Vị thế của một đất nước được thể hiện qua trình độ khoa học công nghệ!

'Vị thế của một đất nước được thể hiện thông qua trình độ KH&CN. Việt Nam từ một nước khó khăn đã vươn lên khẳng định được vị thế của mình trên trường quốc tế'.

Vị thế của Việt Nam ngày càng vững mạnh

Chào mừng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18.5, tiến sĩ khoa học (TSKH) Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã có những chia sẻ về cuộc đời cống hiến cho khoa học và công nghệ (KH&CN), những mong mỏi với đội ngũ trí thức KH&CN và sự phát triển của KH&CN nước nhà trong bối cảnh mới.

TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) - Ảnh: VUSTA

TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) - Ảnh: VUSTA

Năm 2024 là năm ngành KH&CN kỷ niệm 65 năm xây dựng và phát triển, TSKH Phan Xuân Dũng cho biết bản thân đã gắn bó với ngành KH&CN hơn 40 năm, được chứng kiến sự trưởng thành của nền KH&CN nước nhà, nói đến ngày truyền thống của ngành KH&CN Việt Nam có vô cùng nhiều cảm xúc, đặc biệt là ấn tượng với những đóng góp, cống hiến của đội ngũ trí thức KH&CN vì đất nước, vì dân tộc.

Có thể nói, KH&CN đã có đóng góp vô cùng to lớn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam hiện nay không ngừng lớn mạnh, đầy đủ các tầng lớp từ các cháu thanh thiếu niên nhi đồng đến cán bộ khoa học trực tiếp làm các nhiệm vụ khoa học, các doanh nhân, doanh nghiệp... tạo sức lan tỏa đến toàn xã hội.

Theo TS Phan Xuân Dũng, sức mạnh của một đất nước, một dân tộc gắn liền với KH&CN, vị thế của một đất nước, một quốc gia được thể hiện thông qua trình độ KH&CN của đất nước, quốc gia đó. Việt Nam từ một nước chậm phát triển, khó khăn, nghèo nàn về kinh tế, hạn chế về hợp tác quốc tế... đã vươn lên trở thành nước có nền kinh tế trung bình, hội nhập sâu rộng và vị thế không ngừng được khẳng định trên trường quốc tế. Các nhà khoa học Việt Nam đã tạo nên những sản phẩm mang thương hiệu Việt, làm rạng danh đất nước, không chỉ rút ngắn khoảng cách với các nước tiên tiến trên thế giới mà còn tạo nên thứ bậc ngày càng cao và có uy tín trên thế giới.

"Cả cuộc đời gắn với khoa học, với đội ngũ trí thức KH&CN, đó là một chặng đường tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Hạnh phúc vì được cống hiến và khi cống hiến có kết quả được chấp nhận và ghi nhận. Tôi luôn tự hào khi là một thành viên của cộng đồng KH&CN Việt Nam", TS Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

Theo ông, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm đến đội ngũ trí thức cũng như đánh giá cao vai trò của đội ngũ trí thức trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Điều này được thể hiện thông qua các nghị quyết. Một trong những nghị quyết, chủ trương lớn của Đảng trong thời gian gần đây chính là Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng "Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước".

Nghị quyết số 27 có ý nghĩa rất quan trọng bởi đã đánh giá được những mặt được, những mặt hạn chế, đưa ra những quan điểm, giải pháp, định hướng phát triển cho đội ngũ trí thức trong thời kỳ mà đất nước bước vào một giai đoạn mới của 15 năm trước, đó là thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trên cơ sở Nghị quyết số 27, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chính sách, pháp luật dựa trên những giải pháp cơ bản là: phải tạo môi trường làm việc thuận lợi cho đội ngũ trí thức; trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh trí thức; tạo chuyển biến cơ bản trong đào tạo nguồn nhân lực; nêu rõ vai trò, trách nhiệm của trí thức. Đây chính là nền tảng quan trọng, động lực mạnh mẽ để đội ngũ trí thức hết lòng cống hiến tài năng, tâm huyết vào sự nghiệp xây dựng, phát triển của ngành KH&CN nói riêng và đất nước nói chung.

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27, TS Dũng nhận định đội ngũ trí thức của nước nhà đã lớn mạnh về cả số lượng và chất lượng, có những đóng góp lớn lao cho đất nước, đạt được những vị trí cao hơn không chỉ trong khu vực mà còn thế giới. Có thể khẳng định, không thể tách rời những kết quả của đất nước hơn 15 năm qua với sự đóng góp của đội ngũ trí thức. Tuy nhiên, đất nước ta hiện nay đang bước vào thời kỳ phát triển mới với những yêu cầu cao hơn, khó khăn hơn.

Để bắt kịp với sự phát triển và thay đổi của thế giới, đặc biệt là với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc đưa ra các quyết định chiến lược trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Chính vì vậy Đảng tiếp tục ban hành nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết số 27, đó chính là Nghị quyết 45 ngày 24.11.2023 về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. Từ đó đặt ra các yêu cầu mới, nhiệm vụ mới, giải pháp mới đối với đội ngũ trí thức hiện nay.

VUSTA đã trở thành một tổ chức chính trị - xã hội lớn mạnh

Ông Phan Xuân Dũng cho biết VUSTA dưới sự chỉ đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước qua hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành, đã trở thành một tổ chức chính trị - xã hội lớn mạnh, là một trong những hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương; thực hiện tốt chức năng tập hợp, đoàn kết đông đảo đội ngũ trí thức KH&CN trong và ngoài nước vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, VUSTA đã tập hợp được 93 hội ngành toàn quốc; 63 liên hiệp hội tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; 559 tổ chức KH&CN; khoảng 3,7 triệu hội viên, trong đó có trên 2,2 triệu trí thức, chiếm khoảng 32,5% số trí thức trong cả nước, là tổ chức KH&CN lớn nhất cả nước.

Đội ngũ trí thức VUSTA đã thực hiện các chức năng nhiệm vụ: Tư vấn, phản biện và giám định xã hội; Nghiên cứu khoa học; Hợp tác quốc tế; Truyền thông phổ biến kiến thức; Tôn vinh trí thức và tất cả các nhiệm vụ mà Đảng và nhà nước giao theo chức năng liên quan đến đội ngũ trí thức. Cũng chính vì vậy mà Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới VUSTA, tới đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam dưới mái nhà chung VUSTA, đã ban hành rất nhiều văn bản, nghị quyết, chủ trương, chính sách, tạo mọi điều kiện để VUSTA, đội ngũ trí thức VUSTA cống hiến.

Thực hiện Nghị quyết 45, Đảng đoàn VUSTA đã chủ động, khẩn trương nghiên cứu, quán triệt, xây dựng chương trình hành động để thực hiện bởi trong Nghị quyết 45 đã ghi rất rõ các nội dung, yêu cầu về đội ngũ trí thức KH&CN, cũng như những điều khoản riêng, yêu cầu riêng đối với VUSTA.

"VUSTA coi đó là niềm tự hào, là trách nhiệm và đã triển khai một cách rất tích cực nhằm đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để Liên hiệp Hội từ Trung ương đến địa phương, các hội ngành thành viên, các đơn vị trực thuộc tiếp tục củng cố tổ chức, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động; phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của đội ngũ trí thức; thu hút, tập hợp đoàn kết trí thức, phát triển tổ chức, phát triển hội viên; làm cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị với đội ngũ trí thức, góp phần quan trọng đưa KH&CN trở thành động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội", vị TSKH này nhìn nhận.

Nói về những khó khăn, thuận lợi và yêu cầu đặt ra đối với nhiệm vụ phát triển KH&CN trong thời gian tới, TS Dũng cho rằng, thời gian tới, nhiệm vụ phát triển KH&CN trong cả nước có rất nhiều thuận lợi, nhưng bên cạnh đó cũng có những khó khăn phải vượt qua. Về mặt thuận lợi có thể thấy chính là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và người dân đến KH&CN thông qua việc ban hành nhiều văn bản, chính sách quan trọng.

Trong đó, nổi bật là Nghị quyết 45 hay Kết luận số 69 ngày 11.1.2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20, ngày 1.11.2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

"Bên cạnh đó, phát triển bất cứ một lĩnh vực nào, đặc biệt với lĩnh vực KH&CN cần có nhân lực tốt và đầu tư tốt. Nguồn nhân lực của chúng ta về KH&CN trong thời gian vừa qua đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất lượng và số lượng. Tuy nhiên, ngành KH&CN Việt Nam cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức cần phải vượt qua", vị chuyên gia này khẳng định.

Thách thức thứ nhất là cơ chế chính sách còn một số tồn tại cần được tiếp tục đổi mới để phù hợp với tình hình mới, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ngũ trí thức phát huy khả năng và cống hiến cho đất nước.

Thứ hai là đội ngũ đã phát triển vượt bậc trong những năm qua nhưng để đáp ứng tốt những yêu cầu trong tình hình mới thì cần phải được tiếp tục củng cố về số lượng và nâng cao về chất lượng.

Thứ ba là Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa với các nước tiên tiến và phát triển trên thế giới. Nếu không tạo đà phát triển nhanh hơn và mạnh hơn thì khoảng cách này có thể sẽ ngày một xa hơn.

Thứ tư là trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, công nghệ phát triển như vũ bão, ở một mức độ chưa từng có. Việt Nam phải đưa KH&CN Việt Nam hội nhập, hòa chung với sự vận động của KH&CN thế giới, nhưng nguồn nhân lực của nước ta vẫn còn một khoảng cách so với đòi hỏi của thực tiễn.

Do đó, việc đầu tư chiều sâu để nâng cao nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là ở những lĩnh vực then chốt mà Việt Nam có thế mạnh cần được quan tâm nhiều hơn. Đồng thời, đội ngũ tri thức và những người làm khoa học cũng phải tận dụng tốt hơn những cơ hội, thuận lợi đang có để vượt qua thách thức và khó khăn.

"Từ những nhận thức đúng đắn cùng với quyết tâm chính trị lớn chúng ta mới có thể đáp ứng được những yêu cầu mới hiện nay. Và trên hết, sự ghi nhận, tin tưởng của Đảng, Nhà nước, người dân sẽ chính là điểm tựa để đội ngũ trí thức cống hiến tài năng, tâm huyết vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn phát triển mới", TS Phan Xuân Dũng cho hay.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/vi-the-cua-mot-dat-nuoc-duoc-the-hien-qua-trinh-do-khoa-hoc-cong-nghe-217383.html