Tìm giải pháp phát triển kinh tế, xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số

Sáng 8-12, tại Hà Nội, Hội hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi Việt Nam phối hợp với Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức hội thảo 'Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ' nhằm đưa ra những giải pháp phát triển kinh tế xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Bế Trường Thành, nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Dân tộc, Chủ tịch Hội hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi Việt Nam cho biết, nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với việc phát triển kinh tế -xã hội nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Việc tổ chức hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ” góp phần triển khai Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 1-8-2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10-2- 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các đại biểu đưa ra những giải pháp phát triển kinh tế, xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Các đại biểu đưa ra những giải pháp phát triển kinh tế, xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ bao gồm 14 tỉnh, dân số khoảng 12,5 triệu người, trong đó hơn 7 triệu là người dân tộc thiểu số, chiếm trên 56 % dân số của vùng và chiếm gần 50 % số người dân tộc thiểu số của cả nước. Đến nay, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là khu vực khó khăn nhất của cả nước: Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, thoát nghèo thiếu bền vững.

Phát biểu tại hội thảo, ông Y Thông – Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ quan tâm xây dựng giải pháp cụ thể, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Phấn đấu đến năm 2030 có trên 85% số xã, thôn trong vùng có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và đời sống của người dân. Cùng với đó là phát triển sản xuất, văn hóa – xã hội và xóa đói giảm nghèo.

Tại hội thảo, đại biểu các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành đã tập trung trao đổi, thảo luận về thực trạng, những vấn đề cần giải quyết, những khó khăn, thách thức của vùng; đặc biệt các địa phương cần có những hành động cụ thể để phát huy hết tiềm năng, lợi thế phục vụ cho sự phát triển của tỉnh, của vùng trong tương lai.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/xa-hoi/dan-toc-ton-giao/tin-tuc/tim-giai-phap-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-754639

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/629395-tim-giai-phap-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so.html