Định hướng phát triển các xã vùng cao huyện Phù Yên

Tạo động lực cho các xã vùng cao, huyện Phù Yên sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ, tạo nguồn lực cho các xã từng bước phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao thu nhập cho nhân dân, giảm sự chênh lệch về mức sống so với các xã vùng thấp.

Nhân dân xã Kim Bon, huyện Phù Yên, trồng rừng.

Vùng cao huyện Phù Yên gồm các xã: Kim Bon, Suối Bau, Suối Tọ và Sập Xa, dân cư sinh sống ở các xã này đa số là đồng bào Mông, Dao và một số ít hộ là dân tộc Khơ Mú. Trước đây, đời sống của bà con chủ yếu dựa vào diện tích đất nương trồng cây lương thực ngắn ngày, đánh bắt thủy sản trên lòng hồ, một số hộ chăn thả gia súc…

Do địa hình chủ yếu là đồi núi, có độ dốc lớn, việc sản xuất trên nương phụ thuộc vào thời tiết, phần lớn đất sản xuất bạc màu, năng suất các loại cây trồng ngày càng giảm. Vì vậy, trong các tiểu vùng quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của huyện giai đoạn 2020-2025, các xã vùng cao có xuất phát điểm thấp về hệ thống cơ sở hạ tầng cũng như các nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội.

Ông Cầm Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Qua việc khảo sát, đánh giá, UBND huyện triển khai đầu tư, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng các xã vùng cao từ nguồn vốn giảm nghèo thuộc các Chương trình 134, 135, Nghị quyết 30a và Quyết định 1719 của Chính phủ. Đến nay, đường giao thông từ trung tâm huyện về 4 xã được cứng hóa; riêng đường về xã Suối Tọ đã có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp các đoạn bị hư hỏng, xuống cấp trong thời gian sớm nhất.

Khu nhà lớp học Trường tiểu học và THCS Kim Bon cần được đầu tư xây dựng.

Lĩnh vực giải quyết việc làm cho người lao động được huyện tiếp tục nghiên cứu, với nhiều giải pháp, như đầu tư nguồn vốn xây dựng các mô hình kinh tế; liên kết giới thiệu việc làm cho lao động địa phương tại các nhà máy, các doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh…Hiện nay, các xã vùng cao có gần 1.000 lao động làm việc tại các nhà máy trên địa bàn huyện; gần 3.000 lao động địa phương đi làm công nhân ở các tỉnh miền xuôi; với mức thu nhập khoảng từ 5-8 triệu đồng/người/tháng.

Giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương, huyện chỉ đạo các xã tổng hợp, thống kê nguyện vọng của nhân dân trong tìm kiếm việc làm; tạo điều kiện cho các hộ có nhu cầu tiếp cận các nguồn vốn chính sách từ Quỹ hỗ trợ nông dân và vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn… Hiện nay, tổng dư nợ của nông dân các xã vùng cao đạt gần 100 tỷ đồng.

Ban công tác mặt trận bản Suối On, xã Kim Bon vận động nhân dân thực hiện nếp sống mới.

Bên cạnh đó, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã đánh giá, đưa ra mật độ dự kiến để triển khai kế hoạch trồng rừng, trồng cây phân tán hằng năm. Việc vận động nhân dân tham gia trồng rừng mang lại “lợi ích kép”, đó là phủ xanh khoảng 4.000ha đất trống, đồi trọc, tăng diện tích rừng ở địa phương và tạo nguồn thu nhập bền vững cho nhân dân. Đồng thời, hướng dẫn nhân dân lấy phát triển kinh tế rừng làm mũi nhọn, hỗ trợ giá mua cây giống như lát, xoan, mỡ hay thông… với mức 1.500-2.000 đồng/cây.

Từ năm 2010, ông Sồng Nỏ Dếnh, bản Lũng Khoai, xã Suối Tọ, trồng cây mỡ trên diện tích đất đồi bạc màu. Cuối năm 2023, gia đình ông được khai thác gỗ từ 1,5 ha cây mỡ. Ông Dếnh cho biết: Qua xem tivi về việc trồng một số loại cây lâm nghiệp trên đất đồi cho hiệu quả kinh tế cao, nên gia đình tôi quyết định mua 600 cây mỡ giống về trồng. Dù đất bạc màu, nhưng nhận thấy cây phát triển tốt, nên tôi mua thêm cây giống và trồng trên diện tích 1,5 ha. Giá bán gỗ từ 300 - 500 nghìn đồng/cây. Giá trị kinh tế từ gỗ mang lại, giúp tôi có tiền tiếp tục mua cây giống lâm nghiệp, trồng trên diện tích vừa được khai thác.

Phát triển chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả tại xã Suối Tọ.

Nói về việc được đầu tư cơ sở hạ tầng ở xã, ông Thào A Trang, Chủ tịch UBND xã Suối Bau, thông tin: Tuy đã có đường nhựa vào trung tâm xã, nhưng tuyến đường hiện nay đã xuống cấp; lòng đường nhỏ hẹp khó đi lại và khó vận chuyển hàng hóa. Sau khi khảo sát, UBND xã đã vận động nhân dân nhất trí phương án mở rộng tuyến đường khi có dự án đầu tư, góp phần cùng địa phương hoàn thành 50% số tuyến đường giao thông nông thôn được cứng hóa.

Với sự chung tay vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, cùng sự đồng lòng, đoàn kết của nhân dân, các xã vùng cao huyện Phù Yên đang từng bước vượt khó, đạt được một số kết quả tích cực ban đầu trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo bình quân ở các xã vùng cao còn khoảng 40%,thu nhập bình quân đạt 22 triệu đồng/người/năm, tăng 20% so với năm 2021. Kết quả này, là điều kiện quan trọng để nhân dân các xã vùng cao tiếp tục phát triển kinh tế, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm, góp phần cùng toàn huyện xây dựng Phù Yên trở thành một trong những địa phương phát triển khá của tỉnh.

Bài, ảnh: Khải Hoàn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/dinh-huong-phat-trien-cac-xa-vung-cao-huyen-phu-yen-1CfKRefIR.html