Thuốc trị tăng acid uric máu

Nhiều bệnh nhân khi khám sức khỏe phát hiện acid uric máu tăng cao. Vậy tăng acid uric có phải là bệnh gout và thuốc nào có thể được sử dụng để hạ acid uric?

1. Khi nào cần dùng thuốc trị tăng acid uric máu?

Bệnh gout là một bệnh khớp liên quan đến sự lắng đọng urat trong khớp. Về mặt lý thuyết, tăng acid uric máu là cơ sở sinh lý bệnh của bệnh gout, nhưng khi cơ thể chỉ tăng acid uric máu mà không có biểu hiện lâm sàng như sưng khớp, đau nhức thì chúng ta gọi đó là tăng acid uric máu không triệu chứng, chưa thể đánh giá là bệnh gout.

Tuy nhiên, khi nồng độ acid uric trong máu càng cao và tồn tại càng lâu thì nguy cơ phát triển bệnh gout càng cao. Acid uric cao trong thời gian dài không chỉ ảnh hưởng đến bệnh gout mà còn ảnh hưởng đến sự xuất hiện của sỏi tiết niệu và bệnh thận do acid uric.

Bệnh nhân tăng acid uric máu cần được quản lý toàn diện và lâu dài. Thời điểm bắt đầu điều trị bằng thuốc được xác định dựa trên kết quả xét nghiệm nồng độ acid uric trong máu và các triệu chứng, dấu hiệu lâm sàng kết hợp, đồng thời xây dựng các mục tiêu điều trị tương ứng.

Trước tiên người bệnh cần được hướng dẫn thực hiện các biện pháp điều trị không dùng thuốc. Nếu có bệnh đi kèm, cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để xây dựng kế hoạch điều trị bệnh đi kèm và tránh sử dụng các thuốc ảnh hưởng đến chuyển hóa acid uric.

Nồng độ acid uric trong máu càng cao và tồn tại càng lâu thì nguy cơ phát triển bệnh gout càng cao.

Nồng độ acid uric trong máu càng cao và tồn tại càng lâu thì nguy cơ phát triển bệnh gout càng cao.

Chìa khóa của điều trị không dùng thuốc là thúc đẩy chế độ ăn uống cân bằng, chủ yếu là chế độ ăn ít purine. Uống nhiều nước hơn và duy trì lượng nước tiểu hàng ngày từ 2000 đến 3000ml; uống sữa và các sản phẩm từ sữa, đặc biệt là sữa gầy và sữa chua ít calo, đồng thời tránh uống đồ uống có chứa đường fructose hoặc nước ngọt có đường như cola; tập thể dục thường xuyên, giảm cân cũng có thể làm giảm nồng độ acid uric trong máu một cách hiệu quả.

Điều trị bằng thuốc có tính chất bổ sung, thích hợp cho bệnh nhân tăng acid uric máu khi các biện pháp can thiệp không dùng thuốc không hiệu quả. Đặc biệt đối với những bệnh nhân có nồng độ acid uric huyết thanh cao hơn 480 μmol/L trong thời gian dài và có biến chứng do hội chứng chuyển hóa, bệnh tim mạch, bệnh thận, sỏi thận...

2. Các thuốc trị tăng acid uric máu

2.1 Thuốc allopurinol, ức chế sản xuất acid uric

- Tác dụng: Allopurinol là một chất ức chế purine oxidase. Đây cũng là loại thuốc duy nhất cho đến nay có thể làm giảm sản xuất acid uric và giảm mức acid uric trong cơ thể. Nguyên tắc của allopurinol là ức chế xanthine oxyase và ức chế chuyển đổi xanthine thành acid uric, giảm tổng hợp acid uric.

- Tác dụng phụ: Allopurinol có liên quan đến nhiều phản ứng bất lợi, bao gồm phát ban, phản ứng đường tiêu hóa và hội chứng quá mẫn với allopurinol.

- Chống chỉ định: Không dùng cho những người bị dị ứng với allopurinol, bị suy gan, thận nặng, có lượng hồng cầu thấp rõ rệt, phụ nữ có thai và phụ nữ đang cho con bú...

2.2 Thuốc febuxostat

- Tác dụng: Febuxostat còn là chất ức chế xanthine oxidase làm giảm nồng độ acid uric huyết thanh bằng cách ức chế tổng hợp acid uric.

- Tác dụng phụ: Các phản ứng phụ thường gặp của febuxostat bao gồm chức năng gan bất thường, buồn nôn và phát ban. Bệnh nhân suy thận nhẹ đến trung bình không cần điều chỉnh liều. Bệnh nhân suy thận nặng nên thận trọng khi sử dụng.

- Chống chỉ định: Thuốc chống chỉ định ở những bệnh nhân dùng azathioprine và mercaptopurin. Ngoài ra, febuxostat có thể làm tăng nguy cơ tử vong ở bệnh nhân gout mắc bệnh tim mạch. Những người có tiền sử bệnh tim mạch hoặc mới mắc bệnh tim mạch cần thận trọng khi sử dụng và theo dõi để cảnh giác với sự xuất hiện của các biến cố huyết khối tim mạch.

2.3 Thuốc benzbromarone,thúc đẩy đào thải acid uric

- Tác dụng: Benzbromarone ức chế sự tái hấp thu acid uric ở ống thận, từ đó làm giảm nồng độ acid uric trong máu.

- Tác dụng phụ: Các phản ứng phụ thường gặp bao gồm buồn nôn, nôn, đầy bụng và tiêu chảy.

- Chống chỉ định: Người dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc, bệnh nhân suy thận nặng (tốc độ lọc cầu thận dưới 20ml/phút), bệnh nhân bị sỏi thận nặng, phụ nữ mang thai và phụ nữ đang cho con bú. Trong quá trình sử dụng thuốc nên uống nhiều nước để tăng lượng nước tiểu, nhằm tránh nồng độ urat quá cao hình thành tinh thể acid uric trong nước tiểu.

Điều trị bằng thuốc có thể được coi là thích hợp cho bệnh nhân tăng acid uric máu khi các biện pháp can thiệp không dùng thuốc không mang lại hiệu quả.

Điều trị bằng thuốc có thể được coi là thích hợp cho bệnh nhân tăng acid uric máu khi các biện pháp can thiệp không dùng thuốc không mang lại hiệu quả.

3. Lưu ý khi sử dụng thuốc

Bệnh nhân bị acid uric tăng cao lâu ngày nên đến bệnh viện để khám cụ thể. Sử dụng thuốc đồng thời phối hợp với việc điều trị không dùng thuốc, acid uric mới có thể trở lại bình thường. Các loại thuốc hạ urat trên lâm sàng thường được sử dụng chủ yếu có tác dụng từ hai khía cạnh: Ức chế sản xuất acid uric hoặc thúc đẩy bài tiết acid uric. Bác sĩ sẽ lựa chọn tùy theo tình hình thực tế của bệnh nhân.

Các loại thuốc hạ acid uric nêu trên không thích hợp sử dụng trong giai đoạn cấp tính của bệnh gout. Sử dụng trong giai đoạn cấp tính sẽ kéo dài thời gian các cơn gout cấp. Thông thường nên dùng sau các đợt gout cấp tính 1-2 tuần.

Quá trình hạ acid uric cần diễn ra ổn định. Sau khi bắt đầu hạ acid uric, người bệnh cần thường xuyên kiểm tra nồng độ acid uric trong máu để quan sát xem liệu liều thuốc hiện tại có thể làm giảm nồng độ acid uric đến mức mục tiêu hay không, đồng thời chuẩn độ liều thuốc hạ acid uric.

Sau khi acid uric đạt mục tiêu, người bệnh không tùy ý ngừng dùng thuốc khi chưa có hướng dẫn của bác sĩ.

Những điều cần biết về bệnh gout cấp

DS. Nguyễn Quốc Hòa

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thuoc-tri-tang-acid-uric-mau-169240513103543004.htm