Thái Nguyên: Nhiều doanh nghiệp, tổ chức quốc tế tìm kiếm cơ hội đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp

Tỉnh Thái Nguyên và các đoàn doanh nghiệp, tổ chức quốc tế đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, khí hậu, môi trường.

Ngày 16/5, tại tỉnh Thái Nguyên, Đoàn công tác của Liên minh châu Âu, Vương quốc Hà Lan và Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh để tìm hiểu về cơ hội đầu tư và các dự án phòng, chống sạt lở; nước sạch; nước thải; sản xuất, chế biến, xuất khẩu chè trên địa bàn tỉnh.

Ông Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, Thái Nguyên là một trong những trung tâm về kinh tế, văn hóa, giáo dục và y tế của vùng Trung du và miền núi phía Bắc Việt Nam, nằm trong vùng Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Năm 2023, Thái Nguyên là tỉnh thứ 5 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, thể hiện tầm nhìn và định hướng chiến lược dài hạn, tạo hành lang vững chắc cho sự phát triển bền vững. Trong đó, tỉnh đã được phê duyệt quy hoạch 12 khu công nghiệp, 41 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 6.300 ha.

Thái Nguyên có điều kiện địa lý, khí hậu - thủy văn thuận lợi các mặt để phát triển hệ sinh thái đa dạng, bền vững và phát triển các ngành nông, lâm nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh, thân thiện môi trường.

Trong năm 2024, Thái Nguyên đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư và thương mại tại một số nước như Anh, Đức, Hà Lan và làm việc với Quỹ chống biến đổi khí hậu CFM nhằm quảng bá, giới thiệu, kết nối các địa phương, xúc tiến đầu tư vào tỉnh.

Thái Nguyên cũng là điểm sáng hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Trên cơ sở đó, tỉnh mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, kết nối từ phía Liên minh châu Âu, Vương quốc Hà Lan và Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore đối với một số lĩnh vực như: Hạ tầng khu công nghiệp, nông nghiệp, công nghệ thông tin; sản xuất sản phẩm công nghệ linh kiện điện tử; dịch vụ; nông nghiệp và đặc biệt là các dự án về đào tạo nhân lực, xử lý rác thải, khí thải, bảo vệ môi trường...

Ông Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại chương trình. Ảnh: TTXVN.

Ông Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại chương trình. Ảnh: TTXVN.

Ông Kees van Baar, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam thông tin về hoạt động của một số doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, khí hậu, môi trường…

Đại sứ cho biết, những năm gần đây, đang có một làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Hà Lan liên quan đến lĩnh vực công nghệ cao, đã được triển khai tại nhiều nước trên thế giới. Đối với khu vực Đông Nam Á, các doanh nghiệp Hà Lan quan tâm, tìm hiểu để phát triển ngành bán dẫn, trong đó đặc biệt chú trọng tới hai quốc gia là Việt Nam và Malaysia.

Đại sứ nhấn mạnh, Thái Nguyên là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Hà Lan đến và tìm hiểu. Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối để các doanh nghiệp đến với Thái Nguyên.

Cũng tại chương trình, ông Mai Phước Dũng, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Singapore cho biết, Singapore là một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam, tuy nhiên hiện chưa có nhiều doanh nghiệp Singapore tại Thái Nguyên.

Trong thời gian tới, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore sẽ giới thiệu các doanh nghiệp nước này đến nghiên cứu, tìm hiểu và đầu tư tại Thái Nguyên.

Dịp này, một số doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã chia sẻ mong muốn mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm chè đến các nước thuộc Liên minh châu Âu.

Xác định công nghiệp là trụ cột của nền kinh tế, đóng góp lớn vào tăng trưởng, Thái Nguyên đã và đang triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Trong 4 tháng đầu năm 2024, Thái Nguyên thu hút vốn FDI rất tích cực, với tổng số vốn đăng ký mới và điều chỉnh là 477,51 triệu USD, tương đương gần 12.000 tỷ đồng.

Cụ thể, cơ quan chức năng đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 7 dự án, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023, với tổng vốn đăng ký 470,7 triệu USD (gấp 5 lần so với cùng kỳ); điều chỉnh 4 lượt dự án, với số vốn điều chỉnh tăng thêm 6,81 triệu USD.

Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 172 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 11,3 tỷ USD. Đóng góp của các doanh nghiệp FDI giúp kim ngạch xuất khẩu của tỉnh luôn duy trì vị trí thứ tư cả nước trong những năm gần đây.

Thùy Dương

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/thai-nguyen--nhieu-doanh-nghiep--to-chuc-quoc-te-tim-kiem-co-hoi-dau-tu-trong-linh-vuc-cong-nghiep-121278.htm