Thầy Thím - vị pháp sư người Chăm

Mới đây, có dịp trao đổi với nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi (TP. Hồ Chí Minh) chúng tôi được biết sự tích Thầy Thím có liên quan đến nghề đóng ghe bầu - một loại thuyền buôn, thuyền vận tải nổi tiếng của người Việt trước đây. Do đó, người viết bài này đã tìm đọc lại một số tài liệu và nhận thấy nhiều thông tin lý thú về nhân vật này.

Khác với sự tích mà chúng ta được biết, trong công trình Ghe Bầu trong đời sống văn hóa ở Hội An – Quảng Nam (NXB. Dân trí, 2011), nhà nghiên cứu Trần Văn An đưa ra một cách hiểu khác: Thầy Thím là một pháp sư Chăm, chuyên đóng ghe bầu thuê cho người Việt. Bởi liên quan đến nguồn gốc ghe bầu, một số người cao tuổi và bạn lái ghe tại địa phương hiện vẫn còn lưu truyền thuyết về Thầy Thím.

Chính điện thờ Thầy Thím tại xã Tân Tiến (thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận).

Theo đó, Thầy Thím quê ở Thi Lai – Hà Mật (nay thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), là một pháp sư người Chăm có nhiều phép thuật. Nhưng vì phạm tội với triều đình, ông bị bắt và bị xử tội chết nên hóa phép bay vào phương Nam. Tại làng Tam Tân (nay thuộc xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) ẩn cư trong một khu rừng, sống bằng nghề đóng ghe bầu thuê cho người dân trong vùng. Hễ ai muốn đóng ghe thì đem tiền đến đặt tại dinh Thầy và hẹn ngày đến lấy. Dân địa phương cho hay, đêm đêm từ ngoài biển nhìn vào rừng sâu gần Bàu Cái người ta thấy đèn đuốc sáng trưng, người đi lại tấp nập. Nhưng đến khi gà vừa gáy sáng thì cảnh tượng đêm qua biến mất. Ai mà bạo gan chỉ trỏ, bình luận thì sẽ bị đau ốm, không thể tránh khỏi tai nạn.

Sau khi đóng xong, từ một lạch nước nhỏ gọi là Đường Lướt ván (do Thầy Thím dùng phép thuật vạch ra) ghe bầu được đưa tới hạ thủy để chạy thẳng ra biển. Nhân dân trong vùng thường truyền tụng rằng Thầy Thím đóng ghe rất uy tín, không bao giờ sai hẹn. Dân ghe bầu rất kiêng nể. Khi giong buồm qua lại khu vực này đều đứng lên bái vọng, hoặc ghé vào dinh để cúng, cầu mong Thầy Thím phù hộ cho chuyến đi buôn biển được thuận lợi.

Nói về danh xưng Thầy Thím, tác giả Trần Văn An cũng dẫn một nghiên cứu của Nguyễn Viết Trung (Lưới đăng, nghề biển truyền thống ở Khánh Hòa) cho biết: Theo lời các lão ngư kể lại, ngày xưa trên các đảo và bãi gành dọc hải phận Khánh Hòa, ngư dân hành nghề lưới đăng thường gặp nhiều hiện tượng kỳ lạ mà họ cho là do bị “ma Hời” phá phách nên phải nhờ các pháp sư Chăm cao tay ấn (gọi là Thầy Thím) cũng ếm. Sau này không còn các “Thầy Thím” nữa thì ngư dân tự làm lễ cúng theo thể thức của pháp sư.

Ghe bầu ở Bình Thuận đầu thế kỷ XX - Ảnh: J.B. Píetri.

Từ đây, tác giả Trần Văn An đưa ra nhận định: Thầy Thím là một pháp sư Chăm. Ở Thầy Thím vừa có yếu tố âm vừa có yếu tố dương, vừa có ông vừa có bà, vừa có Thầy vừa có Thím như là sự kết hợp của Nõ Nường, Lỗ Lường của việc thờ các sinh thực khí, thờ Linga-Yoni vốn rất phổ biến trong tín ngưỡng và ở các di tích thờ tự của người Chăm duyên hải miền Trung. Sự kính ngưỡng đặc biệt của các lái ghe bầu đối với nhân vật Thầy Thím thể hiện qua các hình thức cúng bái, kiêng cữ cho thấy chỗ đứng quan trọng của nhân vật này trong đời sống tín ngưỡng của dân ghe bầu... Từ đây có thể thấy, việc các lái ghe bầu khi đi ngang phải cúng bái và cầu mong được bình an, đắc lợi là xuất phát từ ý niệm cho rằng những chiếc ghe bầu của người Việt đang sử dụng là do người Chăm chuyển giao, truyền lại. Và Thầy Thím chính là biểu hiện của sự chuyển giao, truyền lại đó.

Theo cách giải thích trên có thể đưa ra nhận định rằng: Chiếc ghe bầu từng một thời nổi tiếng ở Bình Thuận có nguồn gốc từ Quảng Nam. Từ Thầy Thím, nghề đóng ghe được truyền lại cho các thế hệ người Bình Thuận; trong đó, Mũi Né nổi lên là một trung tâm. Và theo J.Píetri (Thuyền buồm Đông Dương), thợ xảm ghe và thợ mộc ở Làng chài Mũi Né nổi tiếng đóng khéo và có trách nhiệm. Cho đến đầu thế kỷ XX, ghe bầu Mũi Né vẫn là kiểu mẫu được áp dụng tại các xưởng đóng ghe miền Trung, nhất là ở Hội An (Quảng Nam) và Phổ An (Quảng Ngãi).

Từ tài liệu đọc được, tác giả xin được chép ra đây, trước là để bạn đọc biết thêm “góc nhìn” mới về Thầy Thím. Đồng thời góp thêm nguồn tư liệu để tiếp tục nghiên cứu về tín ngưỡng dân gian độc đáo này.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/thay-thim-vi-phap-su-nguoi-cham-118742.html