Việt Nam: Ngôi sao mới của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Với vị trí địa chính trị quan trọng nằm ở trung tâm khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, gần các thị trường lớn ở châu Á, với khả năng tiếp cận các tuyến vận chuyển toàn cầu quan trọng; cùng những thành tựu nổi bật cả về đối ngoại và có mức tăng trưởng kinh tế cao so với mặt chung của khu vực và thế giới, Việt Nam nổi lên như là một điểm sáng được chú ý, điểm đến quan trọng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của nhiều quốc gia.

Canada coi trọng vai trò của Việt Nam với vị trí như là một cửa ngõ đi vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Canada coi trọng vai trò của Việt Nam với vị trí như là một cửa ngõ đi vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Luôn mở rộng cánh cửa cho hoạt động kinh doanh

Cơ quan Phát triển xuất khẩu (EDC) của Chính phủ Canada mới đây trong bài viết “Kinh doanh tại Việt Nam: Chớp lấy ngôi sao đang lên này của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” đã nhấn mạnh tới vị trí chiến lược của Việt Nam khiến nước ta trở thành một trung tâm phân phối và hậu cần lý tưởng trong khu vực. Tác giả bài viết - chuyên gia về thương mại quốc tế Carol Fragiskos - nhận định, tên gọi ngày xưa là “Miền đất Thăng Long” ngày nay là hình ảnh của sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Việt Nam.

Dựa trên số liệu của World Economics, chuyên gia Carol Fragiskos cho rằng, trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của Việt Nam là hơn 8%. Tác giả này nhấn mạnh, với những con số như vậy, không có gì ngạc nhiên khi EDC chọn Việt Nam để đặt Văn phòng đại diện tiếp theo tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Vị trí chiến lược của Việt Nam - nằm ở trung tâm khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và gần các thị trường lớn ở châu Á, với khả năng tiếp cận các tuyến vận chuyển toàn cầu quan trọng - khiến Việt Nam trở thành trung tâm phân phối và hậu cần lý tưởng. Không chỉ riêng vị trí địa lý mà Việt Nam còn nhiều điều khác xứng đáng để đầu tư kinh doanh. Trong đó, tốc độ tăng trưởng tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang vượt xa tất cả các nước khác trong khu vực. Việt Nam còn là một thị trường lớn, nhiều tiềm năng với số dân 100 triệu người và đặc biệt hiện đang ở trong giai đoạn “dân số vàng” với dân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) nhiều gấp 2 lần dân số phụ thuộc (dưới 15 tuổi và trên 65 tuổi).

Cùng với lực lượng lao động dồi dào, chi phí lao động của Việt Nam được xem là một yếu tố hấp dẫn với các nhà đầu tư. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, mặc dù mức lương tối thiểu đang tăng lên, nhưng chi phí lao động của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn các quốc gia tương đương trong khu vực.

Một điều mà tác giả bài viết “Kinh doanh tại Việt Nam: Chớp lấy ngôi sao đang lên này của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” nhấn mạnh là sự ổn định về mặt chính trị của Việt Nam. Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam còn cam kết cải cách và tự do hóa kinh tế. Môi trường đầu tư nước ngoài tiến bộ đang tạo ra các ưu đãi về thuế và mức giá trong một số lĩnh vực ưu tiên và khu vực địa lý nhất định. Điều quan trọng không kém là khung pháp lý minh bạch và chế độ quản lý có thể dự đoán được sẽ mang lại thêm niềm tin cho các công ty muốn kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Tác giả nhận định, việc đầu tư mạnh vào phát triển cơ sở hạ tầng cùng với cam kết đạt mức phát thải bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đang tìm cách tăng nhanh cơ cấu năng lượng tái tạo. Nhiều dự án đang được triển khai trên toàn quốc về năng lượng xanh, quản lý chất thải và phát triển đô thị một cách bền vững. Bên cạnh đó, Việt Nam có nền kinh tế kỹ thuật số lành mạnh dự kiến sẽ đạt khoảng 38 tỷ USD vào năm 2025. Nhiều lĩnh vực, bao gồm thương mại điện tử, công nghệ tài chính và trí tuệ nhân tạo đã được thúc đẩy nhờ các sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Ưu tiên đầu tư vào những lĩnh vực chuyển đổi xanh, công nghệ mới… cùng với việc là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) và đa phương với Trung Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)… Việt Nam được xem là một quốc gia luôn mở rộng cánh cửa cho hoạt động kinh doanh của các nhà đầu tư quốc tế và khu vực.

Một cửa ngõ đi vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Canada hơn một năm trước đã công bố Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với 1 trong 5 mục tiêu chiến lược là mở rộng thương mại, đầu tư và khả năng phục hồi chuỗi cung ứng. Các nhà xuất khẩu Canada có được ưu tiên tiếp cận thị trường tăng trưởng nhanh chóng này thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), loại bỏ thuế quan và giảm rào cản thương mại đối với 98% hàng xuất khẩu sang các quốc gia thành viên.

Quốc gia là thành viên Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) này vào đầu năm 2024 này đã khai trương Văn phòng Nông nghiệp và Nông sản (IPAAO) tại Thủ đô Manila của Philippines với mong muốn văn phòng này sẽ góp phần củng cố các cơ hội thương mai và hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp và nông sản tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình. Mô hình của IPAAO tại Thủ đô của Philippines sẽ cho phép Canada áp dụng cách tiếp cận toàn khu vực trong hoạt động tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nhóm lưu động của văn phòng này sẽ phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, đồng thời tận dụng các cơ hội xuất khẩu và giải quyết các thách thức chung như an ninh lương thực.

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được coi là có tiềm năng kinh tế to lớn, chiếm hơn 1/3 hoạt động kinh tế của thế giới. Năm 2023, xuất khẩu nông sản và nông nghiệp của Canada vào khu vực này đạt tổng trị giá 22,8 tỷ USD. Nhiều chuyên gia đã đánh giá rằng khu vực là chìa khóa cho hoạt động thương mại của Canada trong năm 2024 và đây có thể là lý do quốc gia là thành viên Nhóm G7 này liên tục đẩy mạnh các hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư sang đây kể từ cuối năm ngoái.

Riêng khu vực ASEAN, Canada đã trở thành bạn hàng thương mại lớn thứ 4 kể từ năm 2021, với giá trị song phương gần 32 tỷ USD. Trong bối cảnh đó, việc khai trương Văn phòng IPAAO tại Manila và chuẩn bị mở Văn phòng Đổi mới Sáng tạo (IPIO) ở Việt Nam được xem là bước tiến đáng kể hiện thức hóa cam kết của Canada trong việc thúc đẩy mối quan hệ mạnh mẽ hơn đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Giám đốc IPIO kiêm Trưởng đại điện Việt Nam của Cơ quan Phát triển Xuất khẩu (EDC, Canada) Nathan Andrew Nelson nhấn mạnh, Việt Nam là “một trong những ngôi sao sáng trong vòng từ 5-10 năm tới”.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN, với giá trị thương mại song phương tổng cộng 14 tỷ CAD (10,2 tỷ USD) năm 2023 và triển vọng này còn tươi sáng hơn trong tương lai. Trưởng đại diện đầu tiên của EDC Nathan Nelson cho rằng, sau rất nhiều phân tích thị trường, EDC có thể tự tin rằng, Việt Nam có nhiều thứ dành cho tất cả mọi người. Theo ông Nathan Nelson, đó là ngôi sao mới ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt đối với các công ty đang tìm cách đa dạng hóa bên ngoài Trung Quốc.

Chủ tịch EDC cho rằng, Việt Nam sẽ mang lại cho các nhà xuất khẩu Canada lợi thế về địa lý để thâm nhập thị trường Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như lợi thế cạnh tranh về chi phí kinh doanh. Cùng chung quan điểm, Giám đốc Liên đoàn phòng thương mại Quebec Florent Favrel nêu rõ: “Cửa ngõ đi vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” là một sự kiện vô cùng hữu ích, quảng bá được rất nhiều thông tin về tiềm năng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là Việt Nam.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/viet-nam-ngoi-sao-moi-cua-an-do-duong-thai-binh-duong-post576615.antd