DỰ THẢO LUẬT BHXH (SỬA ĐỔI): Còn nhiều điều khoản chưa đồng thuận

Nhiều ý kiến cho rằng các quy định về hưởng BHXH một lần, chế tài xử lý người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc cần hướng đến việc bảo đảm lợi ích chính đáng của người lao động

Chiều 17-5, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Vấn đề hưởng BHXH một lần và chế tài xử lý đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, là những nội dung được các đại biểu quan tâm cho ý kiến.

Băn khoăn với hưởng BHXH một lần

Về vấn đề hưởng BHXH một lần, trong báo cáo tiếp thu, giải trình dự án Luật BHXH (sửa đổi) gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cho biết tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) kèm theo Tờ trình số 527/TTr-CP, Chính phủ đã đề xuất 2 phương án. Phương án 1: Người lao động (NLĐ) có thời gian đóng BHXH trước ngày luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm.

Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà NLĐ có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia và hưởng chế độ BHXH.

Theo ông Nguyễn Duy Cường, Phó vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), cả 2 phương án Chính phủ trình nhằm thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về cải cách chính sách BHXH là bảo đảm tốt hơn quyền lợi lâu dài, an sinh xã hội bền vững cho NLĐ theo mức độ và cách thức khác nhau, hạn chế số người hưởng BHXH một lần.

"Trong quá trình lấy ý kiến, mỗi phương án đều có ưu điểm, nhược điểm nhất định. Tuy nhiên phần đông lựa chọn phương án 1; có một số ý kiến chọn phương án 2; thậm chí cũng có đề xuất phương án khác" - ông Cường cho hay.

Góp ý tại hội nghị, TS Nguyễn Huy Khoa, Phó trưởng Khoa Luật - Đại học Công đoàn, cho rằng nên quy định theo phương án 2 như trong dự thảo, đó là chỉ cho rút một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia và hưởng chế độ BHXH, bảo đảm an sinh khi hết độ tuổi lao động. Còn ông Lê Đức Thọ, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang, cho rằng cả 2 phương án đều chưa ưu việt, nhưng nếu bắt buộc phải lựa chọn thì sẽ chọn phương án 1 trong dự thảo.

Tại phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết số người rút BHXH một lần liên tục tăng, tháng 4-2024 có 121.873 người rút, tăng gần 39% so với trung bình của cả quý I/2024. Đề cập vấn đề NLĐ rút BHXH một lần ngay sau đó,

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Văn Hồi cho rằng rút BHXH một lần vẫn là vấn đề rất day dứt. Số người tham gia BHXH tiếp tục có xu hướng tăng so với năm trước nhưng tốc độ chậm lại và số người hưởng BHXH tiếp tục tăng ở những tháng đầu năm 2024. Điều này cho thấy rút BHXH một lần vẫn là lựa chọn của NLĐ sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, thôi việc, mất việc làm.

Người lao động mong muốn chính sách BHXH ổn định để an tâm gắn bó lâu dài. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Người lao động mong muốn chính sách BHXH ổn định để an tâm gắn bó lâu dài. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Phong tỏa tài khoản doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật (Tổng LĐLĐ Việt Nam), cho biết chế tài xử lý đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, trong dự thảo luật, Chính phủ thống nhất với việc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chỉnh lý theo hướng làm rõ và tách riêng các điều về xác định hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH; xử lý chậm đóng, trốn đóng BHXH (từ điều 37 đến điều 40), trong đó chưa quy định chế tài ngừng sử dụng hóa đơn; hoàn thiện quy định chế tài tạm hoãn xuất cảnh tại khoản 3 điều 39, khoản 4 điều 40 và khoản 2 điều 140 của dự thảo luật.

Bàn về nội dung này, ông Lê Đức Thọ cho rằng theo quy định hiện hành chúng ta không xử lý mạnh tay được việc doanh nghiệp (DN) nợ đọng BHXH, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Dẫn tình trạng hàng loạt DN nhà nước (hoặc đã cổ phần hóa), nợ BHXH kéo dài khiến hàng ngàn NLĐ bị ảnh hưởng quyền lợi suốt nhiều năm trời, ông Thọ đề nghị Luật BHXH sửa đổi cần phải có các chế tài để bịt các kẽ hở như hiện nay để NLĐ không bị xâm phạm quyền lợi, không bị thiệt thòi.

Theo ông Thọ, biện pháp phong tỏa tài khoản là biện pháp đủ mạnh, khả thi để xử lý DN trốn đóng, chậm đóng BHXH. Tuy nhiên, dự thảo mới nhất đã bỏ biện pháp này, thay vào đó là cấm xuất cảnh.

Ông Đinh Duy Hùng, Phó trưởng Ban Quản lý thu - sổ, thẻ (BHXH Việt Nam), cho rằng về xử lý các DN nợ, chậm đóng BHXH, trước đây có quy định về cưỡng trích tiền từ tài khoản của các đơn vị vi phạm. Theo đó, sau khi có kết luận thanh tra, kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền tiến hành phong tỏa tài khoản, cưỡng trích.

"Tuy nhiên, biện pháp này gần như không thực hiện được trong thực tế" - ông Hùng nói. Theo ông Hùng, quan trọng nhất là phải có chính sách để xử lý nợ cũ về BHXH của DN, bởi có xử lý được nợ cũ thì quyền lợi của NLĐ mới được bảo đảm. Cùng với đó, cần có chế tài để không phát sinh nợ BHXH.

Rà soát, hoàn thiện pháp luật

Ông Nguyễn Duy Cường cho biết hành vi trốn đóng BHXH hiện đã được quy định trong Bộ Luật Hình sự (điều 216). Tuy nhiên thời gian vừa qua, các trường hợp trốn đóng BHXH bị xử lý hình sự còn rất ít. "Trong thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát để đồng bộ, thống nhất giữa quy định trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi với điều khoản xử lý hình sự tội trốn đóng BHXH theo Bộ Luật Hình sự" - ông Cường nói.

VĂN DUẨN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/du-thao-luat-bhxh-sua-doi-con-nhieu-dieu-khoan-chua-dong-thuan-196240517204156305.htm