Tuyển sinh đại học năm 2024: Nhiều điểm mới, thêm cơ hội!

Một trong những điểm nhấn của mùa tuyển sinh năm 2024 là nhiều trường đã mở ngành đào tạo mới liên quan đến ngành thiết kế vi mạch bán dẫn để đón đầu xu thế đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam.

Nhiều trường mở ngành thiết kế vi mạch bán dẫn

Mùa tuyển sinh năm 2024 chứng kiến một thực tế, nhiều trường đại học có khuynh hướng mở thêm các ngành đào tạo kỹ thuật, thậm chí, các trường có truyền thống đào tạo kinh tế như Đại học Ngoại thương Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân cũng mở các chuyên ngành đào tạo kỹ thuật.

Nhưng điểm nhấn lớn nhất có thể thấy, nhiều trường chú trọng mở rộng, mở mới, đào tạo thêm ngành vi điện tử, thiết kế vi mạch bán dẫn. Đây là điều không gây bất ngờ, bởi hiện nay nhu cầu về nguồn lực của ngành này đang rất cao khi nhiều doanh nghiệp lớn ở nước ngoài đang đầu tư và tìm hiểu đầu tư lĩnh vực này ở Việt Nam. Theo ghi nhận của phóng viên, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng dự kiến mở mới 1 ngành là Kỹ thuật điện tử viễn thông (chuyên ngành Vi điện tử - Thiết kế vi mạch); Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Đại học Đà Nẵng tuyển mới 4 ngành/chuyên ngành, trong đó có Thiết kế vi mạch bán dẫn; Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng; Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) bắt đầu tuyển sinh ngành công nghệ vi mạch bán dẫn.

Ngoài ra, các trường có truyền thống như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh… vốn đã có thế mạnh về đào tạo ngành điện tử viễn thông dự kiến sẽ mở rộng đào tạo thêm chuyên ngành thiết kế vi mạch. Việc nhiều trường chú trọng mở ngành, củng cố và mở rộng đào tạo ngành thiết kế vi mạch không phải là việc ngẫu nhiên mà điều này xuất phát từ nhu cầu phát triển của quốc gia.

Chia sẻ thêm về lý do mở ngành mới, với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, PGS.TS Nguyễn Hồng Hải - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho biết, từ năm 2024, trường sẽ mở thêm chuyên ngành “Vi điện tử - Thiết kế vi mạch” dự kiến tuyển khoảng 100 chỉ tiêu. Theo Nghị quyết số 124 của phiên họp thường kỳ chính phủ tháng 7/2023, Thủ tướng có kết luận giao Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, trong đó dự kiến đào tạo khoảng 30 - 50 nghìn nhân lực, chuyên gia cho ngành công nghiệp bán dẫn.

“Việc đào tạo kỹ sư có thể đáp ứng yêu cầu làm việc trong các công ty thiết kế vi mạch bán dẫn đã được Nhà trường đào tạo từ khá lâu. Nhiều sinh viên tốt nghiệp các ngành Điện tử viễn thông, Hệ thống nhúng, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Kỹ thuật cơ điện tử, Công nghệ thông tin của trường đang làm việc tại nhiều công ty liên quan đến thiết kế vi mạch như Synopsys, Renesas, Savarti,.... trên địa bàn Đà Nẵng” – ông Nguyễn Hồng Hải chia sẻ.

Cũng theo vị này, để có thể đáp ứng nhu cầu đào tạo tăng cao trong thời gian tới, Nhà trường sẽ ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống phòng lab và đào tạo tăng cường đội ngũ giảng viên trình độ cao thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn và chuyên sâu.

Bình luận về xu hướng này, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc nhiều trường đại học đi vào các lĩnh vực đào tạo cốt lõi, muốn đào tạo ra nguồn nhân lực chuyên sâu cho một lĩnh vực nhiều cơ hội như công nghiệp chip bán dẫn là tín hiệu rất đáng mừng. Trước đây, các trường thường đổ xô đào tạo các chuyên ngành kinh tế. Vì để mở chuyên ngành đó thì đầu tư cho cơ sở vật chất không cần nhiều, trong khi lại hút được thí sinh do thị hiếu từ phía phụ huynh và học sinh. Nhưng hiện nay, việc đào tạo kỹ thuật cần đầu tư bài bản từ cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, chương trình chuyên sâu tốn rất nhiều vốn. Do đó, việc có nhiều trường tham gia đào tạo là điều rất tích cực.

Cần chiến lược tổng thể

Thực tế, ngành đào tạo liên quan đến thiết kế vi mạch bán dẫn không hề mới lạ ở Việt Nam. Nhiều trường đại học Việt Nam cũng đã có truyền thống đào tạo về lĩnh vực này. Theo Giáo sư Nguyễn Đình Đức, hiện nay có khoảng 35 trường có chương trình đào tạo hoặc chuyển đổi từ những nhóm ngành nghề liên quan đến bán dẫn và vi mạch, trong số đó có 11 trường có các chương trình đào tạo truyền thống sát với lĩnh vực bán dẫn và vi mạch này.

Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, với sứ mệnh thực hiện nghĩa vụ quốc gia, đang triển khai đào tạo khoảng 20 ngành đào tạo liên quan đến lĩnh vực bán dẫn như: Điện tử viễn thông, Kỹ thuật điện tử, Kỹ thuật máy tính, Vật lý, Vật liệu điện tử, Vật lý vô tuyến và điện tử, Cơ điện tử, công nghệ thông tin… Với đội ngũ chuyên gia đầu ngành, kinh nghiệm thực hiện các đề tài dự án và kinh nghiệm hợp tác quốc tế, thực hiện đào tạo các khâu thiết kế, chế tạo, đóng gói, kiểm thử, phát triển ứng dụng trong chuỗi giá trị bán dẫn.

 Nhiều trường đại học đầu tư mở rộng đào tạo các ngành liên quan đến công nghệ, kỹ thuật là một tín hiệu rất đáng mừng.

Nhiều trường đại học đầu tư mở rộng đào tạo các ngành liên quan đến công nghệ, kỹ thuật là một tín hiệu rất đáng mừng.

“Nếu Việt Nam hướng đến thiết kế chip thì các lĩnh vực cần đầu tư đào tạo thêm là Kĩ thuật điện tử, Kỹ thuật máy tính, Vật lý. Còn nếu hướng đến chế tạo chip thì phải có Vật lý, Tự động hóa, Điện tử… Còn hướng tới đóng gói chip là Điện tử, Hóa, Tự động hóa… Như vậy phân khúc thị trường sẽ yêu cầu các ngành đào tạo phù hợp. Tóm lại là cần có một kịch bản và chiến lược quốc gia trong lĩnh vực này” - Giáo sư Nguyễn Đình Đức nêu.

Cũng theo Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Việt Nam cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, đồng hành với các cơ sở đào tạo trong phát triển nguồn nhân lực; Thu hút nhà nghiên cứu giỏi trong và ngoài nước trong lĩnh vực tham gia giảng dạy tại các trường đại học; Huy động nguồn lực và đội ngũ trí thức Việt kiều. Đồng thời cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm đảm bảo chất lượng đào tạo; tăng cường đầu tư các đề tài, dự án nâng cao năng lực nghiên cứu trong các lĩnh vực liên quan;

Đặc biệt cần có chính sách và nguồn lực để hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu quốc tế, các trung tâm xuất sắc trong các lĩnh vực liên quan đến vi mạch và bán dẫn trong các trường đại học, viên nghiên cứu và cả trong các doanh nghiệp. Mặt khác, các trường Đại học cũng cần thống nhất với nhau quy hoạch, rà soát và xây dựng các chương trình đào tạo theo các định hướng như đã đề cập trên đây; chia sẻ giáo trình, học liệu, phần mềm thiết kế trong các đơn vị đào tạo.

Như vậy có thể thấy, đào tạo gắn với nhu cầu, yêu cầu phát triển của đất nước là hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, muốn đi được xa, các trường đại học Việt Nam cần hợp tác, chia sẻ cùng nhau để xây dựng một chiến lược tổng thể tầm quốc gia. Chỉ khi làm được điều đó, thì các trường đại học mới đào tạo ra được một thế hệ kỹ sư chất lượng cao, tạo ra nguồn nhân lực làm điểm tựa cho sự phát triển của các ngành công nghiệp.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-nam-2024-nhieu-diem-moi-them-co-hoi-post281388.html