Nỗi tuyệt vọng của những người tị nạn sống trong các lều trại ở Gaza

Phía trên cao những cồn cát trải dài từ biển Địa Trung Hải là lời nhắc nhở về thời kỳ tốt đẹp hơn ở Gaza - một vòng đu quay khổng lồ.

Những căn lều do người Palestine sơ tán dựng lên ở al-Mawasi gần biên giới với Ai Cập ở Rafah, phía nam Dải Gaza. Ảnh: AFP/Getty Images

Những căn lều do người Palestine sơ tán dựng lên ở al-Mawasi gần biên giới với Ai Cập ở Rafah, phía nam Dải Gaza. Ảnh: AFP/Getty Images

Giờ đây, các quán cà phê, những con đường và tàu điện của Công viên giải trí Asda'a đã được tận dụng để dựng hàng trăm lều trại. Công viên này hiện là nơi trú ẩn của khoảng nửa triệu người chạy trốn đến dải bờ biển gần thành phố Khan Younis, ở phía bắc và phía nam Gaza.

Bé Massa al-Arbeed, 10 tuổi, vừa mới bờ biển này từ thành phố Gaza cùng anh trai và mẹ. Al-Arbeed chia sẻ: “Chúng cháu đã phải bỏ lại rất nhiều thứ vì đây có lẽ là lần thứ 6 chúng cháu sơ tán. Cháu chỉ biết ngồi đây. Không có trò chơi hay búp bê để chơi, thậm chí không có một ngôi nhà để trú ẩn. Vì di chuyển nhiều nên cháu đã mất liên lạc với tất cả bạn bè và giờ cháu không có thông tin gì về họ”.

Vòng đu quay khổng lồ ở phía sau xa trên bờ biển gần Khan Younis. Ảnh: The Guardian

Vòng đu quay khổng lồ ở phía sau xa trên bờ biển gần Khan Younis. Ảnh: The Guardian

Nỗi lo lắng thường trực, đôi khi bị thương hoặc ốm, thường xuyên đói khát là thảm cảnh của hầu hết những người sống trong những căn lều mọc lên giữa những cồn cát và cánh đồng rậm rạp trước cuộc tấn công không ngừng nghỉ của Israel ở Rafah, thành phố miền nam Gaza.

100.000 người khác đã di dời từ phía bắc Gaza, nơi Israel tiếp tục nhắm mục tiêu vào các tay súng Hamas. Tất cả đều tuân thủ hướng dẫn trong tờ rơi, cuộc gọi điện thoại và mạng xã hội để sơ tán hàng chục khu dân cư.

Mặc dù giới chức Israel tuyên bố sẽ cung cấp viện trợ nhân đạo quốc tế khi cần thiết cho những người phải sơ tán, nhưng thực tế lại rất khác.

Bé Massa Al-Arbeed, 10 tuổi, sống tại thành phố Gaza cùng mẹ và anh trai. Ảnh: The Guardian

Bé Massa Al-Arbeed, 10 tuổi, sống tại thành phố Gaza cùng mẹ và anh trai. Ảnh: The Guardian

Nhiều người phải đi bộ rất xa để lấy nước và không đủ tiền mua thức ăn. Một kg đường có giá 12 USD, đắt gấp khoảng 6 lần so với trước khi Israel phát động cuộc tấn công vào Rafah một tuần trước. Giá muối và cà phê cũng tăng 10 lần nhưng giá bột mì vẫn ổn định. Một vấn đề khó có thể giải quyết của người dân là thiếu tiền bởi các ngân hàng đều đóng cửa và rất ít ngân hàng còn tiền dự trữ.

Cô Sabreen, 28 tuổi, bà mẹ ba con, đã 4 lần phải sơ tán khỏi ngôi nhà ở thị trấn phía bắc Beit Lahia khi xung đột nổ ra. Cô đến bờ biển này cùng 5 gia đình khác và đã thuê một chiếc xe tải với giá đắt gấp 10 lần thông thường.

“Đây không phải là cuộc sống của bất kỳ con người bình thường nào. Không nước uống, thức ăn, chăm sóc sức khỏe, thậm chí không có nhà vệ sinh. Các con tôi hỏi liệu chúng có thể ăn khoai tây không nhưng giờ chúng tôi không còn tiền. Tất cả những gì chúng tôi có là thực phẩm đóng hộp do Liên hợp quốc phân phát. Các con tôi đã bị cúm, sốt và viêm gan. Hiện tại chúng rất yếu và không có đủ thuốc kháng sinh nên tôi rất lo lắng”, cô nói.

Cách công viên giải trí Asda'a vài km về phía nam là al-Mawasi, nơi từng là thị trấn nhỏ yên bình ven biển. Giờ đây, lái xe đến thị trấn này phải mất 2 giờ đồng hồ trên một con đường tắc nghẽn xe ô tô, xe tải, xe ngựa và thậm chí cả xe đạp chở người sơ tán.

Các nhân viên cứu trợ tại al-Mawasi, nơi ẩn náu trong nhiều tháng của những người rời khỏi vùng chiến sự, mô tả những điều kiện “khủng khiếp”, với nguồn lương thực hạn chế, nước bẩn và khan hiếm, các cơ sở chăm sóc sức khỏe quá tải và hầu như không đảm bảo vệ sinh.

Người đàn ông dựng nơi trú ẩn mới tại bờ biển Gaza gần Khan Younis. Ảnh: The Guardian

Người đàn ông dựng nơi trú ẩn mới tại bờ biển Gaza gần Khan Younis. Ảnh: The Guardian

Bác sĩ James Smith, bác sĩ cấp cứu người Anh làm việc ở miền nam Gaza, cho biết nước thải trong các lều trại của Tổ chức từ thiện IDP tắc nghẽn có mùi rất nồng nặc. Chất thải rắn chất đống bên đường vì không có đủ nhân viên lái xe xử lý chất thải. Mọi người đang trở nên mệt mỏi hơn.

Một người khác cho biết bờ biển hoàn toàn chật cứng, hết dãy lều này đến dãy lều khác và chỉ có những khoảng trống hẹp giữa các lều. Không có cơ sở hạ tầng bên trong các khu lều trại và dĩ nhiên, nguồn cung thiết yếu rất hạn chế.

Nhiều người sơ tán khỏi Rafah đã bỏ lại nhà cửa. Bà Raafat Farhat, 64 tuổi, giáo viên nghỉ hưu, đã đến al-Mawasi 3 ngày trước. Tại đây, bà phải ngủ ngoài trời cho đến khi gia đình bà dựng được một nơi trú ẩn.

“Chúng tôi chưa từng tưởng tượng rằng cuối cùng chúng tôi sẽ sống như thế này. Giờ đây, cuộc sống có điện, nước, thức ăn và chỗ ở dường như chỉ là một giấc mơ”, bà nói.

Theo giới chức Palestine ở Gaza, ít nhất 35.000 người Palestine đã thiệt mạng kể từ khi Israel phát động cuộc tấn công từ ngày 7/10/2023. Bà Farhat đã mất hơn 30 người thân, trong số đó hầu hết vẫn đang nằm dưới đống đổ nát.

Nguồn: IDF

Nguồn: IDF

Phần lớn những người tìm nơi trú ẩn trên bờ biển phía nam Gaza, già cũng như trẻ, nói rằng mong muốn lớn nhất giờ đây là có một cuộc sống không sợ hãi.

“Tôi sợ rằng chúng tôi sẽ phải rời bỏ đất nước của mình vĩnh viễn. Và tôi cũng sợ vụ đánh bom nào đó xảy ra với những mảnh đạn rơi xuống. Ở đây, chúng tôi có thể đối mặt với nguy hiểm và cái chết bất cứ lúc nào, vì vậy tôi sợ mất con và gia đình mình”, bà nói.

Cô Sabreen cho biết hiện tại cô sợ mọi thứ. Cô nói: “Tôi sợ rằng những người thân của tôi sẽ thiệt mạng. Vì tiếng bom, chúng tôi sẽ không bao giờ quay trở về nhà mình”.

Bé Massa Al-Arbeed cho biết em sợ gia đình sẽ bị đánh bom hoặc có chuyện gì đó xảy ra. Cô bé cũng sợ mất đi người cha hoặc người chú bị thương vẫn đang ở thành phố Gaza. “Cháu hy vọng được quay trở lại thành phố Gaza để gặp bố và chú. Cháu sẽ xây ngôi nhà đẹp hơn ngôi nhà đã bị phá hủy. Tất cả chúng cháu sẽ sống cùng nhau ở đó”, cô bé nói.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo The Guardian)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/noi-tuyet-vong-cua-nhung-nguoi-ti-nan-song-trong-cac-leu-trai-o-gaza-20240516002729791.htm