Xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em

Phụ nữ và trẻ em luôn là đối tượng chịu tác động nặng nề nhất trong những bất ổn của đời sống. Họ dễ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục, mua bán người, tảo hôn, tệ nạn xã hội… Do đó, một môi trường sống an toàn là điều mà mọi phụ nữ trẻ em luôn ao ước và hướng đến.

 Một buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Bà mẹ và trẻ em gái phòng, chống xâm hại tình dục” tại xã Triệu Hòa, Triệu Phong -Ảnh: L.N

Một buổi sinh hoạt Câu lạc bộ “Bà mẹ và trẻ em gái phòng, chống xâm hại tình dục” tại xã Triệu Hòa, Triệu Phong -Ảnh: L.N

Nhận thức được điều đó, với vai trò của mình, thời gian qua, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực, giải pháp, cách làm thiết thực hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em trên các lĩnh vực: an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình (phòng chống bạo lực gia đình; xâm hại phụ nữ, trẻ em; phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; phòng chống suy dinh dưỡng; chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em); an toàn cho phụ nữ và trẻ em nơi công cộng, trong trường học, nơi làm việc, ngoài xã hội, an toàn về môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, an toàn trên môi trường mạng và an toàn trong lĩnh vực vệ sinh thực phẩm,..

Một trong những giải pháp được các cấp hội quan tâm thực hiện, với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức kỹ năng về an toàn cho hội viên phụ nữ, trẻ em và các gia đình, nhiều diễn đàn, sinh hoạt truyền thông được triển khai rộng khắp, những cách làm mới mẻ như cuộc thi sáng kiến an toàn cho phụ nữ, trẻ em sau COVID19, thi tìm hiểu “Vì một môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em”, giao lưu chia sẻ sáng kiến truyền thông an toàn, các hoạt động đối thoại, đợt thi đua “90 hành động thiết thực cho phụ nữ trẻ em”, hướng tới mục tiêu an toàn được triển khai hưởng ứng rộng rãi trong các cấp hội. Đã có 100% cơ sở hội triển khai thực hiện hơn 500 hành động vì phụ nữ, trẻ em, nhiều điển hình cá nhân hướng đến cộng đồng, lan tỏa yêu thương như ‘Góc bếp yêu thương” của phụ nữ Đông Hà đã hằng ngày nấu các suất cơm hỗ trợ lực lượng trực các chốt khu cách ly, khu phong tỏa; là hàng trăm suất quà của phụ nữ thôn An Lộng, xã Triệu Hòa mang đến sự ấm áp cho người dân bị thiệt hại do mưa lũ năm 2020 ở xã Thanh, Lìa ...

Việc xây dựng mô hình điểm, nhân rộng các mô hình, CLB về an toàn cho phụ nữ trẻ em được các cơ sở hội chú trọng, là địa chỉ sinh hoạt, giao lưu chia sẻ của các thành viên. Điển hình như mô hình CLB “Bà mẹ và trẻ em gái phòng chống xâm hại tình dục”, trong đó CLB thôn Mỹ Lộc, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong là một điểm sáng. Ban đầu, CLB thu hút 14 cặp mẹ và trẻ em gái tham gia. Chủ tịch Hội LHPN xã Triệu Hòa Nguyễn Thị Thu Diêm cho biết: “Với mục đích đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái, sau khi ra mắt và đi vào hoạt động, CLB thực sự là một mái nhà chung cho phụ nữ và trẻ em gái trên địa bàn. Qua các hoạt động chủ yếu của CLB đã góp phần nâng cao nhận thức, cung cấp những kiến thức cơ bản nhằm giúp phụ nữ và trẻ em gái có cuộc sống an toàn hơn trong cộng đồng xã hội cũng như ngay trong chính mái ấm gia đình của họ”. Với những kết quả đạt được, CLB đã nhanh chóng thu hút được đông đảo bà mẹ và trẻ em gái trên địa bàn tham gia, đến nay số thành viên của CLB đã tăng lên 26 cặp mẹ và bé gái.

Để có sự vào cuộc và mở rộng quy mô các mô hình an toàn cho phụ nữ, trẻ em, hội đã chỉ đạo thành lập mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ, trẻ em”. Mục tiêu của mô hình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và ngăn ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Trao quyền cho các thành viên để trở thành tình nguyện viên trong cộng đồng, tham gia và tổ chức các hoạt động đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em tại địa phương. Đồng thời phá vỡ sự im lặng và sẵn sàng lên tiếng về tình trạng bạo lực có liên quan tới xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực học đường, bạo lực gia đình…thông qua sinh hoạt của các CLB. Từ mô hình điểm “Làng quê an toàn cho phụ nữ, trẻ em” tại thôn Thủy Tú, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, đến nay toàn tỉnh đã nhân rộng được 6 mô hình “Làng quê an toàn cho phụ nữ, trẻ em”, nhân rộng 9 CLB “Bà mẹ và trẻ em gái phòng, chống xâm hại tình dục” tại 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Cùng với đó, hội còn chú trọng xây dựng mô hình địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, nhà tạm lánh để bảo vệ phụ nữ khi bị bạo hành. Ở địa bàn miền núi, Hội LHPN các huyện Hướng Hóa và Đakrông đã phối hợp với Tổ chức Plan xây dựng mô hình “Nhóm cha mẹ”, CLB “Trẻ em gái”, CLB “Người cha tốt”, mô hình “Góc bếp sạch”, “Tiết kiệm xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh” cho phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được triển khai trên địa bàn tỉnh. Thông qua các mô hình, cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân địa phương đã được chia sẻ về kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng về nuôi dạy con, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng giới.

Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã xây dựng các mô hình tại cộng đồng gắn với thực hiện các tiêu chí của Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” trong tuyên truyền phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội. Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 300 mô hình, câu lạc bộ thu hút sự tham gia của hơn 10.000 thành viên. Đồng thời, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã hỗ trợ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục, tệ nạn xã hội, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Thực hiện tiếp nhận, xử lý đơn thư của hội viên, phụ nữ phản ánh nỗi niềm cũng như khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống. Cán bộ hội còn trực tiếp đến thăm hỏi, hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại, bạo lực, góp tiếng nói yêu cầu chính quyền, các cơ quan chức năng vào cuộc để bảo vệ phụ nữ và trẻ em.

Bên cạnh việc tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ, xây dựng mô hình cùng các hoạt động hỗ trợ, các cấp hội đã chủ động kết nối, phối hợp với các tổ chức, cơ quan liên quan để tranh thủ về nguồn kinh phí, về sự hỗ trợ kỹ thuật để triển khai các hoạt động. Đặc biệt năm 2019, Hội LHPN tỉnh ký kết chương trình phối hợp với Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh về việc thực hiện công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái (PN&TEG), giai đoạn 2019 - 2022.Việc ký kết chương trình phối hợp nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm giữa các cơ quan trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật; đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của PN&TEG. Thông qua chương trình phối hợp sẽ bảo đảm các vụ việc liên quan đến PN&TEG được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, đảm bảo nguyên tắc công bằng, nghiêm minh.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Quế Phượng cho biết thêm: “Phát huy những kết quả đạt được, trong nhiệm kỳ mới, Hội LHPN tỉnh đặc biệt quan tâm đến vấn đề an toàn cho phụ nữ và trẻ em, nhằm xây dựng và vun đắp những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Đẩy mạnh công tác truyền thông về an toàn với phụ nữ và trẻ em theo hướng mới mẻ hơn nhằm tiếp cận với nhiều đối tượng hơn. Tiếp tục nhân rộng những mô hình hiệu quả về an toàn với phụ nữ và trẻ em, xây dựng mô hình làng quê an toàn. Đồng thời, Hội cũng sẽ nghiên cứu, giám sát, phản biện, đề xuất chính sách bảo vệ phụ nữ và trẻ em; đẩy mạnh phối hợp với các ngành, đoàn thể liên quan triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong từng đối tượng, lĩnh vực. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.

Lệ Như

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=162528&title=xay-dung-moi-truong-an-toan-cho-phu-nu-va-tre-em