Ứng phó với nguy cơ hạn hán

Theo dự báo của các cơ quan khí tượng thủy văn, trong các tháng đầu năm 2024, hiện tượng El Nino còn tiếp tục duy trì, dự báo trên địa bàn tỉnh từ nay đến tháng 6 năm 2024, khả năng cao lượng dòng chảy trên các sông, suối về hồ chứa trên các lưu vực sông ở mức thấp và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Vì vậy, các giải pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước được các đơn vị, địa phương quan tâm thực hiện.

Công nhân Xí nghiệp Thủy nông Đoan Hùng kiểm tra, sửa chữa hệ thống máy bơm đẩy, đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Công nhân Xí nghiệp Thủy nông Đoan Hùng kiểm tra, sửa chữa hệ thống máy bơm đẩy, đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Trong điều kiện ảnh hưởng của El Nino thường gây thiếu hụt lượng mưa phổ biến từ 25-50% ở hầu hết các vùng trên cả nước, trong đó có tỉnh Phú Thọ. Theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn khu vực miền núi phía Bắc, trên địa bàn tỉnh từ tháng 5-10 năm nay, nhiệt độ có thể cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-10C. Vì vậy, nguồn nước để cấp cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt có thể bị ảnh hưởng do tác động của thời tiết, thủy văn. Trước diễn biến khó lường của thời tiết, thiên tai, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông tin dự báo khí tượng thủy văn. Đồng thời, chủ động triển khai giải pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước phù hợp với diễn biến thực tế tại từng thời điểm, từng khu vực.

Trên địa bàn tỉnh, lưu vực sông Lô hiện có trên 540 công trình tưới, lưu vực sông Đà có 156 công trình tưới, lưu vực sông Thao có trên 1.300 công trình tưới và nhiều công trình tạm khác. Theo tính toán của ngành Nông nghiệp, diện tích có thể bị ảnh hưởng bởi thiếu nước, hạn hán khoảng trên 1.000ha. Sở NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh giai đoạn từ năm 2023-2025. Trong đó, chú trọng vào các giải pháp quản lý, sử dụng hợp lý nguồn nước; duy tu, sửa chữa, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi bị hư hỏng. Tổ chức sản xuất theo hướng chủ động, bền vững, trên cơ sở nhận định thời tiết của từng vụ, từng năm, hiện trạng nguồn nước để xác định diện tích sản xuất, lịch thời vụ và cơ cấu giống linh hoạt, phù hợp với khả năng nguồn nước.

Tại huyện Thanh Sơn, Xí nghiệp Thủy nông huyện đang quản lý trên 210 công trình thủy lợi, trong đó có 15 hồ, đập vừa và lớn, 396km kênh mương. Diện tích tưới, tiêu Xí nghiệp đang phục vụ đạt 14.370ha, trong đó diện tích tưới theo hợp đồng đạt trên 7.400ha/3 vụ/năm. Ông Hoàng Văn Công - Giám đốc Xí nghiệp cho biết: “Hàng năm, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án thực hiện công tác vận hành, khai thác, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống trạm bơm, kênh mương trên địa bàn. Cùng với đó, bám sát lịch thời vụ, diện tích sản xuất, xây dựng phương án cấp nước phục vụ sản xuất; chuẩn bị đầy đủ máy bơm, nhiên liệu để lắp đặt máy bơm dã chiến, hạ thấp cao trình máy bơm, nối dài đường ống hút nước... trong trường hợp mực nước sông xuống thấp”.

Đối với cấp nước sinh hoạt, các đơn vị cấp nước cũng đã xây dựng kế hoạch đảm bảo cấp nước sinh hoạt, có kế hoạch phân phối nước cụ thể cho từng giai đoạn và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt.

Để chủ động ứng phó kịp thời, có hiệu quả với nguy cơ hạn hạn, thiếu nước, đặc biệt là đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất thời kỳ nắng nóng cao điểm, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 3/CT-UBND ngày 23/4/2024 về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu Sở NN&PTNT, các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành, thị kiểm kê, nắm bắt thông tin về nguồn nước để cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước phù hợp với kịch bản nguồn nước. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh. Rà soát, đánh giá khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi, nạo vét kênh mương, hồ chứa. Triển khai kịp thời, có hiệu quả giải pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước; trường hợp thiếu nước, không đảm bảo cung cấp đủ cho các nhu cầu sử dụng phải ưu tiên cấp đủ nước cho sinh hoạt và các nhu cầu thiết yếu khác.

Do tác động của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, nắng nóng, hạn hán ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân. Để giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, cùng với sự vào cuộc của các ngành, cơ quan chức năng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong sử dụng tiết kiệm nước và có biện pháp chủ động ứng phó trong sản xuất, sinh hoạt.

Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/ung-pho-voi-nguy-co-han-han-211901.htm