Trưa cuối tuần thử lẩu vịt om măng

Với vị chua thanh đặc trưng từ măng, hòa quyện cùng vị ngọt thịt vịt, lẩu vịt om măng hứa hẹn mang đến cho mọi người bữa trưa lạ miệng vào cuối tuần.

Có thể nói, trong văn hóa ẩm thực Việt, thịt vịt có độ phổ biến không kém cạnh thịt gà. Một số thực khách e ngại thịt vịt có mùi tanh, nhưng chính hương vị đó lại là điểm nhấn mà ai quen vị rồi khó tìm thấy ở thịt gia cầm khác. Nhờ kỹ thuật sơ chế mà thịt vịt không còn nặng mùi, chỉ thoảng qua nên ai cũng có thể thưởng thức.

Đầu bếp gợi ý, vịt ngon để chế biến cho món lẩu hôm nay phải có một số đặc điểm như vịt xiêm, thịt đầy đặn và đang phát triển ở độ tuổi trưởng thành. Theo đó, thịt vịt loại này bảo đảm được yếu tố da không quá dai, thịt mọng nước và từ một con vịt có thể làm được nhiều món.

Nếu thực khách từng thưởng thức lẩu vịt, chắc hẳn sẽ cảm nhận rõ vị thịt rất đậm đà. Bí quyết nằm ở chỗ thịt sau sơ chế được nêm nếm gia vị gồm tiêu, nước mắm, hạt nêm, hành tím rồi đảo qua chảo dầu để thịt dậy mùi hơn.

Nếu như đã chọn được vịt ngon, sơ chế đúng cách thì măng lại là nguyên liệu thực phẩm quan trọng tiếp theo cần quan tâm. Thực tế, măng có một phần độc tố nên người nấu cần sơ chế đúng cách để loại bỏ chúng. Đó là đem măng gọt vỏ, luộc với nước nóng. Tiếp đến, ngâm măng vào nước vo gạo khoảng vài giờ để loại độc tố.

Điểm chung của bất kỳ một món lẩu vịt nào là phải dùng xương vịt để hầm lấy nước. Nếu dùng xương gà, xương heo hay xương bò nấu nước dùng thì nó dễ phá vỡ hương vị thuần túy của lẩu vịt. Vậy nên, dù nấu lẩu vịt ở nhà hay quán ăn, người nấu cũng mua vịt nguyên con về luộc lấy nước dùng.

Về rau ăn kèm, thông thường là rau mồng tơi, mướp, bông bí… Nước chấm hợp vị cho món lẩu vịt om măng là nước mắm gừng. Bún, mì gói, mì sợi vàng hay cơm trắng cũng đều phù hợp cho món lẩu trưa nay.

Theo amthucvungmien, monandanda, cachnaulauvit

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/trua-cuoi-tuan-thu-lau-vit-om-mang/