Trường học có viên chức tư vấn mới giải quyết đến gốc rễ vấn đề của học sinh

Trường học là nơi HS được giáo dục và phát triển toàn diện. Muốn làm được điều đó, không thể thiếu vắng vị trí của nhân viên tư vấn học sinh.

Đời sống xã hội ngày càng phát triển cũng kéo theo nhiều hệ lụy về mặt sức khỏe của con người. Trong những năm gần đây, các vấn đề về sức khỏe tinh thần ngày càng được quan tâm. Đối với học sinh, việc quan tâm đầy đủ cả sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần giúp các em phát triển toàn diện.

Tại nhiều cơ sở giáo dục hiện nay cũng đã có giáo viên làm công tác tư vấn học sinh. Tuy nhiên, hầu hết là các giáo viên giảng dạy trong trường kiêm nhiệm, vì thế hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh còn nhiều khó khăn, thách thức.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập.

Theo đó, chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh bao gồm:

1. Viên chức tư vấn học sinh hạng III - Mã số: V.07.07.24 (từ hệ số lương 2,34 đến 4,98).

2. Viên chức tư vấn học sinh hạng II - Mã số: V.07.07.23 (từ hệ số lương 4,00 đến 6,38)

3. Viên chức tư vấn học sinh hạng I - Mã số: V.07.07.22 (từ hệ số lương 4,40 đến 6,78).

Thông tư này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những khó khăn đang tồn tại của công tác tư vấn tâm lý học đường.

Sức khỏe tinh thần của học sinh phổ thông hiện chưa được quan tâm đúng mức

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Tâm lý Đào Lê Hòa An – Giám đốc trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý và hướng nghiệp JobWay, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Tâm lý học Việt Nam cho biết, đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra mức độ sự gia tăng các vấn đề về sức khỏe tâm thần của độ tuổi thanh thiếu niên Việt Nam. Đây là một điều đáng báo động.

Tiến sĩ Tâm lý Đào Lê Hòa An – Giám đốc trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý và hướng nghiệp JobWay, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Tâm lý học Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Theo Tiến sĩ Hòa An, từ trước đến nay, chúng ta thường quan tâm nhiều đến kết quả học tập của học sinh khi đến trường, mà những vấn đề về sức khỏe (bao gồm cả sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần/tinh thần) chưa thực sự được quan tâm đúng mức.

“Sức khỏe thể chất là cái có thể dễ dàng nhận thấy qua các yếu tố bên ngoài (cân nặng, chiều cao, sắc tố da…) nhưng sức khỏe tinh thần thì không như vậy. Nó là những yếu tố “âm ỉ” bên trong con người, khó nhận biết được bằng mắt thường.

Khi sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng, hầu hết mọi khía cạnh còn lại (như suy nghĩ, hành vi, lối sống,…) cũng bị ảnh hưởng theo"– Tiến sĩ An nhận định.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO): “Sức khỏe tâm thần là nền tảng cho sự khỏe mạnh và hoạt động hiệu quả của các cá nhân. Sức khỏe tâm thần không chỉ là trạng thái không có rối loạn tâm thần, mà còn bao gồm khả năng suy nghĩ, học hỏi và hiểu được cảm xúc của một người và phản ứng của người khác. Sức khỏe tâm thần là một trạng thái cân bằng, cả bên trong cơ thể và với môi trường.

Các yếu tố thể chất, tâm lý, xã hội, văn hóa, tinh thần và các yếu tố liên quan khác đều tham gia vào việc tạo ra sự cân bằng này. Có mối liên hệ không thể tách rời giữa sức khỏe tâm thần và thể chất” [1].

Nói thêm về những nguyên nhân gây ra các vấn đề về tâm lý cho học sinh bậc trung học phổ thông, Tiến sĩ An cho rằng, điều này có thể đến từ nhiều yếu tố, như kỳ vọng của cha mẹ/thầy cô đối với các con; áp lực về điểm số, các vấn đề học tập; áp lực bạn bè đồng trang lứa; kinh nghiệm và trải nghiệm cuộc sống còn ít nên khả năng vượt qua khó khăn còn kém; sự thay đổi của nội tiết tố trong giai đoạn dậy thì….

Những nguyên nhân đó có thể dẫn đến tình trạng stress, rối loạn cư xử, lo âu, trầm cảm,… ở lứa tuổi học sinh, gây tổn hại về sức khỏe, cuộc sống và sự phát triển toàn diện của trẻ.

“Chắc chắn rằng, các em học sinh nói riêng và xã hội nói chung đều đang rất cần và có xu hướng tìm đến những chuyên gia tư vấn. Đây là những người có thể lắng nghe và thấu hiểu, là người có kiến thức về chuyên môn giúp gỡ rối vấn đề và có những định hướng giúp các em học sinh phát triển tốt nhất.

Điều này đồng nghĩa với việc, vị trí việc làm của nhân viên tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông cần được coi trọng hơn” – Tiến sĩ Tâm lý Đào Lê Hòa An nhấn mạnh.

Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Thúy – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Phong Sắc (Hà Nội) cũng đánh giá: “Đối với học sinh, nhất là lứa tuổi học sinh bậc trung học phổ thông, các em đang ở giai đoạn “nổi loạn” tâm lý. Nhiều khi, các em không chia sẻ được với bố mẹ, bạn bè về những khó khăn, những điều thầm kín của bản thân.

Vậy nên, công tác tư vấn cho học sinh trong trường học là vô cùng quan trọng”.

Công tác tư vấn học sinh trong trường phổ thông còn nhiều khó khăn

Chia sẻ về thêm về công tác tư vấn học sinh, cô Nguyễn Thị Ngọc Thúy cho biết, cũng như nhiều trường phổ thông công lập khác, hiện nay việc thực hiện công tác này tại Trường Trung học cơ sở Nguyễn Phong Sắc (Hà Nội) do giáo viên hoặc nhân viên nhà trường kiêm nhiệm, do chưa có biên chế và cũng không bố trí được hợp đồng lao động nhân viên tư vấn học sinh.

“Điều này dẫn đến một số khó khăn cho công tác tư vấn học sinh. Trước hết, là khó khăn trong việc phân chia thời gian của giáo viên hoặc nhân viên kiêm nhiệm. Có trường hợp, khi học sinh cần hỗ trợ nhưng người tư vấn đang bận việc giảng dạy trên lớp.

Hơn nữa, người thực hiện công tác này tại trường học hiện nay không được đào tạo chuyên môn về tư vấn, dẫn đến những khó khăn và sự thiếu hiệu quả khi thực hiện nhiệm vụ” – cô Thúy chia sẻ về những khó khăn.

Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Thúy – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Phong Sắc (Hà Nội). Ảnh: NVCC

Cũng có những nhận định tương tự, cô giáo Đinh Kim Thu – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đoàn Kết (Hà Nội) cho biết, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tiêu chuẩn cơ sở vật chất của các trường phổ thông, việc đầu tư cơ sở vật chất (phòng tư vấn, trang thiết bị…) đã được các trường chú trọng.

“Tuy nhiên, vấn đề quan trọng vẫn nằm ở yếu tố con người, tức là cần có vị trí nhân viên tư vấn học sinh chuyên biệt, được đào tạo bài bản.

Bởi cùng với sự phát triển của xã hội, những vấn đề về tâm sinh lý của học sinh ngày càng phức tạp. Nếu không có vị trí việc làm này, sẽ không thể giải quyết gốc rễ vấn đề cho các em, thậm chí còn có thể để lại nhiều hậu quả phức tạp hơn” – Hiệu trưởng Đinh Kim Thu nhận định.

Được biết, tại Trường Trung học cơ sở Đoàn Kết, công tác tư vấn học sinh hiện nay được giao cho 2 cô giáo (Tổng phụ trách Đội và Phó Tổng phụ trách Đội) đảm nhận.

Có thêm đánh giá về vấn đề này, Tiến sĩ Tâm lý Đào Lê Hòa An cho rằng, phần lớn nhân viên tư vấn học sinh trong trường học hiện nay đều chỉ là giải pháp tình thế, vì chưa có vị trí chính thức cho đội ngũ này.

“Chúng ta đều biết rằng, nghề giáo là một nghề vất vả. Không chỉ ngày ngày lên lớp giảng bài cho cả chục, cả trăm học sinh, giáo viên còn phải thực hiện rất nhiều các công việc khác (soạn giáo án, bài giảng; chấm thi; giải quyết các công việc lớp nếu làm chủ nhiệm;…). Vậy thì nếu kiêm nhiệm cả vị trí công việc tư vấn cho học sinh, thì thử hỏi thời gian đâu để họ làm tốt các công việc được giao.

Việc các trường không có nhân viên chuyên biệt tư vấn học sinh là do không có biên chế hoặc chế độ đãi ngộ cho nhân viên hợp đồng còn thấp.

Đơn cử, như khi đi khám bệnh tại các cơ sở y tế, muốn bác sĩ đưa ra kết luận cuối cùng và kê đơn thuốc, bệnh nhân sẽ phải làm các kiểm tra, xét nghiệm, và tất nhiên, người bệnh phải trả chi phí cho các xét nghiệm đó.

Tương tự công tác tư vấn học sinh không chỉ là ngồi lắng nghe học sinh bày tỏ, mà người làm công việc này còn phải có kiến thức chuyên môn, có cả thời gian để tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân sự việc, những yếu tố tác động đến tâm lý của các em… là những điều không dễ dàng.

Nếu đãi ngộ nhận được không tương ứng với công sức bỏ ra, sẽ thiếu nhân viên tư vấn học sinh” – anh An bày tỏ quan điểm.

Có viên chức tư vấn học sinh thể hiện sự đánh giá đúng, coi trọng vị trí việc làm này

Bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với việc đưa vị trí tư vấn học sinh trở nên "danh chính ngôn thuận", Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Phong Sắc cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên sớm ban hành Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập.

Việc mỗi cơ sở giáo dục có được một viên chức về công tác tư vấn học sinh là điều cần thiết. Vì khi có biên chế, trường học sẽ có người thực hiện nhiệm vụ theo đúng chức năng, vai trò của mình. Đồng thời, tạo điều kiện giúp các trường học tuyển dụng nhân sự là những người được đào tạo chính quy, có nghiệp vụ, có thời gian làm việc,… tạo hiệu quả của công tác tư vấn.

“Làm tốt được việc này cũng góp phần giải quyết được rất nhiều vấn đề trong trường học hiện nay như: Chăm sóc tốt sức khỏe tâm lý, tinh thần của học sinh; hướng học sinh đến được những suy nghĩ và hành động tích cực; tránh được những vấn nạn về bạo lực học đường trong trường học hiện nay…” – cô Thúy cho biết thêm.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Đào Lê Hòa An cũng cho rằng, tùy vào quy mô, số lượng học sinh mà mỗi trường cũng nên có số lượng về nhân viên tư vấn cho hợp lí. Do đó, nếu dự thảo thông tư này được thông qua, sẽ tạo nhiều thuận lợi cho các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập.

Ảnh minh họa: Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

“Trường học là nơi để học sinh, thế hệ trẻ được giáo dục, phát triển toàn diện, an toàn. Muốn làm được điều đó, không thể thiếu vắng vị trí của nhân viên tư vấn học sinh.

Việc có viên chức tư vấn học sinh cũng phần nào thể hiện sự quan tâm của xã hội đối với các vấn đề về sức khỏe tinh thần của học sinh; đồng thời, ngày càng đánh giá đúng mức vai trò của đội ngũ nhân viên tư vấn; giúp họ có nhiều thuận lợi hơn trong quá trình làm việc” – Tiến sĩ An cho hay.

Góp ý để công tác tư vấn trong trường học ngày càng hoàn thiện hơn, chuyên gia này cũng cho rằng, hiện nay vẫn còn rất nhiều người mang tâm lý e ngại, muốn giấu bệnh, không dám nhận hỗ trợ tư vấn tâm lý. Điều này đến từ định kiến, cho rằng từ “tâm thần” (trong chăm sóc sức khỏe tâm thần) thường được dùng để chỉ một chứng rối loạn tâm lý hay một loại bệnh khi giao tiếp.

Do đó, các trường cũng cần chú trọng trong việc đầu tư về cơ sở vật chất phục vụ công tác tư vấn cho học sinh. Nhà trường cần phải có phòng tư vấn tâm lý riêng, đảm bảo sự an toàn, riêng tư, đầy đủ trang thiết bị,… thì mới có thể làm tốt công tác này.

Theo Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập, nhiệm vụ của người làm công tác Tư vấn học sinh gồm:

Thực hiện công tác tư vấn gồm:

- Lập kế hoạch, thực hiện công tác tư vấn học sinh hàng năm của nhà trường; báo cáo định kỳ, thường xuyên theo quy định;

- Quản lý, theo dõi hệ thống hồ sơ, sổ sách liên quan đến công tác tư vấn học sinh;

- Phối hợp với giáo viên, nhân viên trong nhà trường tổ chức các hoạt động tư vấn học sinh (bao gồm cả tư vấn chủ động và tư vấn theo nhu cầu của học sinh, phụ huynh);

- Hoàn thành các chương trình bồi dưỡng; tự học, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ).

Và thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của hiệu trưởng.

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://www.who.int/vietnam/vi/health-topics/mental-health

Kim Minh Châu

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-hoc-co-vien-chuc-tu-van-moi-giai-quyet-den-goc-re-van-de-cua-hoc-sinh-post242635.gd