Việc giảm tỉ lệ sở hữu cổ phần không có nhiều ý nghĩa để hạn chế sở hữu chéo

Cơ bản thống nhất cao với nhiều nội dung trong dự thảo luật và báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho biết, về sử dụng các thuật ngữ liên quan đến hoạt động ngân hàng, Điều 5 của dự thảo luật có quy định: Tổ chức không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được phép sử dụng cụm từ hoặc thuật ngữ 'tổ chức tín dụng', 'ngân hàng', 'công ty tài chính', 'công ty cho thuê tài chính', 'tổ chức tài chính vi mô', 'quỹ tín dụng nhân dân' hoặc cụm từ, thuật ngữ khác trong tên của tổ chức, chức danh hoặc trong phần phụ thêm của tên, chức danh hoặc trong giấy tờ giao dịch hoặc quảng cáo của mình nếu việc sử dụng cụm từ, thuật ngữ đó có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng về việc tổ chức đó là một tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Đại biểu cho biết, mặc dù luật đã có quy định, nhưng trong thực tế thời gian qua, việc đặt tên doanh nghiệp có các thuật ngữ như “tổ chức tín dụng”, “ngân hàng”, “công ty tài chính”, “công ty cho thuê tài chính”, “tổ chức tài chính vi mô”, “quỹ tín dụng nhân dân” vẫn còn diễn ra tràn lan, gây hiểu nhầm với các tổ chức tín dụng hoặc quảng cáo có nội dung liên quan đến hoạt động ngân hàng. Để hạn chế tình trạng trên, tránh việc các cá nhân, tổ chức lợi dụng để lách luật, đại biểu đề nghị Điều 5 trong dự thảo luật cần bổ sung quy định Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể các cụm từ, thuật ngữ liên quan đến hoạt động của ngân hàng.

Liên quan tới tỷ lệ sở hữu cổ phần, ông Hùng cho rằng: Việc giảm tỉ lệ này không có nhiều ý nghĩa để hạn chế sở hữu chéo. Vì có hay không tồn tại sở hữu chéo sẽ thông qua việc xác định người có liên quan là cổ đông. Khi cổ đông được xác định là người có liên quan và cổ đông sẽ mặc nhiên nằm trong giới hạn tỉ lệ sở hữu cổ phần theo quy định. Cần bổ sung hướng mở là tỉ lệ sở hữu cổ phần có thể được chấp thuận và điều chỉnh bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Về bảo mật thông tin, tại khoản 1 Điều 13, dự thảo Luật quy định: Người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được tiết lộ thông tin khách hàng, bí mật kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Đại biểu cho biết, dù Luật Sở hữu trí tuệ đã đưa ra khái niệm về bí mật kinh doanh, nhưng chỉ là khái niệm chung cho tất cả các hoạt động kinh doanh. Thực tế, nhiều nhân viên, người quản lý, người điều hành chưa hiểu biết đầy đủ về bí mật kinh doanh trong hoạt động ngân hàng. Để hạn chế thấp nhất rủi ro cho các đối tượng trên, đại biểu đề nghị bổ sung trong quy định tại khoản 1 Điều 13 dự thảo luật quy định: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể bí mật kinh doanh trong hoạt động ngân hàng.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chương trình!

Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/viec-giam-ti-le-so-huu-co-phan-khong-co-nhieu-y-nghia-de-han-che-so-huu-cheo-207074.htm