Sáu điều Bác Hồ dạy là kim chỉ nam của lực lượng Công an Nhân dân

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: Sáu điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy Công an Nhân dân là di sản tinh thần vô giá, là kim chỉ nam cho mọi hành động của lực lượng Công an Nhân dân.

Những cán bộ, chiến sỹ tham gia vào các khối diễu binh, diễu hành trong lễ kỷ niệm đã được đơn vị tuyển chọn kỹ lưỡng. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Những cán bộ, chiến sỹ tham gia vào các khối diễu binh, diễu hành trong lễ kỷ niệm đã được đơn vị tuyển chọn kỹ lưỡng. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Khắc ghi, học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy, lực lượng Công an Nhân dân đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, thực sự là lực lượng chính trị trung thành và tin cậy của Đảng, Nhà nước, của nhân dân. Mỗi chiến công, mỗi thành tích, mỗi bước trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân đều bắt nguồn từ việc thực hiện nghiêm túc Sáu điều Bác Hồ dạy.

Kim chỉ nam cho lực lượng Công an Nhân dân

Cách đây 76 năm, ngày 11/3/1948, trong thư gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu XII, Bác Hồ đã dạy về Tư cách người công an cách mệnh:

"Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính.
Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ.
Đối với chính phủ, phải tuyệt đối trung thành.
Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép.
Đối với công việc, phải tận tụy.
Đối với địch, phải kiên quyết, khôn khéo."

Thực tiễn xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Công an Nhân dân hơn 76 năm qua đã khẳng định: mỗi chiến công, mỗi thành tích, mỗi bước trưởng thành của lực lượng Công an Nhân dân đều bắt nguồn từ việc thực hiện nghiêm túc Sáu điều Bác Hồ dạy và những sai phạm của cán bộ, chiến sỹ Công an Nhân dân cũng đều có nguyên nhân sâu xa do không thực hiện tốt Sáu điều dạy của Người. Ở đâu, khi nào cán bộ, chiến sỹ công an luôn thực hiện tốt Sáu điều Bác Hồ dạy, thì ở đó nội bộ cơ quan, đơn vị luôn đoàn kết thống nhất, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và được nhân dân tin yêu, ủng hộ, giúp đỡ.

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 75 năm Công an Nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Sáu điều Bác Hồ dạy nghe rất giản dị, mộc mạc, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, nhưng lại hàm chứa những nội dung vô cùng sâu sắc, phong phú, thể hiện đầy đủ ý nghĩa cách mạng và khoa học; lý luận và thực tiễn; phẩm chất và năng lực của người cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân Việt Nam.

Đây thật sự là một chỉnh thể thống nhất về hình mẫu của người cán bộ, chiến sỹ Công an cách mạng; là đạo lý, tình cảm; là lập trường, quan điểm, tư tưởng của giai cấp công nhân; là nguyên tắc, phương châm hành động, thái độ ứng xử; là chuẩn mực về nhân cách mà theo tôi, mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an, dù ở cương vị công tác nào cũng phải luôn luôn ghi nhớ, thấm nhuần và nỗ lực phấn đấu thực hiện cho bằng được.

Thời gian qua, đóng góp chung vào quá trình xây dựng, trưởng thành và những thành tích đạt được của lực lượng Công an nhân dân, có nhiều điển hình tiên tiến trong việc học tập, làm theo những lời dạy của Bác.

Thấm nhuần lời dạy của Bác trong rèn luyện, thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, Trung tá Nguyễn Chí Thành (Phó Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, là một cán bộ, chiến sỹ Công an Nhân dân, anh luôn khắc ghi, lấy việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là kim chỉ nam trong trong công tác, chiến đấu.

Hơn 20 năm công tác, Trung tá Nguyễn Chí Thành đã có mặt trực tiếp cùng anh em đồng đội trong những vụ cứu nạn, cứu hộ điển hình khi cứu sống nhiều người, nhiều tài sản, như: vụ cháy rừng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang kéo dài gần một tháng; vụ giải cứu nạn nhân trong vụ sập giàn giáo công trình CR4, Khu Đô thị Phú Mỹ Hưng vào năm 2008; tham gia cứu hộ, cứu nạn tại hang sâu khoảng 280m tại Hà Giang...

 Đoàn công tác Bộ Công an, Việt Nam triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn tại một tòa nhà ở thành phố Adiyaman, phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: TTXVN phát)

Đoàn công tác Bộ Công an, Việt Nam triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn tại một tòa nhà ở thành phố Adiyaman, phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: TTXVN phát)

Gần đây nhất, anh cùng đồng đội vinh dự và tự hào khi tham gia đoàn công tác đặc biệt của Bộ Công an Việt Nam, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ. Kết thúc chuyến công tác, Đoàn cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an đã cứu sống một người và tìm được 14 thi thể nạn nhân, đưa ra ngoài. Đoàn được nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng cứu hộ, cứu nạn quốc tế ghi nhận và đánh giá rất cao về năng lực, tinh thần làm việc. Anh là người trực tiếp đưa nạn nhân còn sống sót ở độ sâu 7 mét ra khỏi đống đổ nát tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trung tá Nguyễn Chí Thành là điển hình tiêu biểu đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 2023.

Luôn tự hào khi đón nhận "sứ mệnh" mà Đảng, Bộ Công an, nhân dân tin tưởng giao phó, Trung tá Nguyễn Chí Thành chia sẻ: Dù công việc, nhiệm vụ đối mặt còn nhiều khó khăn, gian khổ nhưng càng được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, lãnh đạo, chỉ huy và nhân dân tin tưởng, anh càng ra sức rèn luyện, không ngừng học hỏi các thế hệ cha anh đi trước, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao ở bất kỳ thời điểm nào, không ngại có mặt tại "điểm nóng" nào.

Theo Trung tá Nguyễn Chí Thành, hiện nay, tình trạng cháy, nổ và các sự cố, tai nạn đang diễn ra ngày càng phức tạp và thường xuyên, vì vậy vai trò của người lính cứu hỏa ngày càng trở nên cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết. "Sứ mệnh của chúng tôi là dốc hết sức của mình để bảo vệ tính mạng, tài sản, bảo vệ sự an toàn và bình yên cho mỗi người dân, ngôi nhà, con phố."

Ngoài việc đảm bảo về kiến thức chuyên môn, sức khỏe thể chất, phẩm chất chính trị thì lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cũng cần rèn luyện bản lĩnh. Khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung tá Nguyễn Chí Thành nói riêng, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an Thành phố Hồ Chí Minh nói chung đã và đang viết tiếp truyền thống anh hùng của lực lượng Công an.

Thấm nhuần, khắc ghi lời dạy của Bác trong nhiệm vụ, công tác không chỉ giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sỹ, mà còn để lại trong nhân dân hình ảnh tốt đẹp về người cán bộ, chiến sỹ Công an.

Đại tá Lê Đức Hùng, Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm đã trực tiếp chỉ đạo, tham gia điều tra khám phá nhiều vụ án lớn có tiếng vang như: Khám phá nhanh vụ đe dọa đặt mìn để cưỡng đoạt tài sản tại trụ sở Công ty Hoàng Vũ, Khu công nghiệp Minh Khai - quận Bắc Từ Liêm (tháng 4/2019); Giải tán các đối tượng chống đối lực lượng làm nhiệm vụ triển khai thực hiện kế hoạch cưỡng chế thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án xây dựng Nhà Văn hóa tổ dân phố số 2, số 4, phường Cổ Nhuế 2 - năm 2019, đảm bảo tuyệt đối an toàn, không để xảy ra tình huống phức tạp ảnh hưởng đến an ninh trật tự...

Trong đó có vụ việc cướp của bắt con tin hồi tháng 7/2019. Dũng cảm dấn thân, thương thuyết khéo léo, phản ứng tinh nhuệ là biện pháp Đại tá Lê Đức Hùng sử dụng để giải quyết nhanh gọn vụ việc, không gây thiệt hại về người và của. Còn đối với người phụ nữ được cứu, chị như được sinh ra lần thứ 2 sau vụ việc cướp của bắt con tin hồi tháng 7/2019. Chị chia sẻ "Đại tá Hùng là ân nhân cứu mạng của tôi. Đầu tiên chú làm mọi thứ để người bị hại được an toàn nhất."

Khi những vụ việc được dần tháo gỡ, trả lại cuộc sống bình yên, những lời cảm ơn, sự tin yêu của người dân được gói gọn trong những vần thơ:

Đã thề vì nước quên thân
Hoàn thành nhiệm vụ vì dân quên mình
Gương người chiến sĩ an ninh
Bài thơ kính tặng trọn tình tin yêu.

Cụ thể hóa thành các chuẩn mực đạo đức cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra

Thực hiện tốt 6 điều Bác Hồ dạy, thời gian qua, lực lượng Công an Nhân dân đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo vệ an ninh quốc gia, phòng, chống tội phạm, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự, kéo giảm tội phạm đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tập trung điều tra, xử lý dứt điểm nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, tạo chuyển biến tích cực ở cả Trung ương và địa phương được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Lực lượng Công an Nhân dân luôn tiên phong trong chuyển đổi số, cải cách hành chính phục vụ nhân dân, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, tạo bước chuyển biến "đột phá" trong chuyển đổi số quốc gia. Gắn cải cách hành chính với việc thực hiện quyết liệt các giải pháp kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong; nâng cao chất lượng hoạt động của Công an cấp xã...

Cán bộ, đảng viên, người đứng đầu Công an các cấp thể hiện tốt hơn trách nhiệm nêu gương trong tu dưỡng, rèn luyện, "tự soi," "tự sửa," thực hiện cam kết không suy thoái; chuyển biến tích cực hơn trong việc chấp hành điều lệnh, kỷ luật, kỷ cương, quy tắc ứng xử, tinh thần phục vụ nhân dân. Tinh thần "dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách vì lợi ích chung" được lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên...

 Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: Sáu điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy Công an Nhân dân là di sản tinh thần vô giá, là kim chỉ nam cho mọi hành động của lực lượng Công an Nhân dân.

Lực lượng Công an nhân dân trưởng thành, lớn mạnh như ngày hôm nay, những chiến công, thành tích của lực lượng Công an nhân dân đạt được trong gần 80 năm qua luôn có sự soi đường, chỉ dẫn, động viên, khích lệ, nhắc nhở của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà cốt lõi, hạt nhân chính là Sáu lời dạy về tư cách người Công an cách mạng. Lực lượng Công an nhân dân luôn tự hào và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - người thầy, người cha kính yêu đã dành cho lực lượng Công an nhân dân những tình cảm quý báu, những lời dạy dỗ ân cần, sự quan tâm sâu sắc để xây dựng lực lượng Công an nhân dân trở thành lực lượng vũ trang trọng yếu, tuyệt đối trung thành, tin cậy, trong sạch, vững mạnh, làm nòng cốt trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm, trật tự an toàn xã hội.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, lực lượng Công an nhân dân tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa Sáu điều Bác Hồ dạy thành các chuẩn mực đạo đức cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, đánh giá, phù hợp với từng cấp ủy, đơn vị, cá nhân để việc học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, hằng giờ, hằng ngày, thành lối sống, nếp nghĩ, cách làm của từng đảng viên, cán bộ, chiến sỹ, hình thành nên chuẩn mực về "Tư cách người Công an cách mệnh."

Mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân dù ở cương vị công tác nào cũng phải thường xuyên "tự soi," "tự sửa," tự tu dưỡng, rèn luyện; phải luôn nhận thức sâu sắc, phải nỗ lực cao nhất để thực hiện thật tốt Sáu điều Bác Hồ dạy, đặc biệt là lời huấn thị: "Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính" để giữ mình cho thật trong sạch, thật vững vàng, không bị sa ngã trước mọi cám dỗ, luôn luôn tâm niệm và coi trọng danh dự, xác định rõ "Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất" và thực hiện phương châm hành động: "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ", "Lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an."

Bí thư cấp ủy, thủ trưởng Công an các cấp phải gương mẫu trong lãnh đạo, chỉ đạo; phải thể hiện vai trò nêu gương toàn diện trên các mặt tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong, tự phê bình và phê bình; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ, quan hệ với nhân dân; cấp trên làm trước, làm gương cho cấp dưới, cán bộ đảng viên phải làm gương cho quần chúng với phương châm: "Trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/sau-dieu-bac-ho-day-la-kim-chi-nam-cua-luc-luong-cong-an-nhan-dan-post950990.vnp