từ chủ trương của Đảng, được thể chế hóa trong các chính sách, pháp luật của Nhà nước; đến những nỗ lực vượt bậc trong ưu tiên phát triển hạ tầng, như năng lượng, logistics…

"Chính phủ đang tập trung xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Đề án đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn theo tiêu chuẩn quốc tế. Việc nhanh chóng xây dựng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu về vi mạch bán dẫn được cho là bài toán mấu chốt, là cơ hội, cũng là thách thức lớn nhất để Việt Nam phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, tham gia tốt vào chuỗi giá trị ngàn tỷ USD của ngành công nghiệp bán dẫn" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Các chuyên gia trao đổi tại hội thảo về phát triển kỹ thuật trong ngành Công nghiệp bán dẫn

Tại Hội thảo, Phó Thủ tướng mong muốn được lắng nghe trao đổi, thảo luận, đóng góp, đề xuất của các nhà quản lý, các tổ chức ngoại giao, đơn vị đào tạo, các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế về xu thế, cơ hội, giải pháp để Việt Nam có thể giải được bài toán này, tham gia hiệu quả vào chuỗi hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn.

Đặc biệt nêu kiến nghị, đề xuất, hoặc các ý tưởng về các "gói" cơ chế, chính sách cụ thể, đột phá, đặc thù, nhất là các cơ chế phát triển các phòng thí nhiệm, sử dụng chung các phòng thí nghiệm, cơ chế hợp tác công tư, đặt hàng theo đầu ra đối với các cơ sở đào tạo và học bổng, tín dụng cho sinh viên.

Phó Thủ tướng gợi ý một số chủ đề để hội nghị tập trung trao đổi, thảo luận như: Xác định thế mạnh của Việt Nam, có thể nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao, làm chủ ngay những khâu nào trong chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn phù hợp với điều kiện về nhân lực, cơ sở hạ tầng khoa học, kỹ thuật hiện có để phát triển nguồn nhân lực phù hợp.

STEM (Science, Technology, Engineering, Maths) với các ngành khoa học vật lý, vật liệu, toán học, hóa chất, điện tử, tin học, thiết kế hệ thống... là nền tảng căn bản của công nghệ bán dẫn, thiết kế chip. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần xây dựng tháp nhân lực như thế nào để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn? cũng như phát huy được năng lực, sở trường về nhất là về toán học, khoa học cơ bản vốn là thế mạnh của Việt Nam;

Bên cạnh đó, việc đào tạo nhân lực ngành bán dẫn đòi hỏi phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, hiện đại. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo nhưng cần cơ chế nào để có thể thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Không thể đạt hiệu quả cao nếu thực hiện độc lập, đơn lẻ

Tại hội thảo, PGS.TS Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Phenikaa cho biết, bối cảnh thế giới hiện nay đã đặt ra việc cần vẽ lại vị trí trên bản đồ thế giới về bán dẫn và đây là cơ hội đặc biệt cho Việt Nam, để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, bắt đầu từ việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về bán dẫn.

Việt Nam có các điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn với hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, sự quan tâm và quyết liệt của Chính phủ, cụ thể thông qua việc ban hành các chính sách và hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho việc đầu tư và phát triển các sản phẩm công nghệ cao, trong đó lĩnh vực vi mạch bán dẫn là ưu tiên hàng đầu trong tất cả các lĩnh vực.

Ông Năng cho rằng, do tính chất đặc thù, việc phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn nói chung, nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn nói riêng, không thể đạt được hiệu quả cao nếu thực hiện một cách độc lập, đơn lẻ. Theo đó, việc tạo dựng mối liên kết chặt chẽ, tương hỗ giữa 3 “Nhà” là các cơ quan nhà nước – các viện, trường đại học và các doanh nghiệp trong ngành, là nhu cầu thiết yếu để thúc đẩy việc đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn đảm bảo khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội cả về lượng và chất.

PGS.TS Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa

Ông Hồ Xuân Năng chia sẻ, hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trong những Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, Phenikaa chính thức tham gia lĩnh vực công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam bằng việc đầu tư mang tầm chiến lược gồm: Thành lập công ty Bán dẫn Phenikaa (S-Phenikaa) hoạt động trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và các dịch vụ liên quan đến vi mạch; Thành lập Trung tâm Phenikaa đào tạo nguồn nhân lực vi mạch theo mô hình (upskill) dựa trên nhu cầu của khách hàng.

Đồng thời, Trường Đại học Phenikaa đưa chuyên ngành thiết kế vi mạch vào chương trình đào tạo đại học chính quy từ năm 2024-2025 với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực ngành vi mạch bán dẫn theo chiều rộng và chiều sâu theo nhu cầu xã hội; thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, thiết kế và sản xuất các dòng chip thông minh, tiên tiến, hiệu quả cao, ứng dụng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội bằng các giải pháp đồng bộ, hiệu quả với sự hợp tác với các đối tác chiến lược.

Một trong những mục tiêu chiến lược của chương trình đào tạo nhân lực ngành bán dẫn mà Phenikaa hướng đến là có thể từng bước tạo ra những người có khả năng trở thành tổng công trình sư lãnh đạo việc thiết kế các sản phẩm chip tầm quốc tế, có ý nghĩa quan trọng cả về trình độ công nghệ và quy mô kinh tế.

“Mục tiêu đến năm 2030, Phenikaa sẽ đào tạo ra tối thiểu 8.000 kĩ sư thiết kế chip và 12.000 kĩ sư theo mô hình Upskill, công nhân bậc cao trong các nhà máy lắp ráp, kiểm thử, đóng gói, đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nhân sự dự kiến cần bổ sung của ngành” – ông Năng nhấn mạnh.

Nhiều ký kết hợp tác về ngành Công nghiệp bán dẫn diễn ra tại Hội thảo

Tại Hội thảo, Tập đoàn Phenikaa và các đối tác đã công bố những bước đi cụ thể mang tầm chiến lược nhằm hiện thực hóa cam kết của mình đồng hành cùng Chính phủ phát triển nguồn nhân lực bán dẫn chất lượng cao tại Việt Nam, cụ thể:

Thành lập liên minh hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu bán dẫn theo mô hình hợp tác công – tư (PPP); Giới thiệu Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn, tập trung đào tạo chuyên sâu và nâng cao kĩ năng và Công ty S-Phenikaa, công ty hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất vi mạch.

Gắn đào tạo với doanh nghiệp nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra, Trường Đại học Phenikaa, Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn và Công ty S-Phenikaa sẽ phối hợp chặt chẽ và hoạt động như một tổ hợp dịch vụ kinh doanh cung cấp các dịch vụ: Đào tạo theo nhu cầu xã hội dựa trên mô hình đào tạo trên công việc (training on jobs); Thiết kế sản phẩm chip theo nhu cầu thị trường, nhằm vào các ngách sản phẩm AI thiết yếu.

Cung cấp các dịch vụ thiết kế chíp hàng đầu khu vực và thế giới. Với hướng đi dài hạn, bài bản từ đào tạo cơ bản ở bậc đại học, tới đào tạo chuyên sâu, mở rộng và nâng cao kĩ năng (upskill), tiếp nối là thực hành, thực tập, giải các bài toán thực tế theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và nhu cầu của xã hội. Mô hình này sẽ là vườn ươm tạo ra các nhân sự có năng lực của các kiến trúc sư, tổng công trình sư trong ngành, góp phần hoàn thiện tháp nhân lực Việt Nam về bán dẫn.

“Bằng liên kết rộng mở với các đối tác chiến lược trong và ngoài nước về đào tạo, thiết kế, sản xuất thử vi mạch, Phenikaa kì vọng, các thế hệ học viên bước ra từ Hệ sinh thái Tập đoàn sẽ trở thành những nhân tố chủ chốt trong quá trình đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi công nghệ bán dẫn nói riêng và ngành công nghiệp toàn cầu nói chung”, ông Lê Thái Hà - Giám đốc Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn chia sẻ.

Hồng Hạnh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/giai-phap-nao-de-viet-nam-tham-gia-chuoi-gia-tri-ngan-ty-usd-cua-nganh-cong-nghiep-ban-dan--i370318/