Xã hội hóa xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao - 'thương hiệu' của Thành phố Hồ Chí Minh

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết: Thành phố chủ trương đầu tư và huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng, phát triển các thiết chế văn hóa và thể thao. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc.

Sự phát triển các thiết chế văn hóa thể thao trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được ghi dấu ấn bằng sự đa dạng bởi các thể loại công trình; phủ khắp từ cấp thành phố đến cơ sở; từ quy mô nhỏ đến đa năng, hiện đại… Bên cạnh hệ thống thiết chế công lập, sự phát triển các công trình văn hóa, thể thao trong thời gian qua còn gắn liền với sự phát triển của hoạt động xã hội hóa, trở thành một “thương hiệu” của Thành phố.

Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh có trên 2.500 cơ sở. Số doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực văn hóa gồm 17.670 doanh nghiệp, 800 cơ sở kinh doanh hoạt động thể thao; 120 cơ sở kinh doanh, dịch vụ đăng ký xây dựng điểm sáng văn hóa hoạt động theo cơ chế xã hội hóa, 369 công viên được hình thành, trên 10 quảng trường hoạt động hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển

Trước yêu cầu thực tiễn đổi mới, hội nhập quốc tế, việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa và thể thao không chỉ đơn thuần là những công trình nhỏ lẻ, mà phải xứng tầm là cụm công trình, khu liên hợp đa năng, hiện đại để tích hợp các hoạt động văn hóa, thể thao, dịch vụ vui chơi, giải trí, quảng bá phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế thể thao, kích cầu đầu tư, phát triển du lịch…

Trong kỳ trung hạn 2021 - 2025, Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua chủ trương đầu tư 105 dự án đầu tư công với tổng mức đầu tư dự kiến 24.068 tỷ đồng, hiện nay ngành văn hóa và thể thao được bố trí 6.686 tỷ đồng - chiếm tỷ trọng 4,6% tổng ngân sách Thành phố (tăng 237% so với cùng kỳ trung hạn 2016 - 2020).

Song song đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, phát triển các thiết chế văn hóa và thể thao. Ngày 24.6.2023, Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho phép: “…Thành phố được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa…” đã mở ra cơ hội, điều kiện thuận lợi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa và thể thao để đáp ứng yêu cầu phát triển hội nhập.

Hiện nay, có 40 dự án đang được nghiên cứu thực hiện; trong đó, có 23 dự án được Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 181 với tổng mức đầu tư dự kiến là 22.394 tỷ đồng. Như vậy, ước tính sơ bộ sẽ tiết kiệm được 16,4 % ngân sách nhà nước trong kỳ trung hạn 2021 - 2025. Đồng thời, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, địa phương mời gọi xã hội hóa đầu tư, Hội đồng nhân dân Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 16 quy định về quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu, đối với các thiết chế do Thành phố quản lý, quy mô từ 45 tỷ đồng trở lên; đối với các thiết chế do quận huyện quản lý, quy mô tối thiểu từ 10 tỷ đồng trở lên.

Nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế Thành phố, khơi thông tối đa các nguồn lực hiện có để vượt lên, bứt phá và phát triển. Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) vẫn còn là thí điểm, trong quá trình triển khai thực hiện cần có sự quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ của các cơ quan ban ngành trung ương để đạt được mục tiêu đề ra.

Trong đó, việc thực hiện đầu tư dự án theo cơ chế đặc thù của Thành phố Hồ Chí Minh nhưng quy trình, thủ tục các bước thực hiện dự án phải đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của Luật PPP và các quy định pháp luật có liên quan (Luật Đất đai, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Nghị định 28/2021/NĐ-CP, Nghị định 35/2021/NĐ-CP, Nghị định 69/2019/NĐ-CP, Thông tư 08/2022/TT-BTC…).

Về thủ tục đầu tư còn qua nhiều bước, kéo dài thời gian thực hiện, trong khi yêu cầu và mục đích của nhà đầu tư là thời gian thực hiện ngắn, sớm đưa công trình vào vận hành, kinh doanh đầu tư, phát triển hoạt động dịch vụ.

Hình thức hợp đồng gồm 7 loại: BOT, BTO, BOO, O&M, BTL, BLT, hợp đồng hỗn hợp… Tuy nhiên, việc áp dụng chọn hình thức loại hợp đồng nào để thực hiện phù hợp với thiết chế văn hóa và thể thao vẫn là bài toán khó, đòi hỏi phải có sự hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền.

Việc ban hành khung pháp lý hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị quyết số 98 chưa kịp tiến độ đề ra, do đó, Thành phố chưa có cơ sở để triển khai thực hiện...

Ng. Phương lược ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/xa-hoi-hoa-xay-dung-thiet-che-van-hoa-the-thao-thuong-hieu-cua-thanh-pho-ho-chi-minh-i371471/