Vận dụng sáng tạo các hình thức chiến thuật

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, vận dụng chiến thuật tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc, việc tổ chức và sử dụng lực lượng đột phá của ta có sự phát triển vượt bậc.

Lực lượng tham gia chiến dịch được huấn luyện và trang bị đầy đủ với quy mô lớn hơn, tổ chức hoàn chỉnh hơn, sức mạnh đột phá và khả năng chiến đấu liên tục cao hơn. So với trận Đông Khê trong Chiến dịch Biên giới (năm 1950) thì trong trận Him Lam (tháng 3-1954), ta đã huy động và tập trung hỏa lực gấp 3 lần, xây dựng trận địa xuất phát tiến công vững chắc, hiệp đồng chặt chẽ nhiều binh chủng với một kế hoạch thống nhất. Với chiến thuật công kiên và đột phá lần lượt vào các cứ điểm, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định tập trung binh lực gấp 5-6 lần địch để tiêu diệt các cứ điểm của chúng. Đặc biệt, ta sử dụng pháo bắn thẳng hơn địch tới 6 lần, tập trung đánh xong cụm cứ điểm Him Lam rồi mới chuyển sang đánh cụm cứ điểm Độc Lập.

Với phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, bên cạnh phương pháp đánh “bóc vỏ”, “đánh từng bước” đồng thời với tiến công đánh chiếm từng cứ điểm, cụm cứ điểm, tổ chức phòng ngự giữ vững các điểm cao, mục tiêu đã chiếm được, ta còn tổ chức bao vây, lấn dũi các mục tiêu kế tiếp và tạo thế trận để mở các trận, đợt tiến công tiếp theo. Kết hợp với hệ thống giao thông hào, chiến hào, trận địa xuất phát tiến công được thiết lập bám sát các cứ điểm, cụm cứ điểm địch, trong từng trận, đợt chiến dịch, ta đều sử dụng lực lượng và hỏa lực pháo binh tập trung, tạo ưu thế hơn hẳn địch.

 Xe tăng địch phản kích trên đồi A1 bị quân ta bắn cháy trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Xe tăng địch phản kích trên đồi A1 bị quân ta bắn cháy trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Rút kinh nghiệm trong trận tiến công mở màn vào cụm cứ điểm Him Lam, trong trận thứ hai tiến công đồi Độc Lập, Trung đoàn 165 (Đại đoàn 312) và Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) thực hiện đột phá kết hợp với thọc sâu nhanh chóng đánh vào trận địa hỏa lực, sở chỉ huy địch. Trong đợt 2, những mũi thọc sâu tiếp tục được sử dụng trong tiến công vào các điểm cao phía Đông tập đoàn cứ điểm, những trận địa pháo và các đơn vị cơ động nằm bên tả ngạn sông Nậm Rốm... khiến quân địch luôn trong tình trạng bị uy hiếp cả trước mặt và sau lưng.

Chiến thuật này cũng được sử dụng trong những trận tiến công tiêu diệt các cứ điểm của địch như C1, D1, E, A1 và một phần C2, một số cứ điểm ở phía Tây và Tây Bắc sân bay Mường Thanh như các điểm cao 106, 311, 105. Với phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, thế trận vây hãm kết hợp với chiến thuật đánh lấn, đào hào, bắn tỉa, luồn sâu đánh phá kho tàng... không chỉ khiến địch tổn thất lớn về sinh lực mà còn căng thẳng về tinh thần, tạo ra thế trận tổng công kích vào trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Để bảo đảm đánh thắng, Bộ chỉ huy chiến dịch tập trung Đại đoàn 312, Đại đoàn 316 cùng phần lớn hỏa lực bắn thẳng và pháo binh đồng loạt khai hỏa vào các mục tiêu trong khu vực tác chiến chủ yếu. Trong mỗi trận đánh, ta đã tập trung lực lượng hơn địch từ 2,2 đến 3,8 lần, pháo bắn thẳng và pháo chi viện từ 4 đến 7 lần để tiêu diệt các trung tâm đề kháng của địch. Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) và Trung đoàn 141 (Đại đoàn 312) tổ chức lực lượng đào hào cắt ngang sân bay Mường Thanh ở phía Nam cứ điểm 206.

Từ hạ tuần tháng 4-1954, ta đã cắt đôi sân bay địch; vây lấn diệt hai vị trí sát sân bay (cứ điểm 105 và 205); đưa pháo cao xạ tiến sâu vào cánh đồng Mường Thanh khống chế không phận; tổ chức bắn tỉa rộng khắp và thường xuyên. Với cách đánh hiểm này, ta đã bóp nghẹt nguồn tiếp tế của địch, đưa chúng vào trạng thái thiếu thốn, căng thẳng, suy sụp, tạo điều kiện thuận lợi cho tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch.

CÔNG PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/van-dung-sang-tao-cac-hinh-thuc-chien-thuat-777273