Từng bước đưa sinh vật cảnh trở thành ngành kinh tế đặc biệt

(ABO) Ngày 18-2, Hội Sinh vật cảnh (SVC) tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng các cơ sở hội đã khắc phục khó khăn, giao lưu kỹ thuật, trao đổi, mua bán qua mạng Internet. Đồng thời, có nhiều hoạt động trưng bày, tham gia hội thi SVC tại các ngày lễ, kỷ niệm, hội hoa xuân các tỉnh đạt hàng trăm giải thưởng ở nhiều thể loại.

Đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội nghị tổng kết hoạt động SVC năm 2021.

Đến nay, Hội SVC tỉnh đã thu hút trên 6.000 hội viên. Hằng năm, Hội đều quan tâm công tác củng cố, phát triển hội viên, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động. Toàn tỉnh có 1 chi hội kiểng cổ, 2 tổ hợp tác kiểng, 1 hợp tác xã SVC, 47 câu lạc bộ chuyên ngành SVC. Trong năm, Tỉnh hội đã phối hợp mở 5 lớp tập huấn nghề trồng và chăm sóc cây kiểng…

SVC đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Tại hội nghị, các thành viên trong Hội đã thảo luận, đóng góp ý kiến vào phương hướng hoạt động năm 2022. Trong đó, tiếp tục xây dựng Hội vững mạnh, củng cố cơ sở hội và tăng cường kết nạp hội viên mới; từng bước phấn đấu để đưa SVC thành ngành kinh tế đặc biệt, góp phần vào phát triển kinh tế địa phương; đồng thời, vừa làm SVC vừa chú trọng tham gia công tác an sinh xã hội tại địa phương, nhằm khẳng định vai trò của SVC trong cuộc sống…

Chủ tịch Hội SVC tỉnh Phạm Văn Chính trao danh hiệu “Nghệ nhân SVC Việt Nam” cho ông Trần Văn Nâu.

Dịp này, Trung ương Hội SVC Việt Nam tặng danh hiệu “Nghệ nhân SVC Việt Nam” cho ông Trần Văn Nâu (ấp Mỹ Lợi, xã Phước Lập, huyện Tân Phước).

P. MAI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202202/tung-buoc-dua-sinh-vat-canh-tro-thanh-nganh-kinh-te-dac-biet-944558/