Triển khai đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm góp phần xóa đói giảm nghèo

Giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác giảm nghèo.

Triển khai đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm góp phần xóa đói giảm nghèo.

Triển khai đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm góp phần xóa đói giảm nghèo.

Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề và giải quyết việc làm

Huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên là nơi có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm trên 70%, đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn. Mặc dù địa phương có nguồn lao động dồi dào, nhưng mặt bằng dân trí không đồng đều, việc làm của một bộ phận người dân thường bấp bênh, không ổn định.

Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, huyện đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, qua đó giúp người dân nắm bắt thông tin và có định hướng đúng đắn trong việc lựa chọn việc làm thể tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Hằng năm, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát nhu cầu học nghề của người dân để xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết về công tác lao động, giải quyết việc làm, triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách đến với người dân. Song song với đó, Định Hóa cũng phối hợp với các cơ quan chuyên môn, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thái Nguyên, các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài huyện tuyên truyền, kết nối dịch vụ việc làm, tư vấn trực tiếp tại các xã, thị trấn để định hướng người lao động đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp uy tín, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người lao động bằng nhiều hình thức như: Thông qua các hội nghị, hệ thống văn bản triển khai toàn huyện, lồng ghép trong các buổi tập huấn, sinh hoạt thôn, bản, thông qua các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là đoàn thanh niên, hội phụ nữ, nông dân…

Tham gia ngày hội việc làm được tổ chức tại huyện Định Hóa, chị Mai Thị Huyền, dân tộc Tày, trú tại xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa vô cùng phấn khởi bởi tại đây chị đã được cung cấp nhiều thông tin cũng như tìm hiểu các cơ hội việc làm góp phần nâng cao thu nhập , đời sống.

Chị Huyền cho biết: "Gia đình tôi có 4 người, chủ yếu là làm chè, thu nhập trung bình, chồng tôi đi làm thợ xây, cuộc sống của gia đình chỉ trông chờ vào việc trồng và chế biến chè mà lại phải nuôi các con ăn học nên đến với ngày hội việc làm tôi mong muốn sẽ được tư vấn và tìm hiểu một công việc khác đem lại thu nhập tốt hơn để trang trải cuộc sống của bản thân và gia đình.

Ngoài ra, các con của tôi cũng đến tuổi trưởng thành, tôi cũng mong tìm hiểu thông tin để có định hướng cho con sau này học xong có thể xin đi làm tại các công ty".

Đào tạo nghề dựa trên thế mạnh

Còn đối với chị Hoàng Thị Sinh, dân tộc Tày, trú tại xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Từ sáng sớm, chị Sinh đã di chuyển quãng đường hơn 10km để đến tham gia ngày hội cung cấp các thông tin về việc làm.

Chị Sinh bộc bạch, tôi là lao động chính trong gia đình có 5 người, chủ yếu là làm ruộng, hiện tại có tổng 7 sào, chồng tôi đi làm thuê, ai thuê gì làm nấy, lúc thì đi làm phụ xây, khi lại phơi bóc gỗ thuê, trung bình cả tháng chỉ kiếm được vẻn vẹn số tiền ít ỏi khoảng 2 triệu đồng, nên thông qua các chương trình, sàn giao dịch việc làm tôi mong muốn sẽ tìm hiểu, nắm bắt thông tin và kiếm được một công việc phù hợp với sức khỏe của bản thân, gần nhà thì càng tốt.

Ông Phạm Quang Sáng, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa thông tin: "Thời gian qua, huyện đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo việc làm, giải quyết việc làm bền vững cho người lao động như khuyến khích và mở rộng hoạt động tạo việc làm cho lao động thuộc các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông, các công trình trọng điểm tại các xã, xóm có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, huyện đã tập trung xây dựng đề án phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với định hướng phát triển công nghiệp trong nông nghiệp, tập trung duy trì, mở rộng các cơ sở sản xuất, chế biến hiện có.

Tạo điều kiện phát triển các cơ sở sản xuất, chế biến mới như chế biến chè, chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng. Hàng năm, huyện đào tạo, liên kết đào tạo nghề cho trên 250 lao động nông thôn. Các nghề đào tạo được lựa chọn dựa trên điều kiện thực tế và các thế mạnh của huyện.

Như vậy, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp mà đến thời điểm này, huyện Định Hóa đã và đang từng bước tháo gỡ những khó khăn, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, từ đó góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho bà con".

Phương Thảo

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trien-khai-dong-bo-cac-giai-phap-giai-quyet-viec-lam-gop-phan-xoa-doi-giam-ngheo-post683652.html