Thu hẹp chênh lệch giá vàng miếng SJC - vì sao vẫn mãi loay hoay?

Với quyết tâm tăng cường quản lý đối thị trường vàng, kiềm chế giá vàng miếng SJC trong nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 12/5 vừa qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh về công tác phối hợp quản lý đối với thị trường vàng.

Sở dĩ NHNN chọn làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh là bởi đây không chỉ là địa bàn có số lượng mua, bán trao đổi rất lớn đối với mặt hàng này, mà UBND TP Hồ Chí Minh còn là chủ sở hữu của Công ty NTHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (Công ty SJC). Ngoài việc là doanh nghiệp sản sinh ra thương hiệu vàng miếng SJC để sản phẩm này trở thành thương hiệu vàng nổi tiếng lâu nay, thì Công ty SJC còn là doanh nghiệp kinh doanh vàng có thị phần lớn trên cả nước. Mạng lưới phân phối kinh doanh của doanh nghiệp này đã có hàng trăm cửa hàng trực tiếp, vài nghìn của hàng liên kết bán lẻ trên cả nước cùng nhiều đại lý chính thức.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cuối tháng 4 vừa qua, NHNN đã tổ chức bán đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng thương hiệu này. Đỉnh điểm, giá vàng miếng SJC bán ra trên thị trường đã tăng vọt lên đến hơn 92,4 triệu đồng/lượng trong phiên đấu giá ngày 10/5, chênh lệch tới 20 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới và là mức kỷ giá lục của vàng miếng SJC từ khi thương hiệu này xuất hiện. Mức giá trên cũng cao hơn rất nhiều so với chính giá vàng nhẫn SJC có cùng tuổi vàng được bán ra là 76,4 triệu đồng/lượng trong cùng ngày.

Từ cách đây 11 năm, sau khi vàng miếng SJC được NHNN trực tiếp quản lý, NHNN đã tổ chức 76 phiên đấu thầu, tổng cộng 1.819.000 lượng đã được đấu thầu thành công để đưa ra thị trường. Trước khi NHNN tổ chức các phiên đấu thầu, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC với giá vàng thế giới ở mức 3 triệu đồng/lượng. Sau khi NHNN đấu thầu hết số lượng vàng miếng SJC rất lớn trên, khoảng chênh luôn giữ quanh mức 4 triệu đồng, thậm chí có thời điểm chênh lệch lên đến 5-6 triệu đồng/lượng. Thực trạng trên đã cho thấy, sau mỗi lần đưa thêm vàng lượng lớn vàng miếng SJC ra thị trường, mức chênh của sản phẩm này với giá vàng thế giới càng cao hơn.

Cách đây 12 năm, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam thời điểm đó đã băn khoăn rằng: “NHNN đã tiếp cận, điều hành việc sản xuất, cung - cầu vàng miếng cho thị trường, kể cả việc chỉ đạo hân phối qua mạng lưới kinh doanh vàng có đủ điều kiện. Điều này đồng nghĩa với việc NHNN gánh vác trách nhiệm nhiều hơn, trực tiếp hơn với chính phủ và xã hội về diễn biến thị trường vàng”.

Phải thừa nhận rằng, kể từ khi tổ chức lại việc quản lý đối với thị trường vàng và hoạt động sản xuất, cung ứng vàng miếng SJC ra thị trường, NHNN đã loại bỏ hẳn được tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế. Nhưng về giá vàng miếng SJC, việc kiềm chế bằng cách tăng nguồn cung ra thị trường vẫn không thành công. Gần nhất, trong đợt đấu thầu vàng miếng SJC tiếp theo được tổ chức ngày 14/5, giá tham chiếu được NHNN đưa ra đã ở mức 87,7 triệu đồng/lượng và giá trúng đấu thầu ở mức hơn 87,7 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng thế giới trong ngày này được quy đổi thành tiền Việt Nam chỉ ở mức hơn 70,5 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí và công chế tác).

Ông H.N, chủ một cửa hàng vàng bạc lâu năm ở TP Hồ Chí Minh cho hay, giá vàng miếng SJC được đưa ra đấu thầu vẫn theo sát giá của thị trường vàng miếng trong nước vốn đã có khoảng chênh rất lớn với giá vàng thế giới. Như vậy, NHNN mới chỉ đạt được một mục tiêu là tăng nguồn cung, chứ chưa thể kéo giảm giá vàng miếng SJC xuống sát giá vàng thế giới sau đấu thầu.

Ủng hộ chủ trương siết chặt kiểm soát việc xuất hóa đơn trong mua, bán vàng, ông H.N phân tích, việc này sẽ giúp thu thuế đối với những tổ chức, cá nhân đầu tư vàng. Góp ý về điều kiện doanh nghiệp phải có vốn điều lệ 100 tỷ đồng trở lên mới được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng, ông H.N cho rằng quy định như vậy đã loại bỏ một loạt các cửa hàng vàng bạc quy mô nhỏ ra khỏi hệ thống giao dịch vàng miếng trong khi đây là kênh thu gom, luân chuyển vàng miếng với số lượng nhỏ, lẻ trên thị trường khá hiệu quả. “Cửa hàng nhỏ mãi lực mua, bán, trao đổi một vài chục lượng mỗi ngày, tiệm vàng nhỏ cần vốn trăm tỷ đồng để làm gì?”.

Bên cạnh đó, muốn mua, bán vàng miếng SJC, người dân thường phải mang số tài sản lớn chạy lòng vòng để tìm đến những nơi được phép kinh doanh loại vàng này.

Nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính đã nêu ra giải pháp thành lập Trung tâm giao dịch vàng quốc gia hay còn gọi là sàn vàng làm nơi mua bán tập trung, trước mắt là áp dụng với sản phẩm vàng miếng. TS Lê Đạt Chí (ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh) lập luận, nếu có sàn vàng, người dân chỉ cần mua, bán vàng qua giấy tờ, còn vàng miếng giao dịch có thể được gửi tại kho, quỹ của tổ chức Nhà nước; giới đầu cơ cũng sẽ giảm áp lực lên thị trường vàng miếng tự do vì họ không nhất thiết phải mua vàng vật chất về cất trữ, áp lực nhập khẩu vàng nguyên liệu về để chế tác thành vàng miếng cũng sẽ giảm. Điều này cũng giúp dần rút ngắn được khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước với giá vàng thế giới.

Khi Nhà nước kiểm soát hoàn toàn hoạt động giao dịch vàng, vấn đề thu thuế sẽ không còn phải trông chờ vào sự tự giác của các tổ chức, cá nhân, việc huy động vàng cũng sẽ dễ dàng hơn. Thế nhưng đến nay, NHNN vẫn chưa mặn mà với vấn đề này.

Bảo Sơn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/thu-hep-chenh-lech-gia-vang-mieng-sjc-vi-sao-van-mai-loay-hoay--i731448/