Đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người lao động

Người lao động làm việc ở Khu công nghiệp An Phú (TP Tuy Hòa) được khám sức khỏe và phát thuốc miễn phí. Ảnh: KIM CHI

Hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2023 với chủ đề “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc”, các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tập huấn, huấn luyện thực hành, kỹ năng đánh giá nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ…

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp, công ty đã phối hợp với các trung tâm y tế tổ chức khám sức khỏe cho người lao động (NLĐ), giúp họ làm việc tốt hơn.

Lợi cả đôi bên

Theo Luật ATVSLĐ, doanh nghiệp phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ ít nhất 1 lần/năm. Đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, lao động là người khuyết tật, cao tuổi, chưa thành niên thì phải được khám ít nhất 6 tháng/lần.

Thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ tại các đơn vị sản xuất kinh doanh là một trong những việc làm thường niên, được Công đoàn ngành Y tế, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh phối hợp với các ngành chức năng thực hiện hiệu quả. Việc thăm khám đã giúp phát hiện và chữa trị kịp thời các bệnh nghề nghiệp; giúp NLĐ nắm được tình hình sức khỏe để có kế hoạch làm việc hợp lý, yên tâm sản xuất kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển chung của công ty, doanh nghiệp.

Theo ông Huỳnh Dũng, Phó Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐ-TB&XH), căn cứ tình hình thực tế và lịch sản xuất, hằng năm, các công ty, đơn vị trên địa bàn tỉnh đều ký hợp đồng với cơ sở y tế đủ điều kiện để tổ chức khám sức khỏe cho NLĐ. Việc khám sức khỏe diễn ra tại trụ sở đơn vị nhằm tạo thuận lợi cho NLĐ.

Chị Nguyễn Thị Lan, NLĐ Công ty CP Sao Phương Bắc Phú Yên (xã An Phú, TP Tuy Hòa) chia sẻ: “Tôi làm ở công ty này được 2 năm rồi. Hằng năm, công ty đều hợp đồng với Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa khám sức khỏe cho NLĐ. Khi đau bệnh bất ngờ đều được sơ cứu ban đầu, vì vậy chúng tôi yên tâm làm việc”.

Theo chị Nguyễn Thị Đầm Sen, thành viên Ban An toàn vệ sinh viên, phụ trách bộ phận sơ cứu ban đầu của Xí nghiệp chế biến song mây xuất khẩu Rapexco (Khu công nghiệp Hòa Hiệp, TX Đông Hòa), lực lượng lao động nữ ở xí nghiệp chiếm hơn 70%. Hằng năm, xí nghiệp đều tổ chức khám sức khỏe cho NLĐ nói chung và lao động nữ nói riêng. Khi công nhân được quan tâm, chăm lo thì mỗi người sẽ an tâm làm việc, nâng cao năng suất cũng như chất lượng sản phẩm, vì vậy bảo vệ sức khỏe cho NLĐ chính là bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp.

Tại Công ty CP An Hưng, mỗi lao động nữ trong thời kỳ thai sản được công ty chăm sóc chu đáo hơn. Mỗi chiếc ghế ngồi của NLĐ đều được thay bằng ghế có chỗ dựa lưng để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho họ.

Ông Lê Văn Bi, Trưởng phòng Truyền thông (Chi cục DS-KHHGĐ) cho biết: Theo quy định của Bộ Y tế, việc quản lý, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho NLĐ phải được thực hiện từ thời điểm NLĐ được tuyển dụng và trong suốt quá trình làm việc tại cơ sở lao động. Do đó, việc thực hiện tốt việc tổ chức khám sức khỏe cho công nhân, NLĐ không chỉ thể hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp với NLĐ mà còn mang lại lợi ích cho cả đôi bên.

Lao động nữ ở Công ty CP An Hưng trong thời kỳ thai sản, đều được trang bị ghế ngồi có điểm tựa lưng. Ảnh: KIM CHI

Lao động nữ ở Công ty CP An Hưng trong thời kỳ thai sản, đều được trang bị ghế ngồi có điểm tựa lưng. Ảnh: KIM CHI

Đẩy mạnh các chương trình hành động cụ thể

Ông Phan Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Với mục tiêu cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động, ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, các doanh nghiệp, công ty trên địa bàn tỉnh đều quan tâm chăm sóc sức khỏe NLĐ. Nhận thức về ATVSLĐ được nâng lên, bảo đảm sự tuân thủ pháp luật về bảo hộ lao động, bảo đảm an toàn thân thể, tính mạng cho NLĐ, tài sản của Nhà nước và tài sản của doanh nghiệp, qua đó góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh.

“Đối với NLĐ, hãy vì sức khỏe, tính mạng của bản thân để chủ động nâng cao ý thức tự giác thực hiện nghiêm các quy định về ATVSLĐ; chủ động và tích cực tham gia cùng với người sử dụng lao động trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, cải thiện điều kiện làm việc tại doanh nghiệp. Đồng thời tích cực trau dồi, nâng cao kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình, từ chối làm việc khi thấy rõ các nguy cơ, rủi ro tai nạn lao động có thể xảy ra” ông Thắng đề nghị.

Theo ông Nguyễn Duy Linh, Chánh thanh tra Sở LĐ-TB&XH, kết quả kiểm tra hằng năm của ngành và liên ngành, cho thấy công tác khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ đã được nhiều doanh nghiệp quan tâm triển khai. Từ đó, doanh nghiệp kịp thời bố trí công việc hợp lý, thực hiện các chế độ, chính sách liên quan với NLĐ. Làm việc trong môi trường lao động nặng nhọc, độc hại, công nhân còn được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật hợp lý, đảm bảo sức khỏe để làm việc. Riêng năm 2022, các đơn vị, công ty đã thực hiện chế độ bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật cho 2.108 người với tổng số tiền hơn 1,6 tỉ đồng.

“Tháng hành động ATVSLĐ năm 2023 đã được các đơn vị, doanh nghiệp hưởng ứng mạnh mẽ và an toàn với nhiều hoạt động đúng theo kế hoạch của UBND tỉnh. Mục đích của tháng hành động là thúc đẩy các cấp, ngành, cơ quan, tổ chức, hiệp hội, người sử dụng lao động, NLĐ và cộng đồng quan tâm, thực thi nghiêm pháp luật về ATVSLĐ. Các đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh chương trình hành động cụ thể về cải thiện điều kiện lao động; rà soát, xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, đánh giá nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ; thực hiện chế độ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, chế bộ bồi dưỡng bằng hiện vật cho NLĐ theo quy định của pháp luật; tổ chức huấn luyện ATVSLĐ đầy đủ về các kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn cho NLĐ; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp cho NLĐ…”, ông Phan Đại Thắng nói thêm.

Thực hiện tốt việc tổ chức khám sức khỏe cho công nhân, NLĐ, không chỉ thể hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp với NLĐ mà còn mang lại lợi ích cho cả đôi bên.

Ông Lê Văn Bi, Trưởng phòng Truyền thông Chi cục DS-KHHGĐ

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/299477/dam-bao-suc-khoe-va-an-toan-cho-nguoi-lao-dong.html