Tuần tới sẽ có 2 phiên đấu thầu vàng miếng

Ngân hàng Nhà nước thông tin: sẽ tiếp tục tổ chức 2 phiên đấu thầu vàng vào các ngày 21/5/2024 và 23/5/2024.

Cùng với quyết định thanh tra hoạt động kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước ngày 17/5 cũng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện đấu thầu vàng trong tuần tới nhằm hạn chế sức nóng của thị trường.

 Ngân hàng Nhà nước thông tin: sẽ tiếp tục tổ chức 2 phiên đấu thầu vàng vào các ngày 21/5/2024 và 23/5/2024

Ngân hàng Nhà nước thông tin: sẽ tiếp tục tổ chức 2 phiên đấu thầu vàng vào các ngày 21/5/2024 và 23/5/2024

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tổ chức 2 phiên đấu thầu vàng vào các ngày 21/5/2024 và 23/5/2024.

Khối lượng vàng đặt thầu tối thiểu ở mức 500 lượng và khối lượng đặt tối đa là 4.000 lượng. Khối lượng vàng đấu thầu vẫn ở mức 16.800 lượng.

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính Phủ, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai giải pháp can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua các phiên đấu thầu bán vàng miếng nhằm tăng cung trên thị trường. Từ 19/4/2024 đến nay, cơ quan này đã tổ chức 07 phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC với tổng khối lượng trúng thầu là 27.200 lượng (tương đương khoảng 1,02 tấn).

Liên quan tới hoạt động đấu thầu vàng, tại tọa đàm Đối thoại chính sách, diễn ra ngày hôm nay, với chủ đề triển vọng kinh tế Việt Nam 2024, trong nội dung thảo luận về ổn định thị trường vàng, giữ vững vĩ mô, tạo đà phục hồi trong bối cảnh bất định, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng: mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra là tăng cung vàng, từ đó giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế. Tuy vậy, đấu thầu không phải là giải pháp vẹn toàn để đạt mục tiêu này. Đấu thầu vàng, nếu có hiệu quả, cũng chỉ là ngắn hạn. Về lâu dài, mất cân bằng cung - cầu vẫn sẽ diễn ra, chênh lệch giá vàng vẫn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao. Vị chuyên gia này cho rằng nhập khẩu vàng là giải pháp căn cơ để tăng cung, giảm chênh lệch giá trong và ngoài nước. Việt Nam chỉ nên coi vàng là mặt hàng có tính thương mại hơn là mặt hàng có tính chất tiền tệ.

Tuy nhiên, đánh giá tổng thể về thị trường vàng, Nhóm Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, sóng vàng thời gian qua không hẳn chỉ do mất cân đối cung cầu. Và giữ ổn định thị trường thì cần nhiều giải pháp, nhập khẩu vàng là chệch mục tiêu và lãng phí các nguồn lực dự trữ.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, chênh lệch giá vàng không hoàn toàn phản ánh cân đối cung và cầu, do đó, việc “trị" chênh lệch giá vàng không thể chỉ dựa vào việc nhập khẩu vàng ồ ạt để bình ổn giá. Hành động này không chỉ đi chệch mục tiêu, mà còn lãng phí các nguồn lực dự trữ không cần thiết. Trong tình hình này, các biện pháp hành chính trở nên đặc biệt quan trọng để đảm bảo sự minh bạch và ngăn chặn thao túng giá.

Theo nhóm nghiên cứu, thanh tra thị trường vàng, yêu cầu sử dụng hóa đơn, điều tra hành vi thao túng... sẽ không tốn dự trữ ngoại hối, mà lại có thể mang tới hiệu quả cao tức thì. Ngoài việc sử dụng các biện pháp hành chính, công cụ tiền tệ như lãi suất cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các loại bong bóng tài sản, bao gồm cả vàng.

Quyết liệt trong công tác quản lý thị trường vàng, Thủ tướng Chín phủ tại cuộc họp về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa ngày 16/5 đã chỉ đạo tăng cường thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm các sai phạm; kiên quyết thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng, đến ngày 15/6 tới, đơn vị nào không thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong mua bán vàng thì rút giấy phép.

Thùy Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tuan-toi-se-co-2-phien-dau-thau-vang-mieng-320781.html