Tuyên Quang in dấu chân Người

Hàng năm, cứ mỗi độ tháng 5 về, mỗi chúng ta lại bồi hồi, xúc động nhớ đến Bác với tấm lòng trân trọng, thành kính và biết ơn sâu sắc vị lãnh tụ kính yêu mà dân tộc Việt Nam vẫn gọi thân thương hai tiếng Bác Hồ. Với Tuyên Quang Bác đã từng ở và làm việc gần 6 năm với trên 20 địa điểm khác nhau, mỗi nơi Bác ở vẫn in đậm hình bóng và hơi ấm của Người.

Về Tân Trào nhớ Bác

Những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi về Tân Trào (Sơn Dương), nơi đây lưu giữ những di tích, những tư liệu lịch sử vô giá về Bác Hồ và Trung ương Đảng những ngày tiền khởi nghĩa và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Mỗi địa danh, mỗi hình ảnh, con suối, cây rừng, ngôi nhà đều gắn với một sự kiện lịch sử, một câu chuyện về Bác Hồ.

Ông Hoàng Ngọc, thôn Tân Lập, xã Tân Trào kể lại, khi mới về Tân Trào Bác ở nhà ông Tiến Sự được 1 tuần rồi mới lên lán Nà Nưa, chân núi Hồng. Những ngày Bác ở thôn, Bác luôn gần gũi, chan hòa, từ già trẻ lớn bé ở trong làng đều yêu quý Bác và gọi Bác là ông Ké. Ngoài thời gian làm việc, Bác Hồ dành sự quan tâm, thăm hỏi mọi người trong làng. Người còn cùng với bà con lao động, nói chuyện động viên bà con hăng hái tăng gia sản xuất. Bác thăm đồng, thấy bờ ruộng có nước chảy Bác liền lội xuống đắp bờ. Trong thôn có đám cưới Bác cũng có quà mừng. Cơm không có canh Bác lấy nước chè chan cơm. Đó là những hình ảnh, ấn tượng về Bác mà ông Ngọc nhớ nhất.

Ngày 20/3/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lại đình Tân Trào, nơi Người đã chủ trì Quốc dân Đại hội, quyết định Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng.

Ngày 20/3/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lại đình Tân Trào, nơi Người đã chủ trì Quốc dân Đại hội, quyết định Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng.

Lán Nà Nưa, căn lán đơn sơ, mộc mạc ẩn mình dưới tán cây xanh, xung quanh là tre trúc um tùm gợi lên khung cảnh tĩnh lặng, gần gũi mà thơ mộng. Đây là nơi mỗi người dân Việt Nam khi đến đều cảm nhận như gặp hình ảnh vị Cha già kính yêu của dân tộc. Bên lán Nà Nưa, Bác Hồ đã soạn thảo những chỉ thị, kế hoạch quan trọng cho cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám. Sự giản dị mà vĩ đại, gian khổ mà thành công là những điều mỗi người khi đến đây đều cảm nhận được, học được ở Bác Hồ.

Năm tháng qua đi, Tân Trào - Quê hương cách mạng dựng nên Cộng hòa không ngừng chuyển mình đi lên. Cây cầu Trắng trước đây chỉ đủ cho một ô tô đi qua nay đã có thêm cây cầu mới to đẹp hơn. Hiện nay, xã Tân Trào đang triển khai thực hiện Dự án Làng Văn hóa du lịch và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào. Xã Tân Trào cũng đang phấn đấu xây dựng và hoàn thiện các chỉ tiêu, đạt tiêu chuẩn đô thị loại V trong giai đoạn 2026 - 2030.

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tân Lập Trương Văn Trình cho biết, thôn Tân Lập được công nhận là “Làng Văn hóa” từ năm 2005 đến nay. Chúng tôi tự hào là người con quê hương Cách mạng, tự hào về những đóng góp nhỏ bé vào thắng lợi vĩ đại của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cho sự phát triển của đất nước hôm nay...

Khắc ghi bóng hình Bác

Làng Sảo xưa chỉ là một xóm nhỏ với hơn chục nóc nhà của đồng bào dân tộc Tày. Nơi này vốn chủ yếu là rừng rậm, nhưng có nhiều đường mòn đi lại thuận tiện đến nhiều nơi trong cả vùng ATK - Tân Trào, sang Đại Từ, Định Hóa (Thái Nguyên). Theo các tài liệu ghi lại, những ngày đầu Bác Hồ ở và làm việc tại nhà ông Ma Văn Hiến. Đến cuối tháng 4-1947, Bác chuyển lên ở và làm việc tại căn lán nhỏ của gia đình bà Đinh Thị Tư ở cánh đồng Củ Đại, sát chân núi Lim.

Những căn lán nhỏ, nơi ở và làm việc của Bác Hồ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ năm xưa ở Làng Sảo nay đã trở thành di tích lịch sử quan trọng. Ngôi nhà cũ của ông Ma Văn Hiến, Bác Hồ đã ở và làm việc ngày đầu về Làng Sảo đã được thay bằng ngôi nhà mới khang trang. Duy chỉ có giếng nước Bác Hồ thường ra lấy nước, tắm giặt vẫn còn nguyên vẹn. Năm 2010, Khu di tích Làng Sảo đã được phục hồi, bảo tồn, gồm: xây dựng nhà bia tổng thể, các bia ghi dấu sự kiện Bác Hồ đã ở, làm việc tại gia đình ông Ma Văn Hiến, lán Bác và các cơ quan, bộ, ngành Trung ương đã từng ở đây.

Những người đã từng chứng kiến khoảng thời gian Bác Hồ ở và làm việc tại Làng Sảo nay đều đã không còn, nhưng những câu chuyện về Bác ở Làng Sảo vẫn được người dân nhắc đến. Ở Làng Sảo gắn liền với câu chuyện Bác Hồ đặt tên cho những người lính cận vệ Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, định, Thắng, Lợi. Trong thời gian theo Bác về Làng Sảo, ông Trường đã đem lòng yêu cô gái Tày là Vi Thị Hồi và được Bác tác hợp. Đám cưới của ông Trường và bà Hồi được tổ chức ngay tại Làng Sảo và được Bác Hồ tặng quà cưới cho hai người.

Ông Hoàng Ngọc kể lại những năm tháng Bác Hồ ở Tân Trào.

Ông Hoàng Ngọc kể lại những năm tháng Bác Hồ ở Tân Trào.

Ông Vi Văn Mạnh, thôn Làng Sảo bồi hồi kể, theo các cụ trong thôn kể lại, thời gian Bác Hồ ở đây, đường đi vô cùng vất vả, chủ yếu là đường mòn nhỏ thường xuyên lầy lội. Bà con thương Bác phải đi lại vất vả nên cho Bác mượn con trâu để cưỡi. Bà con trong thôn cũng thường đem lương thực đến tiếp tế cho Bác và các đồng chí cán bộ, Bác từ chối không nhận nhưng nể tình cảm của bà con, Bác nhận rồi lại bảo các đồng chí cận vệ đem biếu lại những hộ còn khó khăn trong thôn.

Thôn Làng Sảo từ hơn chục ngôi nhà của đồng bào Tày cách đây 77 năm, giờ đã có trên 200 hộ. Năm 2022, Làng Sảo cùng với toàn xã Hợp Thành đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bà con trong thôn luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn minh, thôn nhiều năm liền đạt danh hiệu Thôn văn hóa.

Không chỉ có Tân Trào, Làng Sảo, trong gần 6 năm ở trên 20 địa điểm khác mỗi nơi Bác đến để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân. 73 năm trước, xã Kim Bình (Chiêm Hóa) vinh dự được Bác và Trung ương Đảng chọn là nơi tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng.

Thời gian này Bác Hồ đã đến ở và làm việc tại căn lán nhỏ trên đồi Cốc Xá, thôn Khun Mạ, xã Kiên Đài. Khi ở Kim Bình, Bác Hồ làm việc ban ngày tại khu Đại hội, tối về nghỉ tại một gia đình ở thung lũng Khau Tao, cách đó khoảng 1 km. Những lúc bận rộn, Bác nghỉ tại một căn lán nhỏ nơi làm việc. Bà con nơi đây luôn nhớ hình ảnh Bác thường mặc bộ áo chàm giống đồng bào địa phương, đồng cam cộng khổ với bà con, không quên thể dục rèn luyện sức khỏe hằng ngày.

Thôn Làng Chương, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) là nơi Bác Hồ và các đồng chí cán bộ lãnh đạo cách mạng từng ở và hoạt động. Đến Bản Chương hôm nay, ngôi nhà Bác Hồ từng ở, gốc cây thị Bác nghỉ chân không còn nữa nhưng những câu chuyện kể về Bác Hồ với người dân địa phương vẫn sống mãi với thời gian. Bác đã ở tại nhà ông Hà Văn Thịnh và bà Ma Thị Thúy.
Nhà văn Phù Ninh đã có nhiều thời gian dày công nghiên cứu tìm hiểu về những năm tháng Bác Hồ ở và làm việc tại Tuyên Quang.

Với ông viết về Bác ở Tuyên Quang là niềm cảm hứng là trách nhiệm, tình cảm, sự kính trọng của một người con dân Tuyên Quang đối với Bác. Trong 60 năm công tác và sinh sống tại Tuyên Quang ông đã có nhiều tác phẩm viết về Bác Hồ, về những địa danh chiến khu cách mạng.

Nhà văn Phù Ninh chia sẻ, cùng với xã Tân Trào, các xã Hợp Thành, Trung Yên, Kim Bình, Kiên Đài… những nơi Bác đã ở và làm việc trong những ngày tiền khởi nghĩa và kháng chiến chống thực dân Pháp là những di sản vô giá mà Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang có trách nhiệm gìn giữ, phát huy. Giữ gìn những di sản đó để du khách cả nước đến với Tân Trào hôm nay vẫn như được thấy lại hình bóng của Bác, một “địa chỉ đỏ” để thế hệ trẻ hướng về.

Bài, ảnh: Thanh Phúc

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/tuyen-quang-in-dau-chan-nguoi-192143.html