Bước đi đột phá

Đào tạo nguồn nhân lực ngành vi mạch bán dẫn là khâu đột phá và là nhân tố chính yếu để phát triển ngành công nghiệp tiềm năng này

Mục tiêu đến năm 2023 đào tạo 50.000 kỹ sư cho ngành bán dẫn là điều không khó, thậm chí nếu làm tốt, chúng ta có thể đào tạo 100.000 kỹ sư. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất là đầu tư thiết bị đào tạo. Tại Mỹ, quốc gia này đã đầu tư hơn 150 tỉ USD cho vi mạch bán dẫn, đây là số tiền mà không phải quốc gia nào cũng dám rót vốn.

Vì thế, chúng ta phải lựa chọn hướng đi phù hợp. Kỹ sư tham gia chương trình phát triển nhân tài công nghệ không nhất thiết phải hoàn thành chương trình đào tạo 2 năm, mà có thể thiết kế linh hoạt bằng các khóa ngắn hạn. Thực tế hiện nay, các chương trình đào đạo kỹ sư vi mạch bán dẫn có các khóa ngắn hạn 3 - 12 tháng. Đây sẽ là lợi thế để Việt Nam có nguồn nhân lực kịp thời đáp ứng cho thị trường lao động.

Ngành công nghiệp bán dẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Doanh thu dự kiến đạt đến 1.000 tỉ USD vào năm 2030 gợi mở nhiều triển vọng, lạc quan mà chúng ta cần xác định để lấy đào tạo làm khâu đột phá và là nhân tố chính yếu để phát triển ngành công nghiệp tiềm năng này.

Tại Hội nghị Phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 24-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đào tạo nhân lực là một trong 5 trụ cột để ngành công nghiệp bán dẫn phát triển, gồm: xây dựng hạ tầng, hoàn thiện thể chế, đào tạo nhân lực, huy động nguồn lực, xây dựng hệ sinh thái phát triển.

Phát biểu của Thủ tướng dựa trên cơ sở Việt Nam đã và đang có những lợi thế nhất định, sẵn sàng bứt phá trong ngành công nghiệp này. 50.000 kỹ sư vi mạch bán dẫn sẽ là món quà lớn thu hút các doanh nghiệp FDI lớn đầu tư vào Việt Nam.

Hiện nay đã có hơn 50 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn hoạt động tại Việt Nam, trong đó có Intel, Amkor, Hana Micron (đóng gói, kiểm thử); Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo (thiết kế); Lam Research, Coherent (sản xuất thiết bị)... Ước tính nhu cầu thế giới sẽ cần tăng thêm hơn 1 triệu nhân sự vào năm 2030 cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói và kiểm thử chip.

Nhu cầu nhân lực bán dẫn là rất lớn, do vậy việc tập trung đầu tư, đào tạo, đào tạo lại cho lực lượng lao động càng sớm mới càng rút ngắn thời gian gia nhập thị trường lao động nước ngoài.

Đây là yếu tố quyết định để tận dụng cơ hội hợp tác đầu tư, tiếp cận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Huế Xuân ghi

ThS NGUYỄN ANH TUẤN (Chủ tịch Hội Công nghệ Vi mạch bán dẫn TP HCM)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/buoc-di-dot-pha-196240503211212052.htm