VN-Index mất 57 điểm, giảm mạnh nhất một tháng

Chứng khoán trong nước bị điều chỉnh mạnh mẽ sau giai đoạn tăng ấn tượng và còn chịu áp lực bán tháo trên thế giới, chỉ số chính lùi về 1.227 điểm.

Tâm lý tiêu cực từ thị trường quốc tế đang tác động mạnh mẽ đến thị trường trong nước. Áp lực bán tháo xuất hiện dày đặc ở các nhóm ngành quan trọng và khiến các chỉ số ngày càng mở rộng đà rơi.

Dòng tiền mua yếu thế so với lực bán quyết liệt khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn và hàng loạt nhóm cổ phiếu lớn đã xuất hiện tình trạng trắng bên mua, hàng trăm mã đã giảm kịch sàn.

Kết thúc ngày giao dịch đầu tuần, VN-Index lao dốc 57,04 điểm (4,44%) về mốc 1.227,04 điểm. Đây là mức giảm theo số tuyệt đối mạnh nhất trong vòng một tháng gần nhất.

Diễn biến bán tháo cũng xuất hiện trên các sàn tại Hà Nội. Bộ chỉ số HNX-Index rơi 18.07 điểm (-5,9%) về 288,37 điểm và UPCoM-Index mất 3,4% còn 90,53 điểm.

Thị trường ngập trong sắc đỏ với tổng cộng 919 mã giảm giá (trong đó có 236 mã giảm sàn). Trong khi đó số mã tăng giá chỉ ghi nhận 112 đơn vị và thêm 71 mã đứng tại tham chiếu.

Do áp lực bán tháo khiến thanh khoản thị trường có nhích lên 10% so với cuối tuần trước đạt giá trị khớp lệnh gần 21.000 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng 186 tỷ đồng trên HoSE.

Chứng khoán giảm 57 điểm trong phiên đầu tuần. Đồ thị: TradingView.

Chứng khoán giảm 57 điểm trong phiên đầu tuần. Đồ thị: TradingView.

Nhóm vốn hóa lớn là "tội đồ" chính khi hàng loạt cổ phiếu trụ giảm giá dữ dội. Rổ VN30 ghi nhận đà rơi gần 65 điểm (-4,89%) với 29/30 mã giảm giá, trong đó thậm chí có đến 7 mã quan trọng đã giảm kịch sàn.

Những mã kết phiên trong sắc xanh lơ là BVH, CTG, GVR, PNJ, SSI, TPB và VPB. Ngoài ra còn một số cổ phiếu trụ khác cũng đã rơi về sát giá sàn là MSN rơi 6,8% hay PLX, MBB và MWG cùng mất 6,7%, VHM giảm 3,4%... Riêng top 10 cổ phiếu tác động xấu nhất đã làm mất hơn 22 điểm của thị trường.

Hàng loạt nhóm cổ phiếu có tỷ trọng quan trọng đã rơi vào áp lực giảm sàn. Lớn nhất là cổ phiếu ngân hàng như OCB, LPB, VIB, VPB, CTG, TPB kết phiên trong sắc xanh lơ. Tiếp đến là cổ phiếu bất động sản như NLG, DIG, CEO, QCG, HQC, DXG...cùng chìm xuống giá thấp nhất phiên.

Cổ phiếu xuất khẩu (thủy sản, dệt may) cũng trong trạng thái tiêu cực khi các mã ACL, TCM, IDI, VHC, CMX, FMC, MSH đều giảm kịch sàn. Cổ phiếu thép ghi nhận có HSG, NKG, TLH và cổ phiếu phân bón DPM, DCM, LAS, BFC rơi về giá sàn. Cổ phiếu hàng hải có HAH, VSC, VOS, PVT giảm hết biên độ.

Việc chỉ số lao dốc khiến triển vọng thị trường kém hơn cũng kéo các cổ phiếu ngành chứng khoán đi xuống khốc liệt. Hàng loạt mã từ lớn đến nhỏ như SSI, HCM, VCI, VND, VIX, CTS, TVB, SHS... đều giảm kịch khung.

Tình trạng bán tháo cũng xuất hiện ở nhóm đầu cơ. Nhóm FLC Group ghi nhận FLC, ROS, HAI, AMD giảm kịch sàn. Họ Louis ghi nhận TGG, BII, SMT trắng bên mua. Họ Apec có APS, IDJ rơi tối đa 10%. Nhóm Tasco có HUT, NVT, VC9 giảm sàn...

Top 10 cổ phiếu tác động xấu nhất đã làm mất hơn 22 điểm của thị trường. Nguồn: VNDirect.

Top 10 cổ phiếu tác động xấu nhất đã làm mất hơn 22 điểm của thị trường. Nguồn: VNDirect.

Chiều kéo lên tỏ ra khá yếu ớt khi chỉ có nhóm cổ phiếu phòng thủ là ngành sản xuất điện giữ được sắc xanh. POW dẫn đầu tăng giá 1,7% lên 15.250 đồng; tiếp đến là VSH và NT2 cùng có thêm 3% giá trị, KHP tăng 2,3%.

Ngoài ra còn có một số mã gây chú ý như EIB của Eximbank bất ngờ đi ngược tăng giá 1,6% lên 30.900 đồng là mã có tác động tốt nhất. BBC của Bibica bất ngờ tăng trần lên 90.000 đồng, PDN của Cảng Đồng Nai lên tăng 7%, cổ phiếu ngành nước TDM có thêm 1,3%.

Thị trường trong nước bên cạnh quán tính điều chỉnh thì còn gặp áp lực lao dốc trên thị trường quốc tế, các sàn chứng khoán trên thế giới cũng đỏ lửa sau thông tin lạm phát tháng 5 tại Mỹ lên mức cao nhất 40 năm.

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên cuối tuần trước bởi thông tin về lạm phát kéo giảm chỉ số tâm lý người tiêu dùng Mỹ xuống ngưỡng thấp kỷ lục. Dow Jones lao dốc 2,73% về 31.330 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm rơi 2,91% xuống 3.900 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite mất đến 3,52% còn 11.340 điểm.

Chứng khoán châu Á đồng loạt giảm điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc lao dốc hơn 3,5%, Nikkei 225 của Nhật Bản rơi hơn 3%. SET của Thái Lan giảm gần 1,7%, BSE của Ấn Độ mất hơn 2,7%...

Thực tế trước phiên giao dịch, khối phân tích các đơn vị chứng khoán cũng dự báo thị trường có khả năng giảm điểm theo quán tính và diễn biến cũng phục thuộc vào thông tin lạm phát của Mỹ.

Chứng khoán Yuanta dự báo thị trường có thể sẽ điều chỉnh ở các phiên giao dịch đầu tuần. Rủi ro từ thị trường thế giới gia tăng dần và có thể tác động tiêu cực lên xu hướng ngắn hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam nhận định sau một tháng căn mua và chờ chốt lời thì diễn biến thị trường đã xấu trở lại. Đơn vị khuyến nghị ưu tiên căn bán, hạn chế việc mua mới trong tuần này.

Huy Lê

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vn-index-mat-57-diem-giam-manh-nhat-mot-thang-post1326016.html