Về thăm nhà Bác

(QBĐT) - Về thăm nhà Bác, làng Sen

Có hàng râm bụt thắp lên lửa hồng

Có con bướm trắng lượn vòng

Có chùm ổi chín vàng ong sắc trời.

Ngôi nhà thuở Bác thiếu thời

Nghiêng nghiêng mái lợp bao đời

nắng mưa

Chiếc giường tre quá đơn sơ

Võng gai ru mát những trưa nắng hè.

Làng Sen như mọi làng quê

Ngôi nhà lẫn với hàng tre bóng tròn.

Kìa hàng hoa đỏ màu son,

Kìa con bướm trắng chập chờn như mơ.

Nhà thơ Quân đội Nguyễn Đức Mậu nổi tiếng với những trường ca và bài thơ viết về chiến tranh và người lính. Ông cũng là người dành cho lứa tuổi thiếu nhi những món quà thơ xinh xắn, hồn nhiên có sức gợi, dẫn dắt các em vào một thế giới thiên nhiên trong sáng, lan tỏa một tình yêu thương trìu mến. Bài thơ “Về thăm nhà Bác” được viết theo nhịp thơ lục bát dung dị với những chi tiết chọn lọc sống động, hợp với sự quan sát của tư duy trẻ nhỏ, để từ đó gợi lên những liên tưởng chắp cánh cho hình tượng thơ bay lên với trí tưởng tượng của các em.

Mở đầu bài thơ là sự giới thiệu tuần tự như một câu chuyện kể để bước vào một không gian của làng Sen quê Bác mà còn được gọi là quê chung cho mọi nhà, mọi người dân đất Việt: “Về thăm nhà Bác, làng Sen/Có hàng râm bụt thắp lên lửa hồng”. Bắt đầu một sắc đỏ, sắc hồng ấm lòng. Ở đây chữ “thắp” thường được dùng để thắp đèn, thắp lửa thì màu hoa râm bụt thắp thật sống động hơn là nở như có cả một sức sống lấp lánh bừng lên.

Cứ thế, những sắc màu được đan xen nhau như một bức họa tươi tắn: “Có con bướm trắng lượn vòng/Có chùm ổi chín vàng ong sắc trời”. Màu trắng của bướm, màu vàng của ổi, màu đỏ của hoa cũng chính là những màu sắc đặc trưng của hoa sen quê Bác. Hình ảnh bướm bay lượn vòng tạo ra một sự náo nức, hồ hởi, xôn xao trong bước chân các em và mọi người về thăm quê Bác. “Vàng ong” của ổi là một phát hiện tinh tế. Đây là sắc vàng chín ngọt của ổi hòa trong sắc nắng màu mật ong, của đất trời, một sự giao hòa thấm đẫm, thắm thiết lòng người.

Ta chú ý đến bố cục của bài thơ. Khổ đầu có 4 câu miêu tả với những hình ảnh chọn lọc của không gian vườn Bác. Tiếp đến khổ thơ 4 câu thứ hai, ống kính tâm hồn của nhà thơ đã đồng cảm đưa các em gần lại cận cảnh hình ảnh ngôi nhà tranh với những đồ dùng sinh hoạt đơn sơ giản dị: “Ngôi nhà thuở Bác thiếu thời/Nghiêng nghiêng mái lợp bao đời nắng mưa”. “Lợp nắng mưa” là một hình ảnh liên tưởng so sánh giàu sức gợi lay thức mở ra một không gian tâm trạng để các em hiểu thêm về dấu vết của thời gian năm tháng với cuộc đời con người.

Nhà thơ chỉ chọn hai chi tiết “Chiếc giường tre quá đơn sơ/Võng gai ru mát những trưa nắng hè”. Võng gai khá quen thuộc với các em ngay từ bé thơ. Và ở đây cánh võng làng Sen đã ru Bác bằng những làn điệu dân ca cội nguồn. Ta ngỡ như gặp lại ngôi nhà rất quen thuộc của nông thôn Việt Nam. Chính cái nôi ấy đã nuôi dưỡng một vĩ nhân lớn lên bằng sự đùm bọc, yêu thương của xóm làng thôn quê đất Việt. Chiếc võng gai ấy, chiếc giường tre ấy đã cho các em biết thêm về sự giản dị, thanh cao cuộc đời của Bác ngay từ thưở ấu thơ và cả sau này.

Khổ thơ cuối cho ta hình dung những suy tưởng sau khi đến thăm nhà Bác đó là một nhận xét so sánh rất trực cảm và gần gũi: “Làng Sen như mọi làng quê/Ngôi nhà lẫn với hàng tre bóng tròn”. Đó là một địa chỉ văn hóa quen thuộc, một sự khiêm nhường, đức độ hòa mình với thiên nhiên, một thiên nhiên sum vầy mà quấn quýt, yêu thương. Từ ngôi nhà bước ra, nhà thơ như thật bất ngờ gặp lại và hồn thiên thốt lên: “Kìa hàng hoa đỏ màu son/Kìa con bướm trắng chập chờn như mơ”. Thực và ảo cứ đan xen nhau như một cây chuyện cổ tích có hậu, một lưu luyến, một bịn rịn, một xao xuyến như không muốn rời xa ngôi nhà của Bác.

Bài thơ như một bức tranh với những nét cọ tinh tế, hòa sắc thật sống động mà vẫn rất hồn nhiên, gần gũi, quen thuộc. Quê Bác giống như bao làng quê nông thôn Việt Nam thu nhỏ. Ngôi nhà của Bác giống như bao ngôi nhà ở những miền quê thân yêu. Ta có cảm giác như thấy hình bóng Bác đâu đây với những nét bình dị, thanh cao mà có sức lan tỏa bởi vẻ đẹp của phong cách Bác Hồ với cuộc sống đời thường giản dị mà ấm áp, chân tình biết bao.

Bài thơ khép lại nhưng dư âm vẫn còn vang xa như giai điệu trong bài hát “Bác về thăm quê” của nhạc sĩ Thuận Yến thật thiết tha, ân tình: “Đi khắp phương trời vẫn nhớ tới quê hương/Người về đây thăm làng Trù quê mẹ, làng Sen quê cha/Xúc động bồi hồi Người rơi giọt lệ/Thương mái nhà tranh thương đất mẹ nghèo/Đi suốt cuộc đời mới được thăm quê hương/Gặp lại tiếng thoi mẹ ngồi dệt cửi/Gặp lại giọng trầm đêm trăng cha làm thơ/Gặp lại tuổi thơ khi nghe hát câu đò đưa...”.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202405/tho-chon-loi-binh-ve-tham-nha-bac-2218114/