Đắk Lắk: Đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp về đào tạo nhân lực tay nghề cao

Thời gian qua công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đạt được một số thành tựu như tăng nhanh về quy mô, học viên tốt nghiệp nghề đã đáp ứng được nhu cầu nhất định về nhân lực có tay nghề...

Sau các khóa đào tạo nghề, nhiều lao động ở các vùng nông thôn tại Đắk Lắk, nhất là người dân tộc thiểu số, đã tự tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Học viên sau khi học nghề dệt thổ cẩm tại Đắk Lắk đã có việc làm ổn định (Ảnh Lê Nhuận)

Đào tạo nghề cho hơn 7.000 lao động nông thôn

Toàn tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã đào tạo nghề cho hơn 7.000 lao động nông thôn, trong đó có hơn 6.000 lao động người dân tộc thiểu số.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk, sau đào tạo, trên 80% học viên có việc làm mới hoặc được nâng cao tay nghề cho năng suất, thu nhập cao hơn.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Lắk cho biết, để công tác dạy nghề đạt hiệu quả, chương trình đào tạo được xây dựng trên cơ sở tham khảo nhu cầu của người học và yêu cầu của thị trường lao động cũng như thực tiễn kinh tế xã hội của địa phương.

"Chúng tôi cũng đã có ký kết chương trình liên tịch với các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động; trao đổi, làm việc với các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh để tăng cường kết nối thông tin, đưa các ngành nghề họ đang cần thiết để đào tạo”, ông Thuân thông tin.

“Đối với lao động tự tạo việc làm thì chúng tôi cũng đã làm việc với ngân hàng chính sách. Trên cơ sở phương án của từng người lao động sẽ hỗ trợ cho vay vốn với bình quân khoảng 50 triệu một người", Phó giám đốc Sở cho biết thêm.

Học viên học nghề tiện ra trường đã có việc làm (Ảnh : Lê Nhuận)

Qua đào tạo nghề, người dân nông thôn ở Đắk Lắk được trang bị những kiến thức cơ bản về kỹ năng nghề nghiệp và năng lực thực hành, nâng cao tay nghề, giúp họ có điều kiện và cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp, tăng thu nhập.

Việc đào tạo nghề theo nhu cầu người học và thực tiễn từng địa phương cũng góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

An sinh xã hội tiếp tục được quan tâm

Trước đó sáng 7/5, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 4 để đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh tháng 4, triển khai nhiệm vụ tháng 5/2024.

Em Hồ Như Thảo đang học nghề may (Ảnh: Lê Nhuận)

Về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển ổn định, và thu hút lượng lớn khách du lịch đến với tỉnh.

Cụ thể, trong tháng 4, tổng mức bán lẻ hàng hóa và kinh doanh dịch vụ ước đạt 8.841 tỷ đồng, tăng 3,4% so cùng kỳ năm 2023 và đạt 35,5% kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 166 triệu USD, lũy kế 4 tháng đầu năm đạt 690 triệu USD, tăng 36,2% so cùng kỳ năm 2023, đạt 43,1% kế hoạch năm.

Tổng thu cân đối ngân sách trên địa bàn ước đạt hơn 696 tỷ đồng, lũy kế 4 tháng đầu năm ước đạt hơn 2.894 tỷ đồng, bằng 41,36% dự toán Trung ương giao và 34,06% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao.

Đặc biệt trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm, giá cà-phê, tiêu tăng cao, thời điểm cuối tháng 4 giá cà-phê giao dịch ở mức 120.000-125.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần năm 2022; giá tiêu giao dịch ở mức 96.000-98.000 đồng/kg nên người nông dân hết sức phấn khởi.

Đáng chú ý, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện, bảo đảm cuộc sống cho người dân. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được tăng cường, giữ vững.

Nhuận Lê

Dân sinh

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/dak-lak-dap-ung-nhu-cau-doanh-nghiep-ve-dao-tao-nhan-luc-tay-nghe-cao-20240509095708481.htm