Tránh tình trạng trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội

Tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV, góp ý vào Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đề nghị cơ quan soạn thảo tổ chức lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động, bảo đảm công bằng giữa các đối tượng; đồng thời, tránh kẽ hở để một số đối tượng lợi dụng trục lợi...

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh TRẦN ĐÌNH GIA: Tránh "kẽ hở" để trục lợi

Đồng tình với việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) là cần thiết, góp ý vào các điều khoản của dự thảo luật, đại biểu Trần Đình Gia cho rằng: tại điểm a, khoản 1, Điều 3 về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện cần bổ sung cụm từ: “thu nhập từ công việc theo thỏa thuận đó”, thành: “Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên, kể cả trường hợp hai bên không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương, thu nhập từ công việc theo thỏa thuận đó và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên, trừ hợp đồng thử việc theo quy định của pháp luật lao động”.

Lý giải vấn đề trên, đại biểu cho rằng: thực tiễn phát sinh nhiều loại hợp đồng, thỏa thuận, giao kết giữa cá nhân, tổ chức hoặc các cá nhân để thực hiện nhiệm vụ, công việc theo thỏa thuận và có hưởng tiền lương, tiền công, thù lao hoặc thu nhập thường xuyên như người lao động làm việc trên nền tảng công nghệ... Đồng thời, tại khoản 1, Điều 24, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: “Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc”.

Cùng với đó, tại khoản 4 đề nghị nâng từ “15 tuổi” lên “18 tuổi”, thành: “Người thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này”, nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn. Bởi, 15 tuổi là tuổi đang đi học, độ tuổi này tài chính phụ thuộc hoàn toàn bố mẹ, người thân.

Liên quan đến khoản 1, Điều 15 về chức năng của cơ quan BHXH, đại biểu đề nghị cần thay thế từ “đóng” bằng cụm từ “việc chấp hành pháp luật” và bổ sung cụm từ “của người sử dụng lao động và người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách”, sửa thành: “Cơ quan BHXH là cơ quan nhà nước do Chính phủ thành lập, có chức năng thực hiện chế độ, chính sách BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện; quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; thanh tra chuyên ngành việc chấp hành pháp luật về BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN của người sử dụng lao động và người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách và nhiệm vụ khác theo quy định của Luật này”.

Về khoản 2, Điều 48 về điều kiện hưởng chế độ thai sản, đề nghị tăng từ “6 tháng” lên “9 tháng”, thành: “Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng BHXH từ đủ 9 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi”. Vì nếu để điều kiện người lao động đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi thì sẽ phát sinh các trường hợp mang thai rồi mới tham gia BHXH để được hưởng chế độ thai sản, đây là kẽ hở để một số đối tượng lợi dụng trục lợi Quỹ BHXH…

Đại biểu Quốc hội BÙI THỊ QUỲNH THƠ: Rà soát quy định giữa chế độ tiền lương mới và chế độ bảo hiểm xã hội

Theo đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có nhiều quy định mang tính nhân văn, tác động sâu rộng hơn đến các đối tượng người lao động trong xã hội. Tuy nhiên, bảo đảm sự thống nhất trong các đối tượng đóng nộp, phạm vi, nội dung và căn cứ tính đóng BHXH, cơ quan soạn thảo cần phối hợp, rà soát quy định giữa chế độ tiền lương mới và chế độ BHXH.

Đại biểu nêu kết quả từ một cuộc khảo sát nhỏ do chính mình thực hiện mới đây dưới hình thức phỏng vấn sâu tới một số đối tượng là chủ hộ kinh doanh và người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng lương, khi được hỏi quan điểm của họ về việc tham gia đóng bảo hiểm bắt buộc với tỷ lệ đóng và căn cứ đóng như quy định trong dự thảo luật, 70% người được hỏi trả lời là không muốn tham gia và không có nhu cầu tham gia; còn 30% trả lời là việc tham gia này phải là tự nguyện... Từ thực tế đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo phải lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động bởi dự án luật để bảo đảm công bằng đối với các đối tượng này.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế vận dụng linh hoạt về quy định chế độ BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện đối với lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài về nước trong trường hợp thu nhập không ổn định và liên tục; bảo đảm thu đúng, thu đủ, nhưng cũng đáp ứng được quyền lợi cho người lao động...

Về điều kiện hưởng chế độ thai sản, đại biểu cũng cho rằng: Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã mở rộng đối tượng được hưởng chế độ thai sản, trong đó có lao động nam đang tham gia BHXH có vợ sinh con (điểm e khoản 1 Điều 48). Tuy nhiên, thực tế hiện nay, một số phụ nữ có xu hướng không kết hôn nhưng vẫn có nhu cầu có con... Do vậy, đề nghị bổ sung một điểm f khoản 1 Điều 48 về điều kiện đối tượng hưởng chế độ thai sản như sau: “Người lao động đang tham gia BHXH đăng ký phục vụ phụ nữ sinh con”.

Diệp Anh - Quang Đức thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/tranh-tinh-trang-truc-loi-quy-bao-hiem-xa-hoi-i352214/