Tạo sức hút thí sinh theo ngành nghệ thuật

Nhiều năm qua, ngành văn hóa vẫn than phiền rất khó tuyển sinh nhiều ngành nghệ thuật biểu diễn sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, kịch hát dân tộc...

Lần đầu tiên, 12 cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham gia Ngày hội tuyên truyền hướng nghiệp năm 2024 tổ chức vào ngày 4-5. Đây là động thái mới nhất của ngành văn hóa nhằm thu hút sự hưởng ứng từ các thí sinh về lĩnh vực đào tạo có nhiều tiềm năng phát triển nhưng bấy lâu nay chưa được đánh thức một cách mạnh mẽ, hiệu quả.

Nhiều năm qua, ngành văn hóa vẫn than phiền rất khó tuyển sinh nhiều chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, kịch hát dân tộc... Phần lớn các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật có đặc điểm chung là tuyển chọn năng khiếu khắt khe, chi phí đào tạo lớn, yêu cầu dạy và học khác biệt, thời gian đào tạo kéo dài.

Ảnh minh họa: Toquoc.vn

Trong khi đa số cơ sở đào tạo đại học đều chú trọng công tác truyền thông, quảng bá rầm rộ, tổ chức nhiều hoạt động như ngày hội tư vấn tuyển sinh, tư vấn hướng nghiệp, thì nhiều cơ sở đào tạo của ngành văn hóa (từ Trung ương đến địa phương) dường như vẫn “ngủ đông” trước mùa tuyển sinh.

Một phần do chưa thoát khỏi tư duy bao cấp, phần khác do nhiều người trong cuộc vẫn quan niệm các ngành đào tạo nghệ thuật vốn kén thí sinh. Cả nguyên nhân khách quan và chủ quan tích hợp lại khiến công tác tuyển sinh lĩnh vực này thêm khó khăn.

Trước đây, nói về lĩnh vực nghệ thuật là người ta liên tưởng như một “khoảng trời” dành riêng cho những tài năng khác biệt trong xã hội. Có lẽ do quan niệm đó mà từ công tác tuyển sinh, đào tạo đến việc bố trí việc làm, sử dụng nhân lực của các ngành nghệ thuật tương đối khép kín.

Nhằm khắc phục tình trạng này, những năm gần đây, nhiều đơn vị nghệ thuật đã tìm cách đưa hoạt động, lực lượng của mình đến gần công chúng hơn, ví như biểu diễn hòa nhạc thính phòng trên đường phố; diễn các trích đoạn tuồng, chèo truyền thống nổi tiếng phục vụ du khách ở các điểm lễ hội, du lịch, sự kiện văn hóa đại chúng...

Trong bối cảnh hiện nay, bất cứ cơ sở đào tạo đại học nào muốn tồn tại, phát triển thì không thể nằm mãi trong cái “vỏ kén” của mình, mà phải chú trọng tăng cường thông tin, truyền thông, quảng bá về vị thế, thương hiệu, ưu thế của nhà trường; đồng thời đổi mới mạnh mẽ nội dung chương trình, phương pháp đào tạo để phù hợp với thị trường lao động và nhu cầu xã hội.

Các chuyên ngành đào tạo nghệ thuật từ hàn lâm (như âm nhạc thính phòng, giao hưởng) đến biểu diễn sân khấu truyền thống (như tuồng, chèo, cải lương, kịch hát dân tộc) hay các chuyên ngành mỹ thuật ứng dụng (như thiết kế đồ họa, thời trang, nội thất...) cũng phải tiếp cận với cách làm mới trong tuyển sinh, đào tạo thì mới có thể tránh được nguy cơ lạc hậu, đi sau sự phát triển của xã hội.

Tất nhiên, đào tạo ngành nghệ thuật không thể thuần túy chạy theo số lượng đơn thuần, mà vẫn phải coi trọng chất lượng đầu vào. Người xưa từng đúc kết “Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Muốn có nguồn đầu vào tốt, việc các nhà trường chủ động cung cấp thông tin rộng rãi về phương thức tuyển sinh, ngành nghề đào tạo, chế độ, chính sách học phí cũng như cơ hội việc làm trong tương lai chính là chìa khóa giúp các học sinh, sinh viên nhìn thấy triển vọng nghề nghiệp tươi sáng ở phía trước. Làm tốt công tác tuyển sinh các ngành nghệ thuật cũng là cơ sở để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta hiện nay.

NGỌC PHÒNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/tao-suc-hut-thi-sinh-theo-nganh-nghe-thuat-775439