Tự tin tiếp bước hành trình bảo vệ quyền con người

Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt dẫn đầu tham gia Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva, Thụy Sỹ với sứ mệnh đầy ý nghĩa trong những ngày tháng Năm lịch sử.

Đối thoại thẳng thắn và cởi mở trong một phiên họp 133 nước đăng ký phát biểu và đưa ra 320 khuyến nghị, Việt Nam đã thể hiện sự nghiêm túc, trách nhiệm và tự tin đối với việc triển khai các khuyến nghị theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) nói riêng và thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người nói chung.

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt phát biểu tại phiên đối thoại, ngày 10/5. (Nguồn: TTXVN)

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt phát biểu tại phiên đối thoại, ngày 10/5. (Nguồn: TTXVN)

Trong không khí đầy tự hào của những ngày đầu tháng Năm lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ cách đây 70 năm, đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt dẫn đầu đã tham gia Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) tại trụ sở LHQ ở Geneva, Thụy Sỹ.

“Sứ mệnh” của đoàn càng thêm ý nghĩa khi Phiên đối thoại diễn ra tại thành phố nơi Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương được ký kết cách đây cũng đúng bảy thập kỷ.

Nỗ lực được ghi nhận

Phiên đối thoại về Báo cáo UPR chu kỳ IV là một phần trong chuỗi nỗ lực nhất quán của Việt Nam đối với việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.

Kể từ khi cơ chế UPR ra đời vào năm 2008, Việt Nam đã chủ động tham gia vào tiến trình này với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm. Với Việt Nam, UPR không đơn giản chỉ là trách nhiệm rà soát, báo cáo. Việt Nam coi mỗi chu kỳ UPR là dịp để xác định các khó khăn, thách thức, lĩnh vực có thể làm tốt hơn và các hành động cụ thể nhằm biến các khuyến nghị thành những thay đổi thực chất trong cuộc sống của người dân.

Triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ trương nhất quán bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của Đảng và Nhà nước, Việt Nam luôn nghiêm túc xây dựng các báo cáo quốc gia, các kế hoạch hành động theo đúng hạn định và triển khai hiệu quả các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận ở tất cả các chu kỳ UPR.

Đặc biệt, Việt Nam đang lần thứ hai đảm nhiệm cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 và chuẩn bị tái ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2026-2028, nên càng dành sự chú trọng đặc biệt đối với tiến trình UPR.

Tại phiên đối thoại vừa qua, Việt Nam đã đề cập một cách tổng thể việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam kể từ lần rà soát UPR trước, cập nhật khuôn khổ chính sách và pháp luật liên quan đến quyền con người, thông tin về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người ở Việt Nam.

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt trao đổi với các đại biểu. (Nguồn: TTXVN)

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt trao đổi với các đại biểu. (Nguồn: TTXVN)

Kể từ lần rà soát UPR chu kỳ III vào năm 2019, Việt Nam đã tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về quyền con người và đạt được nhiều thành tựu trên thực tế. Các quyền y tế, giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội, tự do tôn giáo, tín ngưỡng, tự do báo chí, internet, bình đẳng giới đều đạt những tiến bộ rõ rệt. Các chỉ số về phát triển con người (HDI), bình đẳng giới (GEI) của Việt Nam do các cơ quan Liên hợp quốc xếp hạng liên tục được cải thiện.

Chính phủ đã có nhiều chính sách, biện pháp để bảo vệ sức khỏe người dân, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19, tích cực thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế số và thực hiện các cam kết của Việt Nam theo các điều ước quốc tế về quyền con người.

Phiên đối thoại về Báo cáo UPR của Việt Nam thu hút sự quan tâm cao, với 133 nước đăng ký phát biểu và đưa ra 320 khuyến nghị cho Việt Nam. Các đối thoại và phát biểu diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn và thực chất.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho biết, qua rà soát sơ bộ, phần lớn các khuyến nghị Việt Nam nhận được lần này có nội dung tích cực và có thể chấp thuận. Có một số khuyến nghị cần cân nhắc thêm về tính phù hợp với luật pháp, chính sách, nguồn lực và khả năng thực thi.

Nhiều nước đánh giá cao phần trình bày, đối thoại của Việt Nam, ghi nhận chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm quyền con người, nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị UPR đã chấp thuận kể từ lần rà soát trước đến nay. Trong đó, việc Việt Nam hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quyền con người, nhất là xây dựng các chương trình quốc gia và đạt nhiều thành tựu về giảm nghèo, phát triển kinh tế, cải thiện phúc lợi xã hội, bảo đảm quyền giáo dục, quyền các nhóm dễ bị tổn thương, thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người và hợp tác với các cơ chế nhân quyền LHQ, nhận được sự hoan nghênh của nhiều nước.

Đối với một số bình luận, khuyến nghị chưa thật sự phù hợp, dựa trên các thông tin không chính xác về việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, hội họp… Việt Nam tiếp tục đối thoại, cung cấp thông tin với tinh thần cởi mở, cầu thị để các nước hiểu rõ hơn về tình hình thực tế ở Việt Nam.

Sau phiên đối thoại theo đúng phương châm của Việt Nam trong nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền 2023-2025 là “Tôn trọng và Hiểu biết – Đối thoại và Hợp tác – Tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người”, ngày 10/5, Nhóm làm việc UPR chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền LHQ đã đồng thuận thông qua Báo cáo quốc gia UPR của Việt Nam.

Có thể thấy, qua các chu kỳ UPR, Việt Nam luôn được đánh giá tốt về nỗ lực triển khai nghiêm túc các khuyến nghị đã chấp thuận, nhất là thông qua việc xây dựng các kế hoạch quốc gia, các báo cáo giữa kỳ, quá trình tham vấn, lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân. Thêm vào đó, tinh thần đối thoại chân thành, thẳng thắn và cởi mở của đoàn Việt Nam góp phần ghi thêm “điểm cộng” trong mắt bạn bè quốc tế.

Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt dẫn đầu tại Phiên đối thoại. (Nguồn: TTXVN)

Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt dẫn đầu tại Phiên đối thoại. (Nguồn: TTXVN)

Bốn thông điệp, một mục tiêu

Thông qua phiên đối thoại UPR thành công với sự tham gia của đông đảo các nước thành viên LHQ, Việt Nam đã gửi gắm bốn thông điệp lớn tới hội nghị.

Một là, khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, độc lập dân tộc, quyền dân tộc tự quyết đối với với nỗ lực phát triển, thúc đẩy quyền con người.

Hai là, trong lĩnh vực bảo đảm, thúc đẩy quyền con người, không có một mô hình đúng duy nhất. Mỗi quốc gia tùy theo hoàn cảnh, điều kiện, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của mình sẽ có thể lựa chọn con đường riêng. Qua đó, Việt Nam khẳng định tính đúng đắn của con đường đã lựa chọn và sẽ kiên định đi trên con đường đó.

Ba là, với chủ trương nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, Việt Nam đã rất nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị UPR đã chấp thuận của chu kỳ trước và đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt trong hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người và bảo đảm các quyền con người trên thực tế, mang lại những kết quả rất thiết thực cho người dân.

Bốn là, mặc dù gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức trong đại dịch Covid-19 nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia, đồng hành, đồng lòng của người dân, Việt Nam đã vượt qua được khó khăn đó, đã bảo vệ được sức khỏe, cuộc sống của người dân, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.

Những thông điệp đó hướng đến mục tiêu duy nhất là khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Cam kết ấy được quy định trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, được bảo đảm trên thực tiễn và đạt những kết quả cụ thể. Cam kết ấy được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao thể hiện qua hai lần tín nhiệm bầu chọn làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ với số phiếu cao.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres khi đến Việt Nam năm 2022 khẳng định: “Việt Nam là một tấm gương vô cùng đặc biệt. Tất cả những nỗ lực mà Việt Nam đã thể hiện trong thời gian qua là một sự đột phá. Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào vì tiếng nói của các bạn được tất cả các quốc gia tôn trọng. Các bạn là tấm gương về sự thống nhất để mang lại những lợi ích cho người dân”.

Tuy nhiên, như phát biểu của Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt tại phiên đối thoại vừa qua, việc đạt được các thành tựu không có nghĩa là Việt Nam ngừng nỗ lực thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, vì vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Xác định rõ những vấn đề còn tồn tại và sẵn sàng đối mặt phản bác những thông tin thiếu khách quan, sai lệch về tình hình nhân quyền, Việt Nam luôn trong tư thế tự tin để tiếp bước hành trình bảo vệ và thúc đẩy quyền con người để mỗi người dân đều ở vị trí trung tâm của mọi chính sách phát triển, được thụ hưởng các quyền con người và thành quả của phát triển.

Được Hội đồng Nhân quyền LHQ thành lập từ năm 2008 và tiến hành định kỳ 4,5 năm một lần, UPR là cơ chế liên chính phủ với nhiệm vụ rà soát tổng thể tình hình nhân quyền tại tất cả các quốc gia thành viên LHQ, trên nguyên tắc đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan, minh bạch và xây dựng. Việt Nam tham gia đầy đủ các chu kỳ UPR và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các khuyến nghị nhận được.

Dự kiến, Việt Nam sẽ thông báo lập trường chính thức về các khuyến nghị, số lượng các khuyến nghị Việt Nam sẽ chấp thuận theo cơ chế UPR chu kỳ IV trước Khóa họp lần thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền LHQ vào tháng 9-10 tới.

Thu Trang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tu-tin-tiep-buoc-hanh-trinh-bao-ve-quyen-con-nguoi-271486.html