Về Thiềng Liềng thở giấc bình yên

Thiềng Liềng đón chúng tôi bằng cái nắng đầu hè đỏng đảnh. Gió từ con sông Lòng Tàu thổi đến chỉ đủ làm dịu đi đôi phần của cơn oi bức. Quãng đường sông dài gần 2 tiếng đồng hồ mới chạm đến đảo nhỏ này. Thiềng Liềng có thể được xem như mảnh đất ngộ nghĩnh và lạ lùng nhất của TP Hồ Chí Minh. Có những người đi qua thăng trầm cả đời mình với mảnh đất phồn hoa đô hội này, vẫn ngơ ngác khi nghe hai chữ Thiềng Liềng.

Thủy lộ anh hùng của Đặc công nước Rừng Sác

Từ Bến Bạch Đằng, xuôi theo dòng sông Sài Gòn, đến ngã ba của Soài Rạp và Lòng Tàu, hai luồng sông cho phép tàu biển có tải trọng lớn đưa hàng hóa xuất nhập khẩu về TP Hồ Chí Minh. Bắt nguồn từ sự phân lưu của con sông Nhà Bè nhưng nếu nhắc đến Soài Rạp, dân thị thành nhớ ngay đến những chiến tích hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, và nay là hướng chính để hầu hết các tàu biển vào ra 4 cảng quốc tế ở Hiệp Phước như cảng container quốc tế SPTC, cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, Tân Cảng Hiệp Phước và cảng quốc tế Long An. Riêng nhánh Lòng Tàu lại âm thầm lặng lẽ hơn. Men theo nhánh sông này, thủy lộ dẫn chúng tôi ngang qua rừng ngập mặn với bạt ngàn đước xanh rì.

Hoàng hôn trên đảo Thiềng Liềng.

Chính tại con sông Lòng Tàu này, nhờ vào vị thế sông rộng, nước sâu và ổn định mà các chiến sĩ đặc công của Trung đoàn 10 đã làm nên những chiến tích lẫy lừng. Mãi đến năm 2011, bộ phim tài liệu “Trung đoàn 10 Rừng Sác anh hùng” của đạo diễn Cao Nguyên Dũng với 6 tập phim đã mang đến cho công chúng những câu chuyện oai hùng của những trận đánh nơi đây.

Theo lời kể trong hồi ký của ông Nguyễn Hữu Minh, trinh sát của Trung đoàn 10, trong trận đánh tàu Victoria vào năm 1966, các chiến sĩ phải ngày đêm bám trận địa trong khi dưới sông tàu địch đi tuần liên tục, trên trời máy bay quần thảo, còn trên bộ biệt kích phục dày hai bờ sông. Tháng 8/1966, tổ của ông Minh được lệnh xuất trận mang trái nổ vào trận chuẩn bị chọn thời điểm chính xác để đưa thủy lôi vào vị trí đánh. Đúng 8 giờ 8 phút ngày 2/8/1966, hai trái thủy lôi nổ tung, tàu Victoria bị chìm xuống lòng sông. Hôm sau, báo chí đưa tin chiếc tàu chìm mang theo 200 chiếc xe bọc thép M113, 26 chiếc xe tăng, 30 khẩu pháo, ba linh kiện máy bay phản lực, một số bom đạn còn nguyên đai nguyên kiện và hơn 100 lính Mỹ.

Ngoài ra Trung đoàn 10 Rừng Sác cũng bắn pháo vào lễ đài chính quyền Sài Gòn mừng ngày quốc khánh 1/11/1966 tại khu Nhà thờ Đức Bà; phá hủy 200.000 trái bom tại trận đánh kho bom thành Tuy Hạ (1972), đốt 14 triệu lít xăng của kho xăng Nhà Bè (1973) và đánh chìm nhiều tàu của đối phương tại cảng Nhà Bè. Đế quốc Mỹ ngày đó từng tuyên bố “làm cỏ, lột da rừng Sác” bằng những cuộc càn bắn giết đẫm máu, dội bom B52, pháo hạm và chất độc hóa học tiêu diệt rừng. Dù trong hoàn cảnh thiếu thốn khắc nghiệt, lực lượng mỏng, vũ khí hạn chế nhưng các chiến sĩ rừng Sác đều kiên trung lời thề: “Còn một người, còn trận địa”.

Ở tập phim cuối của bộ phim tư liệu “Trung đoàn 10 Rừng Sác anh hùng” với tựa đề “Ngày mới” là cảnh các chiến sĩ ngày xưa quay về con sông Lòng Tàu để thăm các đồng đội mình đã hóa thân thành sóng nước phù sa nằm yên trong lòng sông. Rất nhiều người trẻ tháp tùng đoàn viếng ngày đó hiểu thêm về con sông Lòng Tàu. Vậy nên, khi chúng tôi men theo Lòng Tàu đến với Thiềng Liềng đó là một thủy trình mới mẻ và háo hức chưa từng có, nhất là đối với những thị dân mà lần đầu nghe được thành phố mình có đảo trong đảo, có núi và có cả những ruộng muối thủ công.

Đảo trong đảo và đời trong muối

Nếu đi từ đường bộ, từ trung tâm TP Hồ Chí Minh phải đi về Cần Giờ, rồi qua con phà lớn đến đảo Thạnh An, từ đảo lớn này đi thêm chuyến đò nhỏ nữa mới cập vào đảo Thiềng Liềng. Hành trình này mất thời gian có khi cả ngày, bởi các phà và đò chạy theo giờ chứ không liên tục. Riêng đi bằng đường sông, phương án thử nghiệm mới này của TP Hồ Chí Minh thì có thể rút ngắn xuống còn 2 tiếng. Tuy vậy, chi phí cho một ca nô đi từ Bến Bạch Đằng cập vào đảo Thiềng Liềng là khá lớn. Vậy nên, với thị dân của Sài thành, Thiềng Liềng vì thế mà ít được biết đến. Ngay cả khi ngồi cùng các anh chị bạn bè làm du lịch, nói đến Thiềng Liềng họ còn ngờ ngợ về đảo xa này, chỉ lơ mơ biết đến nó thuộc Cần Giờ. Thậm chí có lần tôi nhắc hai từ này với nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa, cô tròn xoe mắt quả quyết đó là địa danh tôi tưởng tượng để sáng tác.

Thiềng Liềng có lẽ là nơi xa xôi nhất của TP Hồ Chí Minh. Mãi cho đến ngày 29/4/2016, ấp đảo này mới bắt đầu có điện từ Công trình cáp ngầm 22KV do Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư. Điện về, đời người đảo sáng lên những ước mơ. Đảo nằm trong đảo nên nước ngọt khá hiếm, tuần chỉ có 2 chuyến xà lan kéo nước về cho dân đảo. Đảo nhỏ vốn chỉ quẩn quanh về nghề làm muối truyền thống, dẫu chỉ hơn 200 hộ dân và 1.000 nhân khẩu nhưng năng suất muối hằng năm của Thiềng Liềng đạt ngưỡng 20 ngàn tấn.

Với giá tầm 40 ngàn đồng cho 1 giã muối, tương đương 38kg, người Thiềng Liềng vẫn thuộc diện nghèo cần hỗ trợ rất nhiều. Nghề muối trông chờ vào 6 tháng nắng, vậy nên cứ đến 6 tháng mưa, người đảo lại theo đò tìm về đất liền mưu sinh bằng những việc tay chân. Mấy chục năm nay, đời người Thiềng Liềng như đời muối, gieo mình vào những ruộng trắng, nương thân theo con nước mặn mà lam lũ phận mình.

Ruộng muối ở Thiềng Liềng.

Chúng tôi đi dọc các ruộng muối giữa một trưa nắng chói lóa. Những diêm dân vẫn cần mẫn tháo nước, rải mồi và cào muối. Cái nắng cái gió nhuộm lên đời diêm dân của đảo nhỏ màu da đen sạm, gương mặt cằn cỗi nhưng kỳ thực nụ cười của ai cũng thanh thản và bình an đến lạ. Họ sống chan hòa nghĩa tình với chuyện muối ban ngày và đờn ca tài tử ban đêm. Dân Thiềng Thiềng chủ yếu trôi dạt từ miền Tây thời chạy giặc đến đây. Chính tài bơi lội của họ cũng đã hỗ trợ cho các đặc công của Trung đoàn 10 Rừng Sác rất nhiều. Sau ngày đất nước thống nhất, họ chọn ở lại, gắn bó với đảo này, bởi trong muôn triệu phù sa đang vỗ yên đất này, có hương linh của ông bà, cha mẹ lẫn anh em họ.

Theo chiếc tàu nhỏ, chúng tôi tìm đến ngọn núi Giồng Chùa, ngọn núi duy nhất của TP Hồ Chí Minh. Khối đá andezit cao 15 mét nằm sâu trong những ruộng muối và được bao bọc bởi cánh rừng ngập mặn đầy đước, tràm, bần. Đứng trên đỉnh núi, một Thiềng Liềng thu nhỏ như vọng vang tiếng sóng vỗ lẫn trong tiếng gió reo. Chiều đó, chúng tôi cứ nhìn rừng, nhìn muối, nhìn sông mà thương Thiềng Liềng quá đỗi. Mảnh đất xa xôi của TP Hồ Chí Minh đẹp yên ả trong ánh chiều vàng phủ dần ruộng muối.

Phương tiện di chuyển quanh đảo nhỏ 4km theo hình oval này chủ yếu là xe đạp. Cứ vậy chúng tôi thong dong khắp đảo nhỏ trong tiếng chào của các em nhỏ học sinh tan trường. Đảo nhỏ này chỉ có một trường tiểu học. Chiều muộn, dọc bờ ruộng vẫn còn những diêm dân thoăn thoắt trên cánh đồng muối. Buổi tối, khi trăng treo tròn vằng vặc trên nền trời đen kịt, dân Thiềng Liềng hay tụ tập hát đờn ca tài tử. Tiếng hát chân phương với những điệu lý, câu hò, cùng nhạc tài tử Nam bộ như rót vào lòng đêm sự thanh bình ngọt ngào.

Vài năm gần đây, dân Thiềng Liềng bắt đầu làm du lịch cộng đồng. Chính từ việc ấp đảo này có một không khí trong lành, không khói bụi, cảnh quan đẹp và tình người nồng hậu đã bắt đầu khiến du khách tìm đến với đảo nhỏ này. Hôm chúng tôi ghé đảo Thiềng Liềng, đó là mùa trái si rô đang trổ đỏ cành. Từ trái si rô, người Thiềng Liềng làm thức uống với đá, ủ rượu và làm ra nhiều món uống rất đặc biệt.

Đêm ngủ với Thiềng Liềng tôi lắng nghe trong âm ba tiếng sóng của đảo xa là tiếng thở rất bình yên của chúng tôi, những thị dân Sài thành lần đầu ghé đến Thiềng Liềng.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/ve-thieng-lieng-tho-giac-binh-yen-i730083/