Giải 'cơn khát' phim trường

Điện ảnh Việt cần phim trường lớn, đủ chuẩn không phải vấn đề mới nhưng đến nay vẫn luôn được nhà làm phim quan tâm, mong mỏi

Việc có phim trường đúng chuẩn sẽ góp phần giúp nhà làm phim đẩy nhanh tiến độ thực hiện tác phẩm, giảm chi phí, tăng số lượng phim và còn những cơ hội trở thành địa điểm du lịch, tăng quảng bá từ chính hệ thống phim trường.

Khổ vì thiếu phim trường

Một số phim trường tư nhân được nhà làm phim tự xây dựng, mang tính nhỏ lẻ khó có thể đáp ứng được nhu cầu chung. Đó là chưa kể nhiều đoàn phim thuê bối cảnh nhưng không có được không gian quay phim đúng chuẩn. Những hàng xóm quanh bối cảnh vẫn sinh hoạt bình thường nên ồn ào, náo nhiệt với đủ âm thanh cuộc sống.

Với những phim thu tiếng trực tiếp thì đây là bài toán khó cho ê-kíp, còn những phim lồng tiếng thì diễn viên phải tập trung cao độ để chìm đắm vào nhân vật mà không bị hoàn cảnh bên ngoài tác động. Đạo diễn Võ Thanh Hòa kể lại cảm giác khổ sở khi đoàn phim đang quay mà hàng xóm cạnh bên vẫn cãi nhau, âm thanh tức giận xuyên thấu, vang vọng. Đoàn phim không thể yêu cầu hàng xóm ngừng cãi nhau trong giây lát để quay phim; còn nếu ngừng quay, chờ đợi thì trễ tiến độ cùng nhiều rắc rối khách quan khác.

Nếu có trường quay thì những cái khó này sẽ không còn vì không gian bên trong trường quay sẽ riêng tư cho nhà làm phim thực hiện tác phẩm. Đạo diễn, diễn viên Mai Thu Huyền bày tỏ: "Để làm phim cổ trang "Kiều", ê-kíp của tôi phải dựng toàn bộ bối cảnh rồi phá bỏ, rất tốn kém. Vì thế, tôi mong TP HCM có phim trường".

Đạo diễn Lý Hải cũng đã phải tốn nhiều chi phí dựng bối cảnh trong quá trình làm phim "Lật mặt 7: Một điều ước". Ngoài phim trường ở làng K'long K'lanh, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng với một vài bối cảnh được dựng trên đất nhà, Lý Hải còn phải thuê dựng bối cảnh tại một số nơi khác ở Ninh Thuận.

"Tôi nghĩ điện ảnh Việt cần có phim trường nhưng đây là kinh phí của nhà nước chứ tư nhân khó có thể làm được vì cần diện tích đất rộng, chi phí xây dựng nhiều và còn kinh phí bảo trì, vận hành, phát triển…, tư nhân khó làm được" - đạo diễn Lý Hải nói.

Một góc phim trường “Lật mặt 7: Một điều ước” của đạo diễn Lý Hải. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)

Bài học từ nước ngoài

Những nước có nền điện ảnh phát triển đều có phim trường hoành tráng riêng. Như Mỹ có Universal Studios - một trong những phim trường hoạt động lâu đời, nơi quay nhiều phim bom tấn và cũng trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng. Du khách đến đây có thể thưởng thức mọi hoạt động làm phim, thăm bối cảnh của loạt phim bom tấn thương hiệu, vui chơi…

Ở Hàn Quốc, phim trường MBC nằm ở TP Yongin, tỉnh Gyeonggi cũng là điểm đến du lịch bên cạnh hoạt động cho thuê bối cảnh quay phim. Phim trường Hoành Điếm là điểm đến vô cùng nổi tiếng của Trung Quốc. Nhiều người mê phim Trung Quốc khi đến thăm nước này sẽ khó có thể bỏ qua Hoành Điếm.

Trước đây, điện ảnh Việt Nam từng kỳ vọng việc nâng cấp trường quay Cổ Loa ở TP Hà Nội thành trường quay hiện đại, thậm chí cấp quốc tế nhưng đến nay vẫn chỉ là giấc mơ. Một số trường quay do tư nhân đầu tư vẫn hoạt động hỗ trợ cho một số phim điện ảnh nhưng theo dạng nhỏ lẻ và đối mặt nhiều khó khăn, mong mỏi được hỗ trợ.

Đạo diễn - nhà sản xuất phim Lê Thị Kiều Nhi - Giám đốc Công ty CP Phim Ý Anh, sở hữu phim trường tư nhân CineV Studio - từng đề xuất trong tham luận "Phim trường trong sản xuất phim, kết hợp điện ảnh và du lịch" rằng: "Chúng tôi đã tự mình xây dựng phim trường và phát triển trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, với sự cố gắng của cá nhân thì con đường tạo ra những đột phá mới nâng tầm nền điện ảnh Việt sánh ngang với các quốc gia trong khu vực và thế giới còn khá xa. Chúng tôi mong nhà nước có chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế và đất đai đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh theo quy định của pháp luật".

Người trong giới nhận định để có phim trường lớn, đúng chuẩn quốc tế như từng thấy ở Hàn Quốc, Trung Quốc… cần có sự chủ động từ nhà nước. Cơ quan quản lý chuyên ngành mới là nơi đủ khả năng giải "cơn khát" phim trường cho điện ảnh Việt Nam, bởi việc xây dựng cần có ngân sách lớn, quỹ đất rộng cùng những quy hoạch đường dài để phát triển chứ không chỉ là nơi xây dựng rồi cho thuê bối cảnh quay từng phim.

Tại "Tọa đàm phát triển điện ảnh TP HCM" mới đây, NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM, cho biết trong các hạng mục triển khai dự án phát triển công nghiệp văn hóa TP HCM có nội dụng về cơ sở vật chất. Sẽ có lộ trình kêu gọi đầu tư, trong đó có phim trường, có trung tâm phức hợp. Hiện lãnh đạo TP HCM đang định hướng bán đảo Thanh Đa sẽ trở thành một trong những trung tâm dịch vụ phức hợp phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa TP HCM.

MINH KHUÊ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giai-con-khat-phim-truong-196240503205719645.htm