Từ 1-7: Người lao động ngoại tỉnh có phải về quê làm lại thẻ căn cước?

Từ 1-7 tới sẽ triển khai cấp thẻ căn cước theo Luật Căn cước. Vậy, người lao động ngoại tỉnh đang làm việc tại Hà Nội có phải về quê làm lại thẻ? Người bị tâm thần có được cấp thẻ căn cước?

Theo Luật Căn cước 2023, công dân có thẻ căn cước công dân được cấp trước 1/7/2024 đã hết hạn sử dụng hoặc có nhu cầu đổi đối với trường hợp còn hạn sử dụng thì sẽ tiến hành làm lại thẻ căn cước theo quy định mới.

Về nơi làm thủ tục cấp thẻ căn cước, Luật Căn cước 2023 nêu rõ: Cơ quan quản lý căn cước của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ quan quản lý căn cước của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công dân cư trú;

Cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an đối với những trường hợp do thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an quyết định.

Trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý căn cước tổ chức làm thủ tục cấp thẻ căn cước tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân.

Như vậy, công dân có thể làm thẻ căn cước mới tại Công an cấp huyện hoặc Công an cấp tỉnh nơi công dân cư trú hoặc làm tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân. Mà theo Luật Cư trú 2020, nơi cư trú của công dân sẽ bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú nên công dân có thể lựa chọn làm thẻ căn cước mới tại nơi tạm trú mà không cần phải quê để làm thủ tục cấp thẻ căn cước.

Về đối tượng được cấp thẻ căn cước, Điều 19 Luật Căn cước 2023 nên rõ, người được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam. Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước. Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.

Trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước cho người từ đủ 14 tuổi trở lên được thực hiện như sau:

Người tiếp nhận kiểm tra, đối chiếu thông tin của người cần cấp thẻ căn cước từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để xác định chính xác người cần cấp thẻ căn cước; trường hợp chưa có thông tin của người cần cấp thẻ căn cước trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì phải thực hiện thủ tục cập nhật, điều chỉnh thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 10 của luật này;

Người tiếp nhận thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước; Người cần cấp thẻ căn cước kiểm tra, ký vào phiếu thu nhận thông tin căn cước; Người tiếp nhận cấp giấy hẹn trả thẻ căn cước;

Trả thẻ căn cước theo địa điểm ghi trong giấy hẹn; trường hợp người cần cấp thẻ căn cước có yêu cầu trả thẻ căn cước tại địa điểm khác thì cơ quan quản lý căn cước trả thẻ căn cước tại địa điểm theo yêu cầu và người đó phải trả phí dịch vụ chuyển phát.

Trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự (người bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không nhận thức, làm chủ được hành vi), người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải có người đại diện hợp pháp hỗ trợ làm thủ tục quy định.

Theo quy định trên, từ 1-7, người bị tâm thần vẫn được cấp thẻ căn cước song phải có người đại diện hợp pháp hỗ trợ làm thủ tục cấp thẻ.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tu-1-7-nguoi-lao-dong-ngoai-tinh-co-phai-ve-que-lam-lai-the-can-cuoc-post576659.antd