Trung tâm Báo chí TPHCM: Nơi kết nối chính quyền - báo chí - người dân

Sau 5 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Báo chí TPHCM đã trở thành cầu nối hữu hiệu giữa chính quyền thành phố với báo chí và người dân.

Ngày 17/5, Trung tâm báo chí TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Đề án thành lập Trung tâm báo chí TPHCM.

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đánh giá Trung tâm báo chí là mô hình duy nhất cả nước, được thành lập vào ngày 5/5/2019.

Trong 5 năm qua, Trung tâm báo chí đã trở thành cầu nối hữu hiệu để lãnh đạo thành phố cùng các cơ quan chức năng cung cấp, định hướng thông tin về các vấn đề dư luận xã hội đang bức xúc một cách công khai, minh bạch.

"Hoạt động họp báo, cung cấp thông tin do Trung tâm Báo chí TP làm đầu mối tổ chức đã từng bước thay đổi phương thức truyền thông của lãnh đạo thành phố, các sở, ngành, địa phương. Mô hình Trung tâm Báo chí là một bước đột phá của Thành ủy, UBND TPHCM trong tiến trình khơi thông, tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường thông tin, truyền thông, tiếp nhận các sáng kiến, góp ý và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân" - ông Thắng bày tỏ.

Đặc biệt, trong thời điểm bùng phát đại dịch Covid-19, Trung tâm Báo chí TPHCM đã có nhiều đóng góp cho quá trình điều hành thông tin phòng, chống dịch.

Thời điểm này nhiều tin giả, tin sai sự thật xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Trung tâm Báo chí TPHCM phát huy tốt vai trò là cầu nối, giúp lan tỏa những thông tin chính thống, đẩy lùi các thông tin sai lệch, xấu độc.

Quang cảnh một buổi họp báo về tình hình dịch Covid-19. Ảnh: Hồ Văn

Quang cảnh một buổi họp báo về tình hình dịch Covid-19. Ảnh: Hồ Văn

Chương trình trực tuyến "Dân hỏi - Thành phố trả lời" được tổ chức sản xuất tại Trung tâm Báo chí trong thời gian này cũng góp công lớn trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19.

Hiện nay, UBND TPHCM yêu cầu Trung tâm Báo chí đều đặn tổ chức họp báo mỗi tuần một lần, để chuyển tải thông tin về tình hình kinh tế - xã hội đến với người dân.

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Khanh - Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí - cho biết, để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, Trung tâm Báo chí đã thay đổi phương thức họp báo chuyên nghiệp hơn.

Cụ thể, các câu hỏi của phóng viên sẽ phải gửi trước ngày họp báo, chuyển tới các sở, ngành để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Đến ngày họp, các thông tin trả lời sẽ được gửi cho phóng viên trước 15 phút qua email, Zalo… để việc tác nghiệp được chủ động.

“Từ khi thay đổi cách làm, hiệu quả công việc được cải thiện rõ rệt. Một cuộc họp báo dài trung bình 70 phút đã trả lời được 20 câu hỏi thay vì chỉ 7, 8 câu như cách làm trước đây” - ông Khanh chia sẻ.

Chương trình Dân hỏi - Thành phố trả lời tại Trung tâm Báo chí TPHCM

Chương trình Dân hỏi - Thành phố trả lời tại Trung tâm Báo chí TPHCM

Theo ông Khanh, để chuyên nghiệp hóa hơn trong việc cung cấp thông tin, Trung tâm Báo chí sẽ đưa vào ứng dụng phần mềm “Hệ thống tiếp nhận và xử lý yêu cầu cung cấp thông tin cho báo chí”.

Hệ thống này sẽ tiếp nhận câu hỏi từ phóng viên và tự động chuyển tiếp đến cơ quan tiếp nhận, trả lời. Sau khi nhận được phần trả lời, các phóng viên sẽ “chấm điểm” mức độ hài lòng theo biểu tượng từ 1-5 sao. Kết quả đánh giá sẽ được hệ thống gửi thông báo qua email đến đơn vị liên quan.

“Hệ thống này sẽ quản lý được chất lượng cung cấp thông tin của các cơ quan được hỏi. Đơn vị nào trả lời tốt, trả lời không chất lượng, trễ hẹn… bị chấm điểm thấp sẽ được ghi nhận trên hệ thống.

Hàng tháng, Trung tâm Báo chí sẽ dựa trên các đánh giá này báo cáo với cấp có thẩm quyền, giúp lãnh đạo thành phố chỉ đạo, điều hành kịp thời trong việc phát ngôn với báo chí” - ông Khanh thông tin.

Hồ Văn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/trung-tam-bao-chi-tphcm-noi-ket-noi-chinh-quyen-bao-chi-nguoi-dan-2281460.html