Thêm một kỷ lục đáng báo động tới Trái Đất

Nếu tình trạng nhiệt độ không trở lại ổn định vào tháng 8, 'thế giới sẽ là vùng lãnh thổ chưa được khám phá', các chuyên gia khí hậu cảnh báo.

Lại thêm một tháng nữa, một kỷ lục nhiệt độ toàn cầu khác khiến các nhà khoa học khí hậu thế giới phải “vò đầu bứt tai” và hy vọng đây chỉ là hiện tượng liên quan đến El Ninõ chứ không phải là triệu chứng của tình trạng sức khỏe hành tinh tồi tệ hơn dự đoán, theo Guardian.

10 tháng liên tiếp nhiệt độ cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu Copernicus (C3S) ngày 9/4 cho biết thế giới vừa trải qua tháng 3 với nhiệt độ cao nhất trong lịch sử, đánh dấu chuỗi 10 tháng liên tiếp lập kỷ lục nhiệt độ mới.

Theo dữ liệu của Copernicus, mỗi tháng trong 10 tháng vừa qua đều được xếp là tháng nóng thế giới so với tháng tương ứng trong những năm trước.

12 tháng kết thúc vào tháng 3 vừa qua cũng được xếp là năm nóng nhất từng được ghi nhận trên hành tinh. Từ tháng 4/2023 đến tháng 3/2024, nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,58 độ C so với mức trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1900.

“Xu hướng dài hạn với những kỷ lục bất thường khiến chúng tôi rất lo ngại”, Phó Giám đốc C3S Samantha Burgess nói.

“Chứng kiến những kỷ lục như thế này - tháng này qua tháng khác - thực sự cho thấy khí hậu của chúng ta đang thay đổi rất nhanh chóng”.

 Sở thú Singapore đang triển khai một loạt biện pháp để giúp các con vật chống chọi với thời tiết ngày càng nóng lên. Ảnh: Straits Times.

Sở thú Singapore đang triển khai một loạt biện pháp để giúp các con vật chống chọi với thời tiết ngày càng nóng lên. Ảnh: Straits Times.

Bộ dữ liệu của C3S có từ năm 1940, được các nhà khoa học kiểm tra chéo với các dữ liệu khác, và xác nhận tháng vừa qua là tháng 3 nóng nhất kể từ thời kỳ tiền công nghiệp.

Hiện tại, năm 2023 đã là năm nóng nhất hành tinh trong kỷ lục toàn cầu kể từ năm 1850.

Đáng báo động

Thời tiết khắc nghiệt và nhiệt độ kỷ lục đã tác động lớn lên năm vừa qua.

Hạn hán do biến đổi khí hậu ở khu vực rừng nhiệt đới Amazon đã gây ra số vụ cháy rừng lớn kỷ lục ở Venezuela tháng 1-3, trong khi hạn hán ở Nam Phi tàn phá mùa màng và khiến hàng triệu người phải đối mặt với nghèo đói.

Các nhà khoa học đại dương cũng tháng trước cảnh báo rằng sự kiện tẩy trắng san hô hàng loạt có thể đang diễn ra ở Nam Bán cầu do nước ấm lên và có thể là sự kiện tồi tệ nhất trong lịch sử hành tinh.

C3S cho rằng nguyên nhân hàng đầu của tình trạng nắng nóng bất thường là do phát thải khí nhà kính do con người gây ra. Các yếu tố khác làm tăng nhiệt độ bao gồm El Nino, kiểu thời tiết làm ấm vùng nước bề mặt ở phía đông Thái Bình Dương.

El Nino đạt đỉnh điểm vào tháng 12/2023 - tháng 1/2024 và mặc dù đã sụt giảm trong tháng 3, nhiệt độ mặt nước biển trung bình trên thế giới vẫn đạt mức cao kỷ lục trong bất kỳ tháng nào được ghi nhận và nhiệt độ không khí biển vẫn cao bất thường.

“Nguyên nhân chính của sự nóng lên là phát thải nhiên liệu hóa thạch”, Friederike Otto, nhà khoa học khí hậu tại Viện Grantham của Đại học Hoàng gia London (Anh), nêu rõ.

Theo chuyên gia này, việc không giảm lượng phát thải này tiếp tục thúc đẩy hành tinh nóng lên, dẫn đến hạn hán, hỏa hoạn, nắng nóng và lượng mưa lớn dữ dội hơn.

Gavin Schmidt, Giám đốc Viện Nghiên cứu Vũ trụ Goddard của NASA, lưu ý rằng kỷ lục nhiệt độ đang bị phá vỡ mỗi tháng lên tới 0,2 độ C. Ông đã viết trong một bài báo gần đây cho Nature: “Chưa có năm nào khiến khả năng dự đoán của các nhà khoa học về khí hậu bị bối rối hơn năm 2023”.

Ông Schmidt đã liệt kê một số nguyên nhân chính gây ra hiện tượng bất thường - hiệu ứng El Ninõ, sự giảm các hạt sulfur dioxide làm mát do kiểm soát ô nhiễm, bụi phóng xạ từ vụ phun trào núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai ở Tonga vào tháng 1/2022 và sự gia tăng hoạt động của Mặt Trời ở Tonga, sự tiến tới hoạt động cực đại đại của Mặt Trời.

Tuy nhiên, dựa trên các phân tích sơ bộ, ông cho biết những yếu tố này không đủ để giải thích cho mức tăng 0,2C: “Nếu sự bất thường không ổn định vào tháng 8 - một kỳ vọng hợp lý dựa trên các đợt El Ninõ trước đó - thì thế giới sẽ ở trong vùng chưa được khám phá. Nó có thể ám chỉ rằng một hành tinh đang nóng lên đang làm thay đổi căn bản cách thức hoạt động của hệ thống khí hậu, sớm hơn nhiều so với dự đoán của các nhà khoa học”.

Dữ liệu về nhiệt độ Trái Đất được Copernicus thực hiện hằng tháng và sử dụng hệ thống đo lường khác đôi chút so với công cụ đo sử dụng trong Hiệp định Paris, vốn được tính trung bình trong giai đoạn 2 hoặc 3 thập kỷ.

Hạnh Di

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/them-mot-ky-luc-dang-bao-dong-toi-trai-dat-post1469208.html