Thị trường dược phẩm Việt Nam đạt 7 tỉ USD năm 2023

Việt Nam hiện được xếp vào nhóm quốc gia có giá trị dược phẩm và tốc độ phát triển nghành dược nhanh trên thế giới. Chất lượng thuốc ngày càng nâng cao, trong khi giá rẻ hơn so với thuốc nhập khẩu cùng loại

Tại lễ trao danh hiệu "Ngôi sao thuốc Việt" lần thứ 2, diễn ra tối 17-5, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết những năm qua, sản xuất trong nước đã đáp ứng khoảng 60% nhu cầu thuốc cho phòng và chữa bệnh.

Bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế và ông Trần Hồng Thái, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trao danh hiệu “Ngôi sao thuốc Việt” cho 18 đơn vị, doanh nghiệp - Ảnh: Trần Minh

Bà Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế và ông Trần Hồng Thái, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ trao danh hiệu “Ngôi sao thuốc Việt” cho 18 đơn vị, doanh nghiệp - Ảnh: Trần Minh

Hiện cả nước có hơn 62.000 cơ sở bán lẻ, hơn 5.000 cơ sở bán buôn thuốc, 238 nhà máy sản xuất thuốc dược phẩm đạt tiêu chuẩn WHO-GMP, 17 nhà máy thuốc đạt tiêu chuẩn EU-GMP (thực hành sản xuất tốt theo tiêu chuẩn châu Âu) và tương đương…

Chất lượng thuốc nội ngày càng được nâng cao, trong khi giá thành rẻ hơn so với thuốc cùng loại nhập khẩu.

Thống kê của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có giá trị dược phẩm và tốc độ phát triển nghành dược nhanh trên thế giới. Thị trường dược phẩm Việt Nam đang trên đà tăng trưởng với tổng giá trị ước tính tăng từ khoảng 2,7 tỉ USD trong năm 2015 lên hơn 7 tỉ USD vào năm 2023, dự báo đạt hơn 10 tỉ USD vào năm 2026.

Giá thuốc của nhóm thuốc biệt dược gốc và thuốc generic đối với các thuốc sử dụng nhiều nhất của Việt Nam đều ở mức thấp nhất so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, lễ trao danh hiệu "Ngôi sao thuốc Việt" được Bộ Y tế tổ chức lần đầu vào năm 2015. Đến nay, đây là danh hiệu danh giá và duy nhất dành cho các doanh nghiệp và sản phẩm trong lĩnh vực dược.

Bà cũng kỳ vọng các sản phẩm thuốc đạt danh hiệu này sẽ góp phần lan tỏa đến cộng đồng, củng cố sự tin tưởng, tín nhiệm của người Việt đối với thuốc Việt, góp phần cổ vũ mạnh mẽ phong trào người Việt dùng thuốc Việt.

Theo chiến lược phát triển của ngành dược, Việt Nam phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Đến năm 2030, 100% thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh.

Thuốc sản xuất trong nước phấn đấu đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sử dụng và 70% giá trị thị trường. Tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước.

D.Thu

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thi-truong-duoc-pham-viet-nam-dat-7-ti-usd-nam-2023-19624051806291296.htm