Thị trường chứng khoán Việt Nam 'chèo thuyền qua những cơn gió ngược'

Những lo lắng về tháng 5 có thể 'Sell in May' đang dần bớt căng thẳng khi từ đầu tháng đến nay, thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn chưa có những phiên biến động bất thường. Các nhà phân tích của công ty chứng khoán. (CTCK) nhận định, thị trường vẫn đang duy trì lạc quan do những áp lực lãi suất ngắn hạn đang được bù đắp bằng tăng trưởng lợi nhuận bền vùng, cùng với tiềm năng nâng hạn thị trường.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang "vượt sóng" với những kỳ vọng về lãi suất, chính sách và hành động của NHNN. Ảnh minh họa

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang "vượt sóng" với những kỳ vọng về lãi suất, chính sách và hành động của NHNN. Ảnh minh họa

Báo cáo phân tích chiến lược thị trường tháng 5 của Maybank Investment Bank (MSVN) vừa công bố ngày 17/5 mới đây kỳ vọng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tăng lãi suất thị trường thêm khoảng 100 điểm cơ bản để bảo vệ đồng nội tệ đang suy yếu. Hiện nay, NHNN đã triển khai hầu hết các công cụ chính sách sẵn có để hỗ trợ đồng nội tệ, bao gồm trấn an, phát hành tín phiếu kho bạc, bán USD và nối lại đấu giá vàng.

Tuy nhiên, áp lực giảm giá đối với VNĐ vẫn còn dai dẳng do sự mất giá của đồng nội tệ so với USD thực tế đã tăng lên 2,0% trong tháng 4/2024, so với 0,6%, 0,9% và 0,7% lần lượt vào tháng 3, tháng 2 và tháng 1/2024. Điều này một phần là do sự can thiệp nêu trên của NHNN cho đến nay vẫn còn hạn chế. Cụ thể, NHNN mới chỉ bán được 500 triệu USD và 6.800 lượng vàng, hút 13 tỷ đồng/520 triệu USD từ hệ thống ngân hàng kể từ ngày 19/4/2024. Qua đó, chỉ tác động nhẹ đến thanh khoản của các NHTM trong khi các doanh nghiệp phi ngân hàng và cá nhân gần như không bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, nguyên nhân sâu xa hơn khiến tiền đồng mất giá – chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Việt Nam – vẫn chưa được giải quyết một cách toàn diện. Trong khi đó, hầu hết các ngân hàng trung ương toàn cầu, bao gồm cả Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã chuyển sang chính sách “diều hâu” vào năm 2022 để chống lạm phát gia tăng, thì NHNN lại theo đuổi các chính sách nới lỏng để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế sau những biến động trên thị trường trái phiếu và bất động sản trong nước.

Lý do khác khiến áp lực lên đồng VNĐ thời gian gần đây gia tăng là do khả năng Fed sẽ giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn. Lạm phát trong nước đang gia tăng do các yếu tố đẩy chi phí dai dẳng như lương thực và năng lượng. Cụ thể, lạm phát tháng 4/2024 tăng lên 4,4% so với cùng kỳ năm trước, đưa lạm phát trung bình 4 tháng đầu năm lên 3,93%.

Chênh lệch lãi suất là nguyên nhân sâu xa khiến VNĐ mất giá trong 3 năm qua. Nguồn: MSVN

Chênh lệch lãi suất là nguyên nhân sâu xa khiến VNĐ mất giá trong 3 năm qua. Nguồn: MSVN

Mặc dù MSVN dự báo, lạm phát vẫn có thể kiểm soát được trong năm nay nhưng lạm phát trung bình cả năm vẫn có thể tăng lên 3,7% từ mức 3,5% trước đó và kỳ vọng, NHNN sẽ sớm có hành động thận trọng và không thể loại trừ khả năng, NHNN sẽ tăng lãi suất để tái ổn định thị trường ngoại hối, chủ động kiềm chế trước lạm phát.

Theo đó, mức tăng lãi suất chính sách ban đầu có thể sẽ ở mức độ nhẹ, 25 - 50 điểm cơ bản mỗi lần vì lãi suất thị trường hiện thấp hơn nhiều so với trần lãi suất. Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng của Vietcombank hiện chỉ ở mức 2,9% so với trần lãi suất là 4,75%. Vì vậy, mức tăng này chủ yếu nhằm thể hiện định hướng chính sách của NHNN và dành thời gian để các NHTM điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp.

Đồng thời, NHNN nhiều khả năng cũng sẽ triển khai các công cụ tương tự nêu trên nhưng với tốc độ nhanh và quyết liệt hơn để giữ lãi suất liên ngân hàng ở mức khoảng 5%, hoặc cao hơn nhằm chuyển dần tác động thanh khoản từ thị trường liên ngân hàng sang nền kinh tế. Về mặt thị trường, các chuyên gia kỳ vọng lãi suất tiền gửi (cụ thể là kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng) sẽ tăng 100 điểm cơ bản trong quý 2 và quý 3 năm 2024, sau đó sẽ tác động đến lãi suất cho vay.

Theo đó, trong quý 2, lợi nhuận doanh nghiệp sẽ tăng trưởng khả quan hơn quý 1, đồng thời sẽ có sự tăng tốc trong quý 3 và quý 4/2024 bởi các nhóm ngành ngân hàng, bán lẻ, thép và công nghệ thông tin (CNTT) dẫn dắt.

Bên cạnh đó, VN-Index cũng tiếp tục duy trì sự lạc quan ở mức 1.420 điểm, tương đương P/E là 14.,2 lần, được củng cố bởi mức tăng trưởng lợi nhuận 15,2% so với cùng kỳ và tiềm năng nâng hạng thị trường.

Mặt khác, việc tăng lãi suất và tỷ giá VNĐ/USD tăng lên 0,2% trong tháng 4 vừa qua cũng sẽ không làm chệch hướng quá trình phục hồi kinh tế. Do đó, bộ phận phân tích và nghiên cứu MSVN đã phải thay đổi quan điểm và chuyển hướng ủng hộ NHNN tăng lãi suất trong nước nhằm giải quyết một cách toàn diện chênh lệch lãi suất với Mỹ, tức là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự yếu đi của VNĐ.

MSVN kỳ vọng, NHNN sẽ bán tín phiếu kho bạc, USD và vàng mạnh mẽ hơn; đồng thời tăng lãi suất chính sách (cụ thể là trần lãi suất tiền gửi 6 tháng để thể hiện lập trường của mình) để tăng dần lãi suất thị trường lên 100 điểm cơ bản trong quý 2 và quý 3. Điều này sẽ giúp niềm tin của các nhà đầu tư được củng cố và kích thích tiêu dùng trong nước. Như vậy, GDP có thể sẽ tăng trưởng 5,8% so với cùng kỳ và tiếp tục tăng tốc trong nửa cuối năm 2024.

Về mặt tín dụng, tín dụng tài chính tiêu dùng đã ngừng giảm theo quý trong quý 1/2024 và tín dụng ngân hàng nói chung chuyển biến tích cực trong tháng 4/2024, cho thấy niềm tin chung của người đi vay được cải thiện. Khi quá trình phục hồi đang đi đúng hướng, niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng đang được củng cố, đặc biệt là trong nửa cuối năm 2024.

MSVN tin rằng, mức tăng lãi suất 100 điểm cơ bản sẽ không cản trở đáng kể hoạt động đầu tư và tiêu dùng của các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước. Dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 ở mức 5,8% so với cùng kỳ.

Hải Yên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/thi-truong-chung-khoan-viet-nam-cheo-thuyen-qua-nhung-con-gio-nguoc-20240517224145190.htm