Tài chính xanh: Số hóa để 'ai cũng trồng rừng', lãi hơn gửi tiết kiệm

Nhờ số hóa, mọi người có thể tham gia trực tiếp vào trồng rừng, cải tạo rừng. Đầu tư trồng rừng như vậy, theo tính toán, sẽ mang lại lợi ích gấp hàng trăm lần gửi tiền tiết kiệm ngân hàng.

Tín chỉ carbon là một đơn vị đo lường khí thải carbon, thường được sử dụng để đo lường và quản lý lượng khí thải carbon được phát ra vào môi trường từ các hoạt động con người hoặc tổ chức. Mỗi tín chỉ carbon đại diện cho một tấn khí thải carbon (hoặc tương đương nhiều loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính) đã được giảm bớt hoặc loại bỏ từ một dự án hoặc hoạt động nhất định.

Việc mua bán tín chỉ carbon tạo ra một cơ chế kinh tế để thúc đẩy việc giảm lượng khí thải carbon và thúc đẩy các hoạt động bền vững hơn. Khi một tổ chức hoặc dự án giảm bớt hoặc loại bỏ khí thải carbon, họ có thể tạo ra tín chỉ carbon tương ứng. Các tín chỉ này sau đó có thể được bán trên thị trường carbon cho các tổ chức hoặc doanh nghiệp khác muốn sử dụng chúng như một phần của nỗ lực của họ để giảm lượng khí thải carbon hoặc tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường.

Hiện có 2 loại tín chỉ carbon là tín chỉ phát thải và tín chỉ hấp thụ, đều có thể được sử dụng để mua bán trên thị trường carbon hoặc để đo lường và quản lý hiệu quả lượng khí thải carbon của một tổ chức hoặc dự án.

Cụ thể, tín chỉ phát thải là các đơn vị đo lường khí thải carbon mà một tổ chức hoặc dự án tạo ra khi họ phát ra lượng khí thải carbon vào môi trường. Mỗi tín chỉ phát thải đại diện cho một đơn vị tiêu thụ hoặc phát thải của khí thải carbon, thường là một tấn CO2 hoặc tương đương. Các tổ chức hoặc dự án có thể tạo ra tín chỉ phát thải bằng cách thực hiện các biện pháp giảm thiểu khí thải carbon hoặc bằng cách thực hiện các hoạt động khí thải thấp hơn so với mức tiêu chuẩn. Tín chỉ phát thải tại Việt Nam hiện nay chủ yếu là tín chỉ phát thải nhà kính trong khu công nghiệp, nông nghiệp, vận tải và tiêu dùng.

Trong khi đó, tín chỉ hấp thụ là các đơn vị đo lường khí thải carbon mà một tổ chức hoặc dự án tạo ra khi họ loại bỏ khí thải carbon khỏi môi trường hoặc hấp thụ nó vào các nguồn khác nhau. Các hoạt động hấp thụ carbon có thể bao gồm việc trồng rừng, quản lý đất đai, hoặc sử dụng công nghệ hấp thụ carbon để loại bỏ khí thải từ không khí. Tại Việt Nam, tín chỉ hấp thụ chủ yếu đề cập đến khả năng hấp thụ CO2 từ rừng tự nhiên.

Trong phạm vi bài viết, tôi chỉ đề cập vấn đề số hóa tín chỉ hấp thụ CO2 từ rừng tự nhiên của Việt Nam. Đây cũng là kinh nghiệm mà tôi đang nghiên cứu và triển khai cho các khu vực rừng mưa nhiệt đới tại Việt Nam.

Số hóa tín chỉ carbon nên bắt đầu từ đâu?

Theo tôi, tại Việt Nam, số hóa hoạt động kinh doanh tín chỉ carbon phải bắt đầu từ việc số hóa rừng tự nhiên, cây bản địa, số hóa về mô hình quản trị rừng hiệu quả và cuối cùng là số hóa về kiểm kê, báo cáo và thẩm định tín chỉ hấp thụ carbon từ rừng nhiệt đới.

Bước đầu tiên là phải số hóa được thửa đất ở vùng rừng tự nhiên phù hợp với giấy phép về quản lý rừng được giao dài hạn 50 năm cho các cá nhân, hợp tác xã và doanh nghiệp hoặc cụm dân cư. Việc số hóa phải được thực hiện trên nền tảng định vị GPS về đất rừng các biên giới của vùng đất và các cây gỗ có khả năng hấp thụ nhiều CO2 nhất, thường các cây gỗ quý từ nhóm 1 đến nhóm 4, cây dài hạn và các cây trồng xen theo hướng đa dạng sinh học từ nhóm 5 đến nhóm 7.

Cùng với đó, việc số hóa phải được thực hiện thông qua việc định danh (ID) cho từng cây. Trên cơ sở đó, theo dõi sự phát triển của cây hàng năm, theo kế hoạch quản lý và phát triển rừng dài hạn. Ngoài ra, việc số hóa cũng giúp xác định được nguồn nước, bao gồm cả nước được hấp thụ vào đất, vào cây được bốc hơi và xói mòn tự do.

Cacbon và nước là các chỉ số quản lý quan trọng nhất cần phải được số hóa, có tác dụng hình thành một bộ chỉ số về hấp thụ các carbon về rừng mưa nhiệt đới. Phát triển rừng và nguồn nước được theo dõi hàng quý, hàng năm và được đánh giá lại theo các tiêu chí về mức độ tăng trưởng hấp thụ khí nhà kính, bảo vệ nguồn nước, đa dạng sinh học, đảm bảo sinh kế lâu dài và hợp lý của người trồng rừng theo các tiêu chuẩn của ESG (môi trường – xã hội – quản trị).

Tiếp đó là số hóa về quản trị rừng. Các chuyên gia của chúng tôi đã xây dựng mô hình đồng quản trị bằng số hóa gồm 4 nhân tố: (1) người trồng rừng, (2) nhà đầu tư tín chỉ carbon, (3) chính quyền địa phương và (4) viện tư vấn và truyền thông chuyên nghiệp.

Mô hình này quy định rõ về trách nhiệm quyền lợi và cách thức kết nối giữa các nhân tố nói trên. Về nguyên tắc, tất cả nhân tố nói trên đều có quyền truy cập vào hệ thống quản trị để biết được trách nhiệm, quyền lợi thực tế của dự án và triển vọng của nó một cách công khai, minh bạch và bình đẳng thông qua website và ứng dụng (app).

Hằng năm, các nhân tố đồng quản trị nói trên sẽ tổ chức các chương trình tọa đàm nhằm nâng cao chất lượng dự án và chất lượng quản trị. Đồng thời, theo chức năng, tổ chức các lớp học tập trung ở các vùng khác nhau cho người trồng rừng, cán bộ xã phường và cả cho các cháu học sinh về cải tạo rừng trồng nghèo carbon trở thành rừng tự nhiên giàu carbon, đa dạng sinh học và tạo sinh kế bền vững.

Thứ ba, việc đo đạc, kiểm kê tín chỉ hấp thụ carbon được tiến hành thủ công thuộc địa nhưng có đối chiếu với các giải pháp số khác thông qua hình ảnh vệ tinh… nhằm đảm bảo tính chính xác và bền vững của rừng, của nguồn nước và đây là cơ sở quan trọng để lập báo cáo thẩm định về tín chỉ hấp thụ khí nhà kính phục hồi cho việc chuyển nhượng mua hoặc bán tự nguyên hoặc trên sàn giao dịch tín chỉ carbon.

“Ai cũng trồng rừng” nhờ số hóa, lãi hơn gửi tiết kiệm

Việc số hóa tín chỉ hấp thụ carbon của rừng tạo điều kiện to lớn cho việc huy động vốn trong cộng đồng đầu tư vào việc cải tạo rừng trồng hiện nay thành rừng tự nhiên trong tương lai.

Việt Nam là quốc gia có diện tích rừng lớn, chiếm 3/4 cả nước và là nguồn cung cấp tín chỉ hấp thụ carbon dồi dào, hơn hẳn các rừng ôn đới. Tuy nhiên, tình trạng quản lý và tàn phá rừng tự nhiên, biến nó trở thành các rừng trồng cây công nghiệp ngắn ngày như cao su, cà phê, cây keo, đặc biệt là sân golf đang làm cho nguồn sinh thái rừng tự nhiên bị tàn phá.

Nguồn nước bị cạn kiệt động thực vật bị hủy diệt và sinh kế của người dân đặc biệt là dân tộc gặp khó khăn lớn và kèm với đó là xói mòn ngày càng nghiêm trọng, văn hóa dân tộc bản địa vốn dĩ là kho tàng quý báu của văn hóa Việt Nam.

Vì vậy, việc phục hồi lại rừng tự nhiên cần có sự đóng góp của cả cộng đồng. Nhờ số hóa, mọi người có thể tham gia trực tiếp vào trồng rừng, cải tạo rừng, các em học sinh có thể mua 1 cây và theo dõi quá trình phát triển của cây đó, nhất là cây dài hạn. hàng năm có thu nhập về bán tín chỉ carbon.

Đầu tư trồng cây như vậy, theo tính toán, sẽ mang lại lợi ích gấp hàng trăm lần tiền gửi tiết kiệm vì tiền bán thu được hằng năm, chưa kể tiền gỗ khi kết thúc chu kỳ sinh trưởng của cây. Đây có thể coi là thành công lớn nhất của số hóa tín chỉ carbon rừng theo các tiêu chí ESG. Tức là tín chỉ carbon, nguồn nước, đa dạng sinh thái, sinh kế bền vững, đây cũng là tiềm năng tạo ra nguồn lực phục hồi lại khối lượng lớn 60% rừng trồng hiện nay.

Tuy nhiên hiện nay, vấn đề tài chính carbon đang gặp nhiều khó khăn về mặt pháp lý, khi rừng tự nhiên thuộc sở hữu của nhà nước vì vậy các chủ rừng được giao đất 50 năm cũng ko có quyền khai thác ngoài việc khai thác du lịch và trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Luật pháp cũng chưa có quy định quyền carbon thuộc về ai nhưng Nghị định 107/2022 đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chuyển nhượng tín chỉ carbon của 6 tỉnh Bắc Trung bộ cho thấy toàn bộ số tiền bán tín chỉ carbon sau khi trừ đi một vài % phí quản lý đều được chuyển giao toàn bộ cho người trồng rừng.

Như vậy, quyền được hưởng thành quả của tín chỉ carbon thuộc về người trồng rừng nhưng người bán thì lại là Bộ Nông nghiệp nếu liên tỉnh hoặc là tỉnh nếu rừng trong nội bộ một tỉnh. Điều này khiến việc giao dịch sẽ trở nên rất khó thực hiện vì người bán không phải là chủ rừng.

Tôi cũng kiến nghị không thể thay đổi luật về sở hữu rừng nhưng có thể có quy định ủy quyền tranh thủ rừng trong giao dịch tín chỉ carbon phù hợp với chất lượng rừng của họ, phù hợp với năng lượng và trình độ quản lý của họ chứ không nên bán bình quân một lúc nhiều tỉnh như hiện nay.

Về quan điểm nên hình thành một sàn giao dịch riêng về tín chỉ carbon, tôi cho rằng việc hình thành một sàn giao dịch riêng là điều không cần thiết, tốt nhất là hoàn thiện các quy trình về đo đạc, báo cáo và thẩm định và thông qua các cơ quan thẩm định quốc tế đưa các tín chỉ carbon này giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Lý do là trên thị trường chứng khoán có sẵn các nhà đầu tư, hệ thống lưu ký và hệ thống thanh toán bù trừ tự động và có sẵn cơ quan giám sát, điều chỉnh. Đồng thời, việc đưa tín chỉ giao dịch trên thị trường chứng khoán cũng tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội tham gia vào thị trường này để tạo ra thanh khoản lớn cho thị trường và nâng cao chất lượng giao dịch, đảm bảo tính ổn định và bền vững của thị trường chứng khoán.

TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên HĐTV CSTTQG

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/tai-chinh-xanh-so-hoa-de-ai-cung-trong-rung-lai-hon-gui-tiet-kiem-d110796.html