Thành lập Chi hội vận động hiến tặng mô tạng ở tỉnh Quảng Ninh

Lễ trao quyết định hiến mô tạng, cơ thể người tại tỉnh Quảng Ninh đã đánh dấu mốc quan trọng trong công tác tư vấn vận động hiến mô tạng của ngành y tế trên địa bàn tỉnh.

Lễ phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô, hiến mô tạng tại tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Lễ phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô, hiến mô tạng tại tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 17/5, Sở Y tế tỉnh phối hợp với Hội Vận động hiến tặng mô, tạng Việt Nam và Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia tổ chức Lễ phát động phong trào đăng ký hiến mô, tạng tại tỉnh Quảng Ninh và công bố Quyết định thành lập Chi hội vận động hiến mô và cơ thể người Việt Nam tại tỉnh.

Tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy và nhiều cán bộ, lãnh đạo các ban, ngành của tỉnh đã đăng ký hiến mô tạng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh.

Thúc đẩy phát triển mạng lưới hiến tặng mô, tạng

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy khẳng định việc thành lập Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại tỉnh sẽ thúc đẩy phát triển mạng lưới hiến tặng mô, tạng tại tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, góp phần mang lại sự sống cho nhiều bệnh nhân hơn.

“Tôi mong muốn và tin tưởng rằng, dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và các bệnh viện tuyến trung ương, các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh trên địa bàn sẽ phát triển chuyên môn kỹ thuật, đúc kết nhiều hơn nữa những kinh nghiệm quý về lấy, ghép tạng, từ đó triển khai thành công lấy, ghép tạng tại tỉnh Quảng Ninh”, ông Cao Tường Huy cho hay.

 Phó giáo sư Nguyễn Thị Kim Tiến - Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, tạng Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Phó giáo sư Nguyễn Thị Kim Tiến - Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, tạng Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chia sẻ thêm về thực trạng hiến tạng tại Việt Nam, Phó giáo sư Nguyễn Thị Kim Tiến - Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, tạng Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết hiện đội ngũ y bác sỹ Việt Nam đã làm chủ được công nghệ ghép nhiều tạng cứu sống nhiều người. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là nguồn tạng khi tỷ lệ đăng ký hiến tạng từ người chết não ở Việt Nam chỉ xếp thứ 3 từ dưới lên. Tổ chức Y tế thế giới không khuyến cáo hiến tạng từ người sống, nhưng tại Việt Nam, 95% ca hiến tạng từ người sống. Do đó, việc thành lập các tổ tư vấn hiến mô, tạng tại các bệnh viện là rất cần thiết. Thời gian tới Hội Vận động hiến mô, tạng Việt Nam sẽ đề xuất vừa vận động hiến máu, lồng ghép đăng ký hiến tạng.

Dấu mốc quan trọng tại bệnh viện tuyến tỉnh

Trước đó, vào tháng 11/2023, ngành y tế tỉnh Quảng Ninh cũng đã tổ chức ngày hội đăng ký hiến tặng mô, tạng và tiếp nhận hơn 200 đơn, trong đó có nhiều lãnh đạo ngành y tế địa phương, lãnh đạo các bệnh viện, các cán bộ, nhân viên y tế và sinh viên y khoa trên địa bàn.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Trọng Diện cho hay, ngày 2/4 vừa qua, Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) đã tiếp nhận thông tin một bệnh nhân chết não muốn hiến tạng và ngay sau đó, Sở Y tế đã báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh và phối hợp Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đồng thời khởi động Quy trình báo động ngoại viện. Lần đầu tiên tại Việt Nam, việc lấy tạng đã được thực hiện ngay tại một bệnh viện tuyến tỉnh với sự hỗ trợ của các chuyên gia đầu ngành. Từ một bệnh nhân chết não hiến tạng đã cứu sống được 7 bệnh nhân ở các tỉnh thành khác nhau, trong đó xa nhất là ở Thừa Thiên Huế.

 Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy (trái) và nhiều cán bộ, lãnh đạo các ban, ngành của tỉnh đã đăng ký hiến mô tạng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy (trái) và nhiều cán bộ, lãnh đạo các ban, ngành của tỉnh đã đăng ký hiến mô tạng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Hiến tạng cứu người là hoạt động rất nhân văn nhưng tại Việt Nam, tỷ lệ hiến tạng từ bệnh nhân chết não vẫn thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Mỗi ngày, Việt Nam có khoảng 100 người chờ hiến tạng và có khoảng 30 người chết vì không có tạng ghép, đây là một con số rất đau lòng. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng tỷ lệ người chết não hiến tạng, mang lại hy vọng sống cho rất nhiều bệnh nhân đang chờ ghép tạng,” ông Diện nhấn mạnh.

Lễ trao quyết định hiến mô tạng, cơ thể người tại tỉnh Quảng Ninh đã đánh dấu mốc quan trọng trong công tác tư vấn vận động hiến mô tạng của ngành y tế trên địa bàn tỉnh.

Chi hội có 47 hội viên chính thức là lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo các bệnh viện, trung tâm y tế và sẽ tiếp tục được phát triển các hội viên đến từ các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau trong xã hội. Chi hội cũng đã có Tổ tư vấn, vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người hoạt động thường xuyên tại Phòng tư vấn, vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người, có địa chỉ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.

 Nhiều người đã ký vào đơn đăng ký hiến mô tạng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhiều người đã ký vào đơn đăng ký hiến mô tạng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngay sau khi thành lập, Chi hội Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người tại Quảng Ninh đã tổ chức phát động đăng ký hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người trên địa bàn tỉnh.

Tại Quảng Ninh hiện có 1.000 người bị suy thận đang phải lọc máu chu kỳ tại các bệnh viện y tế trên toàn tỉnh, trong đó có 30% trong số này suy thận mạn giai đoạn 3, 4 và cần được ghép thận. Việc tìm nguồn thận ghép luôn là nỗi mong mỏi của hàng nghìn người bệnh, gia đình bệnh nhân.

Với thông điệp “Cho đi là còn mãi…”, ngành Y tế Quảng Ninh từ sớm đã chủ động tham gia vào mạng lưới hiến, ghép tạng quốc gia. Từ năm 2018, ngành y tế tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng lộ trình chuẩn bị cả về cơ sở vật chất, chuyên môn kỹ thuật, hướng đến mục tiêu hiến ghép mô tạng, bộ phận cơ thể người tại các bệnh viện tuyến tỉnh./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thanh-lap-chi-hoi-van-dong-hien-tang-mo-tang-o-tinh-quang-ninh-post951007.vnp